Chủ nhật, 28/04/2024, 15:24[GMT+7]

Những người lính Trường Sơn năm ấy

Thứ 2, 27/08/2018 | 08:39:34
1,934 lượt xem
Tháng 8/1973, những người lính Trường Sơn mới mười tám, đôi mươi. Vậy mà hôm nay gặp mặt họ đã lên ông, lên bà, được ôm, bắt tay nhau hỏi thăm nhau về cuộc sống hàng ngày, ôn lại những ngày tháng hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình viếng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại huyện Vũ Thư.

Cách đây đúng 45 năm, để tập trung cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 8/1973 hơn 1.000 thanh niên con em Thái Bình đã hăng hái lên đường bổ sung lực lượng cho Đoàn 559, Sư đoàn 472, Sư đoàn 473 và các đơn vị trực thuộc Đoàn bộ phía Tây Trường Sơn. 

Cựu chiến binh Trần Mạnh Bảo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vũ Tiến (Vũ Thư) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng: Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của mặt trận, chúng tôi được tập trung huấn luyện tại xã Song An (Vũ Thư). Sau một tháng huấn luyện, ngày 23/9/1973, các tân binh được lệnh đi chiến trường B. Sau gần 2 tháng hành quân đến cuối tháng 11/1973, đơn vị tập kết tại huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và được bổ sung cho Sư đoàn 471, Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm thông đường 14 Đông Trường Sơn. Bước sang năm 1974, tình hình chiến trường có nhiều chuyển biến, Sư bộ 471 được điều sang Tây Trường Sơn thành lập Sư đoàn xe thuộc F472, Đoàn 559. Các anh nhanh chóng làm quen với nhiệm vụ mới. Mặc cho mưa rừng, nắng lửa thời tiết khắc nghiệt, côn trùng như vắt xanh, rắn xanh, muỗi rừng, ruồi vàng, bọ chó, gió tây “đặc sản” ở Trường Sơn hành hạ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm vừa chiến đấu, vừa thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường “Vì miền Nam ruột thịt”, với khẩu hiệu “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm” để mùa khô năm 1974 thông tuyến Đông Trường Sơn. Nhìn những đoàn xe ngày đêm nối đuôi nhau chở quân, chở hàng chi viện cho chiến trường chuẩn bị chiến dịch giải phóng miền Nam mà lòng vui phơi phới quên hết mệt nhọc, gian khổ. Trong thời gian phục vụ chiến đấu đó đã có nhiều đồng chí, đồng đội anh dũng hy sinh; nhiều đồng chí đã để lại một phần cơ thể tại chiến trường, nhiều đồng chí sau này đã bị nhiễm chất độc hóa học để lại di chứng nặng nề. Tiêu biểu như anh Vũ Văn Nam, xã Hồng Phong; Bùi Văn Nhị, xã Đồng Thanh (Vũ Thư); Lại Văn Cách, xã Tây Tiến (Tiền Hải) đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh tại chiến trường Quảng Nam - Quảng Trị.

Sau khi miền Nam được giải phóng 30/4/1975, các anh tiếp tục mở rộng xây dựng đường Trường Sơn và các công trình trên khắp mọi miền đất nước. Dù ở đơn vị nào, công việc gì, các anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có rất nhiều đồng chí được bầu là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, một số đồng chí đã được cử đi học các trường sĩ quan kỹ thuật xe máy, lái xe, y bác sĩ, hậu cần, tài chính, kỹ thuật cầu đường, sĩ quan thông tin, quân sự chính trị tiếp tục phục vụ quân đội lâu dài, còn lại phần lớn các anh trở về, lao động sản xuất góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Liệu, Trưởng ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình cho biết: Xuất phát từ cuộc sống của người lính đi qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, chính những ngày tháng hào hùng đó đã để lại cho chúng tôi tình cảm đồng đội, đồng chí thân thiết. Vì thế, đầu những năm 1990, tại các xã, phường, thị trấn đã hình thành những hội đồng ngũ tháng 8/1973, hàng năm tổ chức gặp mặt vào ngày nhập ngũ, đã trở thành ngày hội thiêng liêng của mỗi người lính Trường Sơn chúng tôi. Năm 2002, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành chúng tôi đã thành lập Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8/1973 Thái Bình, trên cơ sở tập hợp các chi hội ở các xã, phường. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức gặp mặt, qua đây đồng đội, đồng chí gặp gỡ, cùng nhau ôn lại một thời quân ngũ vào sinh ra tử rất đỗi thiêng liêng, tự hào. 

Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình thực sự là ngôi nhà chung được xây đắp bằng tình cảm đầy chất lính, góp phần thúc đẩy, động viên mỗi hội viên phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, không ngừng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, quê hương giàu đẹp góp phần vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vũ Tiến