Thứ 2, 13/05/2024, 05:09[GMT+7]

Sá cày nâng nghiệp đế

Thứ 7, 29/12/2018 | 10:17:59
2,887 lượt xem
Vũ Uy (mất năm 1424) còn gọi là Lê Uy - 1 trong 18 khai quốc công thần triều hậu Lê quê làng Hương Trù, ấp Tô Xuyên, huyện Đa Dực nay là thôn Tô Đàm, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ. Vũ Uy là người được Lê Lợi tin cẩn giao cho việc cày ruộng ở động Chiêu Nghi, xá cày định mệnh của Vũ Uy thuở ấy đã tạo duyên nghiệp để Lam Sơn hội chủ vươn tới bậc đế vương.

Khu tưởng niệm Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái và Hưng Nghĩa hầu Vũ Uy, khai quốc công thần triều Lê ở thôn Tô Đàm, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ.

Theo sử cũ, Vũ Uy là cháu bốn đời của Phò mã nhà Trần Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái. Ông sinh tại làng Hương Trù, ấp Tô Xuyên, huyện Đa Dực. Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái được vua Trần phong thực ấp ở Tô Xuyên (xã An Mỹ nay). Để khai khẩn đất đai canh tác làm ra lúa gạo phục vụ quân lương cung ứng cho quân đội nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông, ông liền tập hợp con cháu trong dòng họ cùng với dân nghèo ở các vùng Hải Đông, Thanh Hóa, Thiên Trường... về lưu vực sông Hóa (huyện Đa Dực) thau chua, rửa mặn, dẫn thủy nhập điền lập thành điền trang Tô Xuyên. Năm 1339, khi Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, Hưng Mỹ hầu Phò mã Vũ Trung Khái đã nhanh chóng đưa 12 tông thất nhà Trần chạy về trang Tô Xuyên mai danh ẩn tích tránh sự truy sát của Hồ Quý Ly, đồng thời lâu dài mưu đồ khôi phục cơ nghiệp nhà Trần. Người cháu bốn đời của Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái là Vũ Uy (tên khác là Vũ Quang Toản) cũng làm quan đại thần triều Trần và được vua Trần phong tước Hưng Nghĩa hầu. Thời điểm năm 1399, nhà Hồ đã nắm toàn bộ quyền bính trong tay, thao túng triều chính và ra tay hạ sát những quần thần trung quân với triều Trần, Vũ Uy phải chạy về điền trang thái ấp của Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái ở ấp Tô Xuyên. “Chí trai trả thù mười năm chưa vội” dựa vào điền trang của Hưng Mỹ hầu, ông mộ quân chống lại họ Hồ. Mưu sự không thành, Vũ Uy liền chuyển quân lính thành dân, tiếp tục khai khẩn mở rộng điền trang thái ấp Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái ở Tô Xuyên rồi chia điền trang thành tám trang nhỏ là: Tô Đê, Tô Đàm, Tô Xuyên, Tô Hồ, Tô Hải, Tô Trang, Tô Đông, Tô Thượng… đồng thời khuyến khích người dân chăm lo công việc trồng cấy, ông cũng là người trực tiếp dạy cho dân thuần phong mỹ tục khiến Tô Xuyên trở thành một vùng quê phong cảnh hữu tình, trù phú. Gia phả hai họ Vũ và Trần ở làng Tô Đàm, xã An Mỹ có ghi: “Cháu nội đại tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Nguyên Hãn từ Lập Thạch rất ngưỡng mộ tinh thần trung dũng của các hoàng tôn nhà Trần, trên đường vào Lam Sơn đã giả làm người bán dầu trẩu về tận điền trang Tô Xuyên hội bàn với Hưng Nghĩa hầu Vũ Uy và Trần Cẩn. Trai nuôi chí trung hưng hoàng tộc, quyết tâm cùng con dân kháng chiến, mãi đến khi Lê Thái Tổ khởi binh mới biết lòng trời thương người có đức, khó đem quân tàn chống lại mệnh trời bèn cởi giáp, giải tán binh chúng” quyết một lòng phò Lam Sơn hội chủ đánh giặc Minh. Theo dã sử, chuyện lên ngôi Hoàng đế của Lê Lợi (Lê Thái Tổ) có liên quan đến sự tích cày ruộng của “người nhà” Thái Tổ là Vũ Uy, Trương Lôi, Trịnh Vô khi những người này được giao công việc cày ruộng ở động Chiêu Nghi. Tương truyền, khi Vũ Uy, Trương Lôi, Trịnh Vô đang cày ruộng thì chợt thấy một vị sư già mặc áo trắng đi từ cầu thôn Đức Trà ra động Chiêu Nghi, vừa tới thửa ruộng Vũ Uy đang cày thì vị sư già cất lời than rằng: “Đây là ngôi đất quý, tiếc thay không có ai để giao phó!”. Vũ Uy nghe lời than lấy làm lạ bèn chạy về tâu với Lam Sơn hội chủ. Lê Lợi liền chạy theo nhà sư đến sách Quần Đội huyện Lôi Dương thấy có một thanh thẻ tre đề rằng: Thiên đức thụ mệnh/Tuế trung tứ thập/Số chỉ dĩ định/Tích tai vị cập. Tạm dịch: Đức trời chịu mệnh, tuổi đến bốn mươi, số đã định rồi, tiếc thay chưa kịp. Lê Lợi chạy theo tiếp và gặp được vị sư già. Sư già chỉ cho Lam Sơn hội chủ biết huyệt vị của thửa ruộng và dặn đem di hài thân phụ an táng vào đó sẽ phát nghiệp đế vương. Sau này sách "Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn cũng chỉ ghi chép mờ ảo: “Khi vua (Lê Lợi) làm phụ đạo ở Khả Lam, được hồn sư ông mặc áo trắng hiển hiện chỉ cho ngôi huyệt phát đế vương ở động Chiêu Nghi”. Truyền ngôn rằng ở xứ Phật Hoàng động Chiêu Nghi có một thửa ruộng chừng nửa sào hình chiếc ấn vuông tọa Khôn hướng Càn. Phía bên tả có Thái Ất là núi Chí Linh bên trong có những gò đồi tựa bầy tiên lấy núi Chiếu Sơn làm án. Phía trước có Long Sơn, trong có Long hổ, thế đất ngoài quanh co như ruột ốc, phía trước có nước hồ bao quanh, phía ngoài có dãy núi trông như chuỗi ngọc… Sử cũ ghi năm Mậu Tuất (1418) ngay sau khi dấy cờ khởi nghĩa, mặc dù tướng ít quân thưa nhưng Lê Lợi đã giành thắng lợi lớn gây thiệt hại cho quân nhà Minh khiến lũ giặc vô cùng tức tối. Các cuộc hành binh tàn phá xóm làng, giết hại dân lành nhằm trấn áp tinh thần nghĩa quân Lam Sơn của giặc Ngô (nhân dân căm thù quân xâm lược nhà Minh nên gọi là giặc Ngô) liên tục được chúng thực hiện, bủa vây tứ phía nhưng chúng vẫn không bắt được Lê Lợi. Giặc Ngô bèn dùng cách đê hèn là bắt vợ con, gia thân quyến thuộc của binh sĩ Lam Sơn hòng làm lung lay tinh thần và ý chí chiến đấu của đội quân Lam Sơn. Chúng sai quân đến xứ Phật Hoàng vào động Chiêu Nghi tìm đào lấy hài cốt của Hoàng khảo Lê Khoáng (thân phụ của Lê Lợi) mang về treo sau một chiếc thuyền đậu giữa dòng sông để dụ Lê Lợi ra hàng. Chúng thề hẹn Lê Lợi rằng nếu Lê Lợi đến quy hàng thì chúng sẽ trọng thưởng và phong vương. Lê Lợi không chịu khuất phục liền sai thuộc cấp của mình trong đó có Vũ Uy ngâm mình dưới nước ẩn bóng đàn cò bơi đến chiếc thuyền của giặc có treo di cốt Hoàng khảo và lấy lại di cốt mang về bí mật an táng ở động Chiêu Nghi.


Theo các nguồn khảo luận do “được đất” nên nhà hậu Lê kể từ Lê Lợi lên ngôi vua năm Mậu Thân (1428) đến khi Lê Cung Hoàng bị Mạc Đăng Dung giết chết để cướp ngôi năm Đinh Hợi (1527), nhà Lê cầm quyền trị nước được 99 năm. Nhưng chỉ vài năm sau khi Lê Cung Hoàng bị giết, nhà Lê rơi vào tình trạng mất quyền lực nhưng lạ thay các trung thần đã tìm con cháu họ Lê lưu lạc đưa lên làm vua, sử gọi giai đoạn sau này là thời Lê Trung hưng. Thời này kéo dài từ năm Quý Tỵ (1533) đến đầu năm Kỷ Dậu (1789) khi nhà Tây Sơn đem quân ra Bắc, vua Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh, cơ đồ nhà Lê chấm dứt, tồn tại 255 năm. Chính mảnh ruộng ở động Chiêu Nghi nơi mà Vũ Uy đặt xá cày lại là nơi an táng Hoàng khảo hun đúc nên bậc đế vương Lê Thái Tổ, người khởi đầu đế nghiệp của nhà Lê.

Ông Vũ Khắc Nhu, hậu duệ Hưng Nghĩa hầu Vũ Uy, trưởng tộc Vũ, thôn Tô Đàm, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ

Từ đường họ Vũ ở thôn Tô Đàm, xã An Mỹ nay chính là trung tâm điền trang Tô Xuyên của Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái và sau này cháu nội của ông là Hưng Nghĩa hầu Vũ Uy cai quản. Ngoài ra còn hai nơi là làng Quảng Nạp và làng Lễ Củ, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy. Họ tộc Vũ chúng tôi ở Tô Đàm luôn nhớ câu ca:

Tiền cư Noi Cáo, hậu đáo Tô Xuyên
Ốc tại Thụy Trình, ký cư Quảng Nạp


Nghĩa là:

Trước ở Noi Cáo, sau đến Tô Xuyên
Nhà ở Thụy Trình, tạm nhờ Quảng Nạp


(Noi Cáo xưa là Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội là xuất phát điểm dòng tộc họ Vũ của Hưng Mỹ hầu ở làng Tô Đàm).
 
Cựu chiến binh Vũ Khắc Bừng, thôn Tô Đàm, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ

Theo gia phả tộc Vũ làng Tô Đàm, địa thế của làng nổi lên bốn gò đống dân gian quen gọi là gò Ất Vũ, Đình Đậu, Ngõ Mô 1, Ngõ Mô 2. Hơn nữa, làng Tô Đàm còn có thế “Tiền tam thai, hậu tuấn mã”. Đây được coi như bốn huyệt vị quan trọng tạo thành “địa linh, nhân kiệt”. Hưng Mỹ hầu Phò mã nhà Trần là Vũ Trung Khái; Hưng Nghĩa hầu Trần triều Vũ Uy, sau này là khai quốc công thần triều Lê đều sinh ra ở đây.

 Dịch giả Hán Nôm Vũ Xuân Thưởng, tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

 Nghiên cứu bi ký đề danh tiên hiền phụ dực tại đình làng Đông Linh, xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ tôi thấy có câu đối nói về thân thế và gia tộc khai quốc công thần Vũ Uy:

“Bình Ngô tích tước Lam Sơn hiệu
Báo thủ danh tiêu tiến sĩ đường”


Tạm dịch:

“Đánh giặc Ngô chức tước còn để lại Lam Sơn
Đời sau cụ là hậu duệ (Vũ Khắc Chính) đỗ tiến sĩ”


Quang Viện

  • Từ khóa