Tiền đồn thập lý
Tương truyền, cuối thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai (1285), trước thế giặc mạnh như vũ bão vua tôi nhà Trần đã thực hiện chiến lược “thanh dã” (vườn không, nhà trống) rút lui chiến lược về Thiên Trường và ra biển. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuần cho Yết Kiêu dẫn đạo quân đánh chặn các chiến thuyền của địch ở vùng biển Chân Lợi (Tiền Hải nay). Trong trận huyết chiến, có một tướng quân tử trận, máu của vị tướng này chảy thấm đỏ bãi cát. Không lâu sau nơi đó mọc lên một cây quế, mùi thơm tỏa ngát một vùng. Người dân thấy hiện tượng lạ liền dựng đền thờ. Đó là đền Quế nay thuộc thôn Bắc, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải…
Theo truyền ngôn, đền Quế rất thiêng. Ngư dân trước khi đi biển đến vái đền sẽ thuận buồm xuôi gió. Khi giặc dã, trước trận chiến các tướng lĩnh nhà Trần đến viếng đền đều thắng trận trở về. Sau này khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời, bài vị của ngài được thờ trong đền.
Các tài liệu khảo cứu về cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông trên đất Thái Bình cho thấy Hưng Đạo Đại Vương đã từng cho dựng đồn lũy tại vùng đất Tiểu Hoàng, dựng tiền đồn thập lý và để lại bài học kinh nghiệm quân sự trong chiến tranh vệ quốc trước thế tiến công mạnh mẽ của quân địch đông gấp nhiều lần về số lượng, mạnh về lực lượng, để tránh thương vong thảm khốc cho dân lành và binh lính bằng cách không dốc toàn bộ lực lượng nghênh chiến với quân địch mà chọn cách rút lui chiến lược ra biển, rời bỏ kinh thành nhử cho địch vào sâu rồi tiến đánh. Cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chủ trương “Nguyên binh khí nhuệ đương hưng, kịp đánh chẳng bằng kiên thủ chờ suy”, bằng lối tư duy đó, ông trực tiếp chỉ huy quân đội chặn đứng địch ở phía Nam ngoài biển trong khi ở phía Bắc thì cho quân chủ lực rút lui từng bước còn quân “ngụ binh ư nông” ở lại phối hợp với thổ binh, dân binh, hương binh đánh địch tại chỗ, thực hiện rút phía trước nhưng đánh mạnh phía sau lưng địch.
Dấu tích tiền đồn xưa khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng quân đội nhà Trần chặn địch ngoài biển trong chiến lược rút lui của nhà Trần còn lưu lại trên đất Tiểu Hoàng (Tây Giang ngày nay) là dấu tích đền Quế và đình Nam, đây được coi là tiền đồn quan sát có thể phát hiện quân địch 10 dặm ngoài biển nên dân gian gọi là “tiền đồn thập lý”.
Theo tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả, cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288), tướng giặc Thoát Hoan chỉ huy đạo quân hùng mạnh nhất tràn vào Đại Việt, vua quân nhà Trần tiếp tục dùng kế lui binh, nhử địch vào vòng kiểm soát để tránh thảm họa chiến tranh và bảo toàn lực lượng vừa có điều kiện thăm dò lực lượng địch để bày ra phương án đánh địch. Quân Nguyên Mông tổ chức cuộc truy đuổi vua quân nhà Trần từ ngày 2 tháng 2 đến ngày 6 tháng 2 năm 1288 chỉ trong 4 ngày giặc vừa đánh hạ các cứ điểm chặn hậu vừa hành quân đuổi theo quân nhà Trần một đoạn đường dài từ Thăng Long đến cửa biển Giao Thủy (Nam Định) và Chân Lợi (Tiền Hải nay). So với lần xâm lăng trước (1285), lần này thủy quân của Nguyên Mông có khả năng chiến đấu trên chiến trường sông nước mạnh hơn, nhanh hơn nhưng quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy còn nhanh và khả năng tác chiến sông nước hơn hẳn quân Nguyên Mông.
Sử cũ ghi khi Thoát Hoan dẫn đạo quân truy đuổi vua Trần đến cửa biển Giao Thủy thì quân đội nhà Trần đã ra biển lớn và chia làm nhiều nhánh quân. Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương đem một đạo quân cùng nhiều chiến thuyền chia ra nhiều mũi tiến công khắp các lộ ven biển như Hồng (Hải Phòng nay), Khoái (Hưng Yên), Kiến Xương (Tiền Hải nay) và Hải Đông (Hải Dương)… Biết vua Trần cùng quân đội nhà Trần chạy ra biển, Thoát Hoan bèn đem binh và thuyền chiến truy đuổi riết nhưng đuổi đến bờ biển thì hoàn toàn mất dấu vua Trần. Tướng giặc nghiến răng uất hận vì chẳng biết vua Trần biến đâu mất đành phải thu quân về Thăng Long. Thoát Hoan sai A Bát Xích cùng Áo Lỗ Xích đem quân đi cướp lương thực ở các làng. Ô Mã Nhi đem thuyền ra cửa An Bang đón thuyền lương của viện quân nhưng các thuyền lương của giặc đã bị tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt ngoài biển. Sau khi đặt chân đến Đại Việt hòng bắt sống vua Trần nhưng quân Nguyên Mông lại lâm vào cảnh cạn kiệt lương thực và nhiễm dịch bệnh. Lúc này thủy quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vẫn tích cực hoạt động ở ven biển để quấy rối, thu hút sự chú ý của giặc, cố gắng kiểm soát lại những vùng giặc đã chiếm đóng. Thoát Hoan phát hiện quân đội nhà Trần hoạt động ở vùng biển liền đem quân đánh vào nhiều nơi. Tướng giặc là Ô Mã Nhi cho quân bắn thư sang đe dọa vua Trần: “Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước” (Thiên Nam hành ký). Tướng giặc Ô Mã Nhi chủ quan cho rằng lần tiến đánh Đại Việt này hắn đã có thủy quân mạnh, thuyền bè nhiều nên có thể dễ dàng tung hoành trên khắp lãnh thổ Đại Việt chứ không giống như lần trước. Thoát Hoan cho rằng vua Trần chỉ chạy trốn về Thiên Trường nên đích thân đem quân đánh, lệnh cho A Bát Xích dẫn bộ binh đánh vào Hàm Tử (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay) rồi tiếp tục đuổi quân nhà Trần xuống phía Nam. Chúng gặp phải chốt chặn của quân đội nhà Trần ở Hải Thị (ngã ba sông Luộc, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà nay). Không tìm thấy vua Trần, Ô Mã Nhi tức tối sai quân tàn phá Chiêu Lăng (Tiến Đức, Hưng Hà), giặc vừa truy lùng vua Trần vừa cướp bóc, giết hại dân lành tàn bạo. Chúng đốt phá các điền trang, thái ấp của vương tộc nhà Trần, đốt làng mạc dọc đường truy đuổi vua Trần. Quân giặc Nguyên Mông căm tức quân dân Đại Việt đã đánh bại chúng năm 1285 nên chúng ra sức tàn phá Đại Việt để trút hận thù.
Cuối cùng, quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy tài giỏi của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã từ biển phản công dữ dội vào quân Nguyên Mông, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi và đám tàn quân đem về bái yết các vua Trần tại Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà).
Có được chiến công vang dội ấy một phần nhờ công lao của những con người và vùng đất Chân Lợi, Tiểu Hoàng. Bi ký đình Nam thôn Nam, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải ghi: “Thuở xưa ở đất Diêm này, khi quân giặc kéo đến cách cửa bể 10 dặm đã bị phát hiện”. Tương truyền, đình Nam là nơi đã từng được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cho dựng đài quan sát để phát hiện quân giặc cách 10 dặm làm nên chiến công oanh liệt đại phá quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), dân gian mãi lưu truyền là “Thập lý lâu đài”.
Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nguyên Giám đốc Thư viện khoa học, tổng hợp tỉnh Cần phải nhấn mạnh lại rằng càng về sau các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285) quân đội nhà Trần càng tích cực thực hiện các hoạt động linh hoạt và cũng càng bám sát địa vực của cả một dải các lộ ven biển, trong đó có biển Chân Lợi, nơi không chỉ là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông mà còn là hành lang vững chức bảo vệ và tạo cho nhà Trần ngược xuôi vượt lên phía Bắc, vòng vào phía Nam trót lọt trước sự truy đuổi, càn quét của quân Nguyên Mông tàn bạo. Chiến thuật “giặc mạnh tạm lánh, giặc chưa tràn đến thì dựa vào các thế hiểm để giấu quân đội nơi biển khơi, phục chốn ải hiểm để tiến đánh địch, trăm trận, trăm thắng”. Cựu chiến binh Phạm Văn Quynh, khu phố Hùng Thắng, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Nam, xã Tây Giang. Từ bé tôi đã được các bậc cao niên trong làng đọc cho nghe đến thuộc lòng đoạn văn bia: “Phàm khảo cổ có điều còn nghi hoặc thì nên chờ đấy mà tìm lý lẽ chính xác có căn cứ… Nay quan lãm nơi ở cửa ấp Diêm ta phía Đông Nam hạ du gần nơi trú binh cửa Ba Lạt khống chế cửa Trà mà dẫn đến cửa Lân…”. Chỉ một đoạn văn bia cũng đủ hình dung ấp Diêm xưa từng là nơi đồn trú của quân đội nhà Trần, nơi trú quân trong chiến lược rút quân từ kinh thành Thăng Long ra biển để nhử địch mà đánh làm nên chiến công 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông.Ông Lê Văn Chiến, thủ từ đình Nam, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải Đình Nam là nơi thờ phụng vị thần tối linh ở Nam Hải là Quảng Lợi đại vương, sau năm 1954, ngôi đền Quế thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bị giặc Pháp tàn phá nên bài vị được đưa về đình Nam phối thờ. Đình Nam còn có tên gọi khác là đình Chính. Từ xa xưa, người dân nơi đây vẫn nhớ mảnh đất dựng đình Chính là tiền đồn thập lý của quân đội nhà Trần khi tiến hành cuộc trường chinh vĩ đại đánh tan quân giặc Nguyên Mông. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam