Chánh quản Hiệp Vỡi
Hiệp Vỡi tên thật là Nguyễn Vĩ, hiệu là Trung Quang sinh năm Kỷ Hợi (1839) trong một gia đình dòng dõi Nguyễn Đại tộc danh thần khai quốc triều Lê ở làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư.
Ngược dòng lịch sử, ngày 1 tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Gia Định rơi vào tay thực dân Pháp, quan quân triều Nguyễn đi theo xu hướng “hòa rồi hàng”. Thực dân Pháp lợi dụng triều chính nghiêng ngả kích động bọn cướp và thổ phỉ ở phía Bắc nổi lên khiến người dân phải chịu bao đắng cay, khổ cực.
Nhà sử học người Pháp, Giáo sư, Tiến sĩ Sác-li Phuốc-ni-ô (Charle Four niau) đã đề cập đến phong trào Cần Vương Bắc kỳ: “Phong trào Cần Vương là mốc khởi đầu của các phong trào dân tộc ở Việt Nam trong thời kỳ cận đại, nó tạo thành một điểm nút cho sự tiến triển của lịch sử Việt Nam... Cuộc kháng chiến quyết liệt và có uy tín của phong trào lại là những cái khuôn quan trọng, từ đó đào luyện nên những con người kế tục cuộc chiến đấu sau này”. Lịch sử phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở tỉnh ta gắn với tên tuổi Hiệp Vỡi cùng công tích lưu danh quốc sử của ông.
Từ nhỏ, Nguyễn Vĩ có sức vóc hơn bạn cùng trang lứa lại yêu thích võ nghệ nên ông đã tìm đến đội Phan, một người có tiếng về võ thuật trong làng để luyện rèn võ nghệ. Rồi Nguyễn Vĩ được triều đình nhà Nguyễn gọi đăng lính. Với võ nghệ cao cường, sau bốn năm đăng lính ông được phong cấp đội phó và không lâu sau ông được tấn phong chánh hiệp quản huyện Vũ Tiên (chỉ huy trưởng quân sự). Nhận lệnh triều đình, ông trực tiếp chỉ huy nhiều vụ tiễu phỉ vùng biển Thái Bình, Nam Định, ra quân trận nào thắng trận ấy khiến cho lũ phỉ Xắng Cá của nhà Thanh từ biển theo đường thủy ngược sông Hồng vào sâu trong đất liền cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ chỉ nghe tên Hiệp Vỡi đã chạy rẽ nước ra biển. Dân gian thời bấy giờ có câu ca:
“Ở đâu giặc dã hoành hành
Vũ Tiên Hiệp Vỡi nổi danh tiễu trừ
Hải phỉ cướp bến, cướp đò
Nghe tiếng ông Vỡi cẳng co mà chuồn”
Không dừng ở công việc tiễu phỉ vùng ven biển, Hiệp Vỡi được triều đình nhà Nguyễn điều động lên làm đội trưởng quân thứ Sơn Tây - Tuyên Quang cùng với Nguyễn An ở Động Trung. Hoạt động ở vùng núi Đông Bắc ông đã cùng Tán lý quân thứ Lạng Bình là Ông Ích Khiêm tiếp tục công việc tiễu phỉ vùng rừng núi biên ải.
Năm 1870, Ông Ích Khiêm cùng Tham tán Lê Bá Thận phá tan quân phỉ của Hoàng Vân ở rừng Lục Ngạn được triều đình thăng chức Tham tri bộ Binh, đổi sang làm Tán lý Lạng Bình, ít lâu sau thăng lên Tham tán. Bấy giờ quân Tô Tứ (giặc Khách Tàu Ô) nửa đêm đến chiếm cứ thành tỉnh Lạng Sơn. Khâm sai Võ Trọng Bình (sau này là Tổng đốc Nam Định) bỏ chạy, Trung quân Đoàn Tho bị giết chết. Ông Ích Khiêm đem thần công đến đánh vào cửa đông thành nhưng bị quân Tô Tứ bắn trả, Ích Khiêm bị thương bèn cho quân rút về Hải Dương.
Năm 1871, Ông Ích Khiêm ở quân thứ Đông Triều (Quảng Ninh) rút kinh nghiệm trận đánh năm 1870, ông cho gọi Hiệp Vỡi đem thần công đi đánh quân Tô Tứ. Với tài bắn súng thần công của mình, Hiệp Vỡi đã giúp Ông Ích Khiêm thắng trận. Khi nghe tin thực dân Pháp đánh phá quê nhà ông đã gom số tiền dành dụm của mình mua súng đạn gửi về cho nghĩa quân của Nguyễn Hữu Bản chiến đấu kháng Pháp.
Tháng 3 năm 1883, thực dân Pháp tiến đánh thành Nam Định lần hai với đội quân thủy chiến hùng hậu cùng các tàu chiến hiện đại nhất thời bấy giờ dưới sự chỉ huy của tướng Henri Riviere. Trong trận quyết tử này, Nguyễn Hữu Bản hy sinh, Đề đốc Lê Văn Điếm bị trọng thương. Hiệp Vỡi đã nhanh chóng về quê kề vai sát cánh cùng các nghĩa sĩ Cần Vương tiếp tục kháng Pháp. Tuy nhiên, do lực lượng quân Pháp rất mạnh nên thành Nam thất thủ, Hiệp Vỡi đành lui về quê nhà ở Hội Khê tiếp tục rèn luyện binh sĩ. Ông cùng quân sĩ và nhân dân Hội Khê rào chặt bốn cổng làng cùng các cổng chùa, cổng đồng, cổng Miễu, cổng Giếng, cổng Vọng và đào hào chiến đấu kéo dài đến tận Vân Môn cạnh sông Hồng, chiêu tập thợ rèn giáo mác, tập hợp các cụ đan bồ sọt giỏi về ken lá chắn.
Sau cái chết bi hùng của Nguyễn Hữu Bản bên thành Nam, Hiệp Vỡi kêu gọi nghĩa binh và dân binh sát cánh cùng Nguyễn Hữu Cương (anh trai Nguyễn Hữu Bản), Bang Úc, Giám Thố... tiếp tục đánh giặc Pháp cơ động từ ba căn cứ là làng Động Trung, Vũ Ninh và làng Hội Khê. Dân gian còn lưu truyền câu ca:
“Tiền Khanh, hậu Đống, tả Bang
Hữu Giám, trung quân chính danh Hiệp Vỡi”
Tình thế nguy nan buộc Hiệp Vỡi đứng lên chỉ huy cuộc chiến chống thực dân Pháp ở khu vực phía Nam của tỉnh. Với tài bắn súng thần công chính xác của mình Hiệp Vỡi đã làm nhiều trận càn của quân Pháp tơi tả, nghĩa quân thừa thắng phản công quân Pháp những trận chí tử. Ông từng một lúc kéo hai khẩu thần công ra tận bờ sông Hồng (đoạn Vũ Vân) để bắn chìm tàu chiến Suprieses của Pháp. Tuy giành được một số thắng lợi nhất định nhưng do tương quan lực lượng yếu hơn quân Pháp nên dù có được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng rút cuộc nghĩa binh của Hiệp Vỡi cũng không trụ được lâu. Cùng lúc đó, Đề đốc Tạ Hiện, chủ tướng mặt trận Định An (Nam Định - Hưng Yên) đột nhiên mất tích. Quân Pháp được đà lấn tới, chúng ra tay tàn sát phong trào, cuộc chiến tiến đánh Bắc kỳ của quân Pháp cơ bản hoàn thành.
Ngày 21 tháng 3 năm 1890, toàn quyền Pháp tại Đông Dương Jules Piquet ký quyết định thành lập tỉnh Thái Bình. Đây là biện pháp chia để trị của thực dân Pháp nhằm cô lập đội quân kháng Pháp của nhân dân ta, đồng thời chúng tăng cường xây dựng đồn bốt, siết chặt sự thống trị thuộc địa với người dân Thái Bình nói riêng và Bắc kỳ nói chung.
Danh xưng Hiệp Vỡi luôn được xướng lên gắn với những điển tích chiến công kháng Pháp xâm lược trong phong trào Cần Vương ở Thái Bình những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặc biệt là tài bắn súng thần công của ông. Hai khẩu thần công (hiện vẫn đang trưng bày ở đền thờ liệt sĩ thành phố) tương truyền là do Hiệp Vỡi đúc thành công và kéo đi bắn đồn giặc và tàu chiến của giặc Pháp khắp một vùng cửa sông, cửa biển Nam Định - Thái Bình khiến quân Pháp kinh hoàng.
Ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ông Nguyễn Tiến Lộc, hậu duệ của chánh quản Hiệp Vỡi, làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư Ông Nguyễn Công Thắng, trưởng tộc Nguyễn làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư Cụ Hiệp Vỡi thừa hưởng truyền thống yêu nước của dòng tộc họ Nguyễn vốn xuất thân từ dòng dõi Nguyễn Bặc khai quốc công thần triều Lê sơ. Theo tộc phả dòng họ, họ Nguyễn Đại tộc làng Hội Khê là nhánh một dòng họ danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Cụ tổ là Câu Kê, Yên Khánh hầu Nguyễn Trung Giá là một trong những tiên công lập ấp Câu Kê, sau đổi là Cọi Khê và bây giờ là Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng