Chủ nhật, 19/01/2025, 02:23[GMT+7]

Đồng Xâm tuệ nhãn

Thứ 2, 21/05/2018 | 08:46:20
5,834 lượt xem
Khi nhóm nghiên cứu văn hóa dân gian chúng tôi tiến hành điền dã tại di tích lịch sử quốc gia đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, những di khảo cổ xưa còn sót lại ở đây theo dòng thời gian đã mỏi mòn nhưng lại khiến nhiều tồn nghi lịch sử cần được nhìn với “tuệ nhãn” khách quan, khoa học.

Theo sử cũ, thời kỳ nhà Triệu (207 - 136 trước công nguyên), nhân cơ hội nhà Hán ở phương Bắc rối loạn, người Việt đã tổ chức thành quốc gia với đời sống vật chất dồi dào, kết quả từ bề dày của nền văn minh lúa nước, trong khi vùng lân bang như Champa, Chân Lạp, Xiêm La, Ai Lao vẫn còn hình thái bộ lạc. 

Lần tìm cảo thơm, trước thời nhà Triệu chưa có nguồn sử liệu chứng minh tổ chức xã hội của người Việt đạt đến trình độ nào nhưng chắc chắn trước khi Triệu Đà nhất thống Âu Lạc, dân cư bản địa đã có một nền văn minh rực rỡ, bằng chứng còn lưu lại ở một số di tích lịch sử như đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương), đền Cọi, làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư...

Thời cổ xưa, một triều đại mới lên sẽ tìm cách xóa sạch mọi dấu tích của triều đại cũ để nhấn mạnh vào lịch sử tính chính thống của mình. 

Khi nhóm nghiên cứu văn hóa dân gian chúng tôi tiến hành điền dã tại di tích lịch sử quốc gia đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, những di khảo cổ xưa còn sót lại ở đây theo dòng thời gian đã mỏi mòn nhưng lại khiến nhiều tồn nghi lịch sử cần được nhìn với “tuệ nhãn” khách quan, khoa học. 

Đền Đồng Xâm với tổng thể khoảng 1.000m² xây dựng có 12 hạng mục kiến trúc, trong đó đáng chú ý nhất là tòa hậu cung nơi Thánh Triệu Đà và Trình Thị Hoàng Hậu ngự. Tòa hậu cung đền Đồng Xâm được cấu trúc thành hai bộ phận liên hoàn là tòa điện năm gian nối với gian trung tâm, phần “chuôi vồ” được tôn cao để đặt khám gian.
Mặt tiền đền Đồng Xâm đắp nổi ba chữ “Nhất thống thủy” bằng gốm sứ cổ xưa. Đây là ý của tiền nhân nhắn nhủ hậu thế rằng nút thắt của sợi dây lịch sử nước Việt ta khởi thủy từ nhà Triệu nhất thống sơn hà. Hậu cung đền được bài trí công phu với nhiều đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm tinh xảo. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều bài thơ, câu đối lưu bút danh bái đề của những danh sĩ nổi tiếng như Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, tiến sĩ Doãn Khuê, phó bảng Vũ Tuân… 12 ô cửa hậu cung với hệ thống cánh cửa khay soi chỉ kép được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá chữ triện… tạo cảm giác lâng lâng và khiến ta liên tưởng đến các triều đại phong kiến kế tiếp trong lịch sử nước Việt đều có những ghi nhận sâu sắc thiết chế văn hóa đền Đồng Xâm, khẳng định mối tình Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) và Trình Thị Hoàng Hậu quê ở làng Đường Thâm (sau đổi thành Đồng Xâm), xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương không chỉ là truyền thuyết. 

Cánh cửa hậu cung đền Đồng Xâm hé mở, bước vào chốn thiêng là nhìn ngay thấy một tác phẩm mỹ nghệ độc đáo mang đặc trưng của làng nghề chạm bạc. Khám gian được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài từ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt… Chốn thâm cung tĩnh mịch, huyền ảo trái ngược với cuộc sống ồn ào náo nhiệt bên ngoài, tượng Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng Hậu được đúc bằng đồng khảm vàng, thếp bạc ngồi bên nhau trong khám. Tượng to tương đương với người ngoài đời ở tư thế ngồi. Tượng Triệu Vũ Đế khắc họa vị vua Nam Việt dáng người to cao, đường bệ, uy nghi; tượng Trình Thị Hoàng Hậu dáng thon thả, nhỏ nhắn với nét đoan trang, trinh thục của người phụ nữ nông thôn Việt. Trong khám thờ còn bảo lưu được kiếm đúc vàng, búa sắt, theo truyền ngôn đó là bảo vật của Triệu Vũ Đế được lưu truyền. 

Căn cứ vào thần tích, sắc phong qua các triều đại phong kiến, câu đối, đại tự kết hợp với nguồn sử liệu từ truyền thuyết dân gian và các truyền ngôn trong vùng củng cố thêm các tồn nghi về Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đã từng tuần thú đến làng Đường Thâm thấy nàng Trình Thị nhan sắc đẹp tựa mây trời, nết na, đoan thục liền lấy làm vợ, phong làm Hoàng hậu và cho lập hành cung ở làng Đường Thâm. Đền Đồng Xâm được xây dựng trên chính đất của hành cung Triệu Vũ Đế xây thuở xưa. Con cháu họ Triệu ở Đồng Xâm bao đời nay vẫn tự hào là dòng họ có nhiều người hiển đạt. Con cháu Hoàng hậu Trình Thị hầu hết nắm giữ trọng trách cầm ca chốn cung thành. 

Sau khi Trình Thị Hoàng Hậu mất, dân làng Đồng Xâm dựng một ngôi đền thờ những người ca công là con cháu họ Trình. Từ đó, ngày hội đền Đồng Xâm có lễ tế tổ nghề ca công (bây giờ gọi là hát ca trù). Tục thi hát ca trù đền Đồng Xâm từ thuở xa xưa đã thu hút nhiều gánh hát ở nhiều vùng trong nước Việt đến dự hội, ca hát. Tan hội vẫn còn gánh hát ca trù lưu lại. 

Từ ngàn xưa, đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng Hậu, đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số người khi đến thăm đền còn hoài nghi về thời đại nhà Triệu. 

Nhà văn Vũ Bình Lục, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh sống và viết tại Hà Nội tác giả bài viết “An Dương Vương và Triệu Đà, thờ ai?” đăng trên Tạp chí Văn Hiến có nhắc lại lời quan Tham tụng Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ thiếu bảo, Yên quận công Phạm Công Trứ viết trong bài (tựa) cuốn Đại Việt sử ký tục biên năm Ất Tỵ 1665: “...Hãy thử xét xem, ngày xưa Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh Trần Thái Tông chép bộ Đại Việt sử ký bắt đầu từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng và sử quan Phan Phu Tiên vâng mệnh Nhân Tông của bản triều (tức triều Hậu Lê) chép nối bộ Đại Việt sử ký từ Trần Thái Tông đến khi người Minh trở về nước, nghĩa lớn khen chê đã rành rành ở lời công luận của bút chép sử ...”. Thế kỷ XV, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định trong Bình Ngô đại cáo: “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương…”. Dịch là: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…” để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc của Đại Việt với phương Bắc. Theo sử cũ, vua Hùng thứ 18 không có con trai nối dõi đã nhường ngôi cho Thục Phán nên Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép ở phần ngoại kỷ (tức là theo truyền thuyết), còn Triệu Vũ Đế nhất thống sơn hà được chép trang trọng vào phần “bản kỷ” (chính sử), thừa nhận là triều đại dựng nước.

Các cụ ta xưa luôn tôn trọng lịch sử nên xây đền thờ Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng Hậu ở Đồng Xâm, nơi Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) dựng xây hành cung và coi Triệu Vũ Đế là sự tiếp nối của vua Hùng, tuyệt nhiên không có việc phủ định quá khứ oai hùng của dân tộc, khẳng định đây là niềm tự hào vốn có từ bao đời, lưu truyền trong lịch sử, trong văn chương, trong đời sống tâm linh của người Việt.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Sử cũ chép: Khi Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông (con rể Hưng Đạo Đại Vương) đến thăm có hỏi “Nếu chẳng may Quốc công mất đi, giặc phương Bắc lại sang cướp lấn thì kế sách giữ nước như thế nào?”. Hưng Đạo Đại Vương nói rằng: “Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh chiếm thì nhân dân làm kế “thanh dã” (vườn không nhà trống) rồi đem đại quân từ Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường sa, dùng đoản binh úp đằng sau, đó là một thời”. Thực tế, Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đã sống gắn bó với người Việt, đã Việt hóa rõ ràng, bằng chứng là lấy vợ Việt (Trình Thị Hoàng Hậu), thụ hưởng văn hóa thuần phác của người Việt, dựng lập nên nước Nam Việt, lãnh đạo nhân dân chống nhà Hán đô hộ, bảo vệ toàn vẹn đất nước. Đến đời chắt (Triệu Ai Vương) thì Nam Việt suy yếu. Công lao dựng nước của Triệu Vũ Đế được Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ) hết lời ca ngợi.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trong cuốn “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” của nhóm tác giả Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành năm 2000 ghi Triệu Đà, người Hán, huyện Chân Định, nhân lúc nhà Tần suy loạn giết Trưởng Lại của nhà Tần chiếm giữ đất Lĩnh Nam, xưng đế, chống lại nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 5 đời gần 100 năm. Triệu Đà đánh bại Thục phán An Dương Vương, lập nước Nam Việt, xưng Triệu Vũ Đế (207 - 136 trước công nguyên). Triệu Đà thọ 121 tuổi, ở ngôi vua 71 năm nên khi chết nhường ngôi cho cháu nội là Triệu Hồ. Năm 113 trước công nguyên, nội tình nhà Triệu rối ren, vua Hán sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Nam Việt. Mẹ vua Triệu Ai Vương là Cù Thị tư thông với An Quốc bèn dâng Nam Việt cho nhà Hán. Tể tướng Lữ Gia của Nam Việt đã giết Cù Thị và An Quốc Thiếu Quý, dựng Triệu Dương Vương lên ngôi. Vua Hán sai 5 đạo quân đánh Nam Việt, vua tôi Nam Việt chống đỡ không nổi, bị giết hại. Nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ từ đó.


Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày