Thứ 6, 22/11/2024, 05:55[GMT+7]

Liên hoa nhất điểm kỳ

Thứ 2, 24/12/2018 | 08:19:30
2,279 lượt xem
Như sự sắp đặt của tạo hóa, đồng đất Lại Trì (xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương) tự nhiên nổi lên như đài hoa sen. Các nhà phong thủy phải thốt lên “Liên hoa nhất điểm kỳ hựu tối kỳ”, nghĩa là đồng đất bằng phẳng có một khoảng đất hình hoa sen rất lạ.

Đền Nam hay còn gọi là đền Lại Trì, xã Vũ Tây (Kiến Xương).

Nơi đây có ngôi đền (thường gọi là đền Lại Trì) được xếp hạng “tứ linh từ” của đất Chân Định xưa. Theo thần tích và bi ký đền thờ Đại pháp thiền sư Dương Không Lộ (Lý Quốc sư), húy là Minh Nghiêm. Thân mẫu thiền sư vốn là người họ Nguyễn ở ấp Hán Lý, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang (Hải Dương) làm nghề chài lưới lênh đênh sông nước nên phiêu dạt tới Lại Trì rồi neo đậu chốn này cũng được nhân dân Lại Trì hương khói phụng thờ.

Theo các nguồn khảo luận và truyền ngôn trong dân gian thân mẫu của Dương Không Lộ lấy nghề đánh bắt cá để nuôi con. Một lần xuôi dòng nước từ Ninh Giang đến sông Bến (cạnh làng Lại Trì) bà để con trai (Minh Nghiêm) trên thuyền rồi thả lưới, quăng chài. Mải mê chao xúc cá, tôm, bỗng bà ngước nhìn đôi bờ sông Bến phong cảnh kỳ thú, nước biếc, trời xanh in bóng hình đài sen kỳ ảo, ngẫm nghề sông nước hợp với nơi này nên bà quyết định tìm nơi neo đậu rồi dựng lều sinh sống ở đây. Minh Nghiêm lớn lên trên vùng đất có hình hoa sen kỳ tú Lại Trì.

Trong chuyến điền dã mới đây về Lại Trì, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương và chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) chúng tôi nhận thấy nét tương đồng ở hai địa danh đều cùng thờ Quốc sư Dương Không Lộ. Sử cũ ghi khoảng trước năm 1060 thiền sư Dương Không Lộ cùng các thiền sư Từ Đạo Hạnh và Giác Hải đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Năm 1061, thời vua Lý Thánh Tông, thiền sư về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (sau đổi tên là Thần Quang Tự) ở làng Dũng Nghĩa (xã Duy Nhất, Vũ Thư) để truyền bá đạo Phật, hoằng dương Phật pháp. Thần Quang tự còn gọi là chùa Keo. 

Theo sách “Trùng san Thần Quang tự Phật tổ” bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu chép rằng: Thiền sư Không Lộ, đời thứ 9 Thiền phái Vô Ngôn Thông. Sư họ Dương cha mẹ nối đời làm nghề chài lưới, đến đời ông vì nặng lòng nhân tình thế thái mà bỏ đi theo đạo Phật. Từ một ngư phủ, ông theo Thiền sư Lôi Hà Trạch xuất gia cùng làm bạn với các Thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Ở Lại Trì, sau khi thân mẫu và quốc sư mất, dân làng vô cùng thương xót nên lập đền thờ. Đền thờ Quốc sư phong cảnh tối hảo, phía trước hướng cửa đền chính giữa nhìn ra có dải nước sâu hình trái bầu luôn đầy ắp nước, thông ra sông Bến. Xa xa có dải đất rộng hình chiếc đàn tỳ bà, bên cạnh chiếc đàn là thửa ruộng hình thanh kiếm. Bên kia sông trước đền có gò đất hình con rùa và một dải đất hình con rắn... cả hai linh vật đều chầu vào đền. Cách đền Lại Trì vài trăm bước chân là chùa Am thờ thân mẫu Quốc sư. Dải đất đặt chùa Am thờ thân mẫu Quốc sư có hình vỏ trấu trông giống như một con thuyền, dân gian truyền ngôn đây là vật dụng đánh bắt cá, tôm của cha mẹ Quốc sư thuở hàn vi. Có nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là “di ảnh của nghề nông” cái nghề trồng lúa nước truyền thống bao đời của dân làng. Thời nhà Lý (1009 - 1225) đạo Phật được coi là quốc giáo. 

Theo sử cũ ghi thiền sư Dương Không Lộ là người hiểu về đạo Phật sâu sắc, là giáo chủ của cả vùng, ngoài việc truyền bá đạo Phật, Thiền sư còn có công lớn trong việc mở mang các công trình trị thuỷ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp người dân thoát cảnh đói cơm. Ông còn là người am hiểu về y thuật có công chữa khỏi bệnh hiểm cho vua Lý Thánh Tông và được nhà vua phong làm Quốc sư. Được ban quốc tính với danh xưng “Lý Quốc sư” đó chính là danh vị cao nhất mà vua Lý trao tặng cho thiền sư Dượng Không Lộ với hàm nghĩa là vị cao tăng có quyền thần đặc biệt trong triều Lý. Sau đó thiền sư Dương Không Lộ lại được vua Tống (Trung Quốc) thỉnh mời sang chữa bệnh cho thái tử nước này. Thái tử nhà Tống thoát khỏi bệnh trọng, vua Tống hết sức vui mừng xin được biếu vàng, bạc, châu báu nhưng thiền sư Dương Không Lộ khéo léo chối từ, ngài chỉ xin ít đồng về đúc chuông, tạc tượng. Đền Lại Trì được dựng trên đất ở của bà Nguyễn Thị, mẹ của Không Lộ bao năm tần tảo ven sông chài lưới, bà đã hóa về trời. Còn Chùa Keo là nơi Thiền sư Dương Không Lộ trụ trì. Kiến trúc chùa Keo theo lối “tiền Thánh, hậu Phật” do vậy câu đối ở khu thờ thiền sư Không Lộ trong chùa Keo ghi rằng:

Pháp thủ tế quần phương, Lý đại đặc sinh chi thánh
Linh đan phù cửu đỉnh, Nam bang bất tử chi thần.

Tạm dịch:

Làm phép cứu chúng phương, đời Lý đặc ân sinh là thánh
Thuốc thiêng chữa cửu đỉnh, bang Nam bất tử là thần.

Giải nghĩa từ “cửu đỉnh” hiểu theo chiết tự là chín (9) chiếc đỉnh ý chỉ hình tượng của vương quyền (nghĩa là vua), như vậy nghĩa của câu đối nhắc đến công lao thiền sư Dương Không Lộ chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông và đem thần y của mình cứu giúp nhân dân khắp nước. Thiền sư không những được vua Lý phong làm Quốc sư mà dân gian quan niệm Thiền sư là người bất tử của nước Nam ta. 

Theo các nguồn khảo luận con đường tu hành đắc đạo của Thiền sư Dương Không Lộ đầy gian nan trắc trở, nhưng thiền sư đã thoát tục ăn mặc thế nào xong thôi. Ngài không vướng mắc vật chất thường tình chỉ tập trung cho việc thiền định. Trải bao năm tu hành, ăn cây mặc cỏ quên cả thân mình, Thiền sư Dương Không Lộ không chỉ có pháp thuật siêu phàm mà Thiền sư còn lòng từ bi, đức độ vô cương. Giới pháp tu hành còn lưu truyền bài kệ (sấm ký) của Thiền sư Dương Không Lộ nguyên bản chữ Hán: “Trạch đắc long xà địa khả cư/Dã tình chung nhật lạc vô dư/Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh/Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”. Mãi sau này nhà văn Ngô Tất Tố mới dịch bài kệ này, nội dung như sau: “Lựa nơi rồng rắn đất ưu người/Cả buổi tình quê những mảnh vui/Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm/Một hơi sáo miệng, lạnh bầu trời”. Cũng có thể nơi mà “rồng rắn đất ưu người” ấy lại chính là Lại Trì, mảnh đất vốn từng được cho là có thế đất “Liên hoa nhất điểm kỳ hựu tối kỳ”. 

Ở chùa Keo vẫn còn những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà dân gian truyền ngôn những vật tế khi đó do Thiền sư nhặt được thuở còn theo mẹ đánh cá ở sông Bến (Lại Trì, Vũ Tây) và thiền sư đã luôn giữ bên người những năm tháng tu hành.

Lại Trì, đất thiêng, nơi mà “Liên hoa nhất điểm kỳ hậu tối kỳ” đã trải ngàn năm nhưng dấu tích một thời gian khó của Thiền sư Dương Không Lộ ở Lại Trì (Vũ Tây, Kiến Xương) và Thần Quang tự (chùa Keo, Vũ Thư) vẫn mãi còn hiện hữu. Lịch sử Phật giáo cũng ghi nhận Thiền sư Dương Không Lộ đã hóa về trời ngót ngàn năm nhưng đức độ của ngài để lại cho hậu thế vẫn tỏa ngát hương thơm như đóa “Liên hoa”. Đó cũng chính là tấm lòng bao dung vị tha của bậc giác ngộ để chuyển hoá tâm thức chúng sinh.


Ông Vũ Trọng Thể, thủ nhang đền Nam, thôn Tiền Phong, xã Vũ Tây (Kiến Xương)

Tôi được biết một trong những thiền sư có công phò Lý Công Uẩn lên ngôi vua chính là Thiền sư Dương Không Lộ. Dân gian truyền tụng rằng một thời Dương Không Lộ theo mẹ làm nghề chài lưới ở sông Bến, sau đó ông đã bỏ nghề chài lưới đi theo đạo Phật. Cuộc đời Thiền sư là một bí mật còn truyền lại muôn đời sau, nhân dân Lại Trì chúng tôi quanh năm hương khói phụng thờ ngài cùng thân mẫu của ngài.
 
Ông Vũ Tuấn Mộc, ban quản lý đền Nam, thôn Tiền Phong, xã Vũ Tây (Kiến Xương)

Làng Lại Trì có đình Lại Trì, di tích lịch sử cấp quốc gia, tương truyền đình làng Lại Trì thờ Nam Hải đại vương Thục An Dương Vương cùng Quốc sư Dương Không Lộ và thân mẫu của người làm thành hoàng. Hàng năm, làng mở hội đình làng vào trung tuần tháng 9 âm lịch. Hội đình Lại Trì có tục rước Thánh từ đình đến đền Nam (đền Lại Trì) để ngài gặp thân mẫu.

Bà Vũ Thị Don, thôn Tiền Phong, xã Vũ Tây (Kiến Xương)

Trước cửa đền Lại Trì có một cái giếng rất sâu, thành giếng xếp bằng đá ong, nay tôn tạo bằng cối đá, nước giếng rất trong. Ngày xưa dân làng thường lấy nước về ăn. Theo các cụ cao tuổi kể lại trước đây có tới chín giếng nước như thế, dân gian thường gọi “cửu tỉnh”, nay chỉ còn một giếng.


Quang Viện