Thứ 6, 22/11/2024, 05:53[GMT+7]

Thạch bia linh ứng

Thứ 2, 28/01/2019 | 09:20:00
4,970 lượt xem
Văn từ huyện Phụ Dực được xây dựng lại tại đình Đông Linh, xã An Bài (nay là tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ) còn lưu giữ 4 tấm bia đá cổ, trong đó có tấm bia “Tiên hiền duệ hiệu bi ký” đề danh 27 đại khoa bảng của huyện Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ). Đáng lưu ý có những đại khoa lưu danh tại đây mà không có tên trong đăng khoa lục của các triều đại phong kiến…

Bia đá Văn từ huyện Phụ Dực đề danh.

Lưu lạc vốn là một phạm trù xã hội những tưởng chỉ xảy ra với số phận đời người, thế nhưng tấm bia đá lưu danh các bậc danh nho toàn huyện Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ) lại mang số phận giống như thân phận đời người. Các bậc cao niên làng Đông Địa Linh (nay là tổ 1, thị trấn An Bài) còn nhớ vào năm 1973 vì lý do phục vụ công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” một số người có chức sắc trong làng đã phá bỏ văn từ hàng huyện đặt tại làng để lấy gỗ, lấy gạch đem xây công trình phúc lợi. Tấm bia đá “Tiên hiền duệ hiệu bi ký” có “tuổi thọ” mấy trăm năm cùng chung số phận nghiệt ngã đó. Bia được mang bán cho một làng ở huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng)…
Huyện Phụ Dực là tên gọi thời nhà Nguyễn. Trước đó, huyện có tên gọi là Đa Dực thời nhà Trần và đến thời nhà Lê đổi thành Phụ Phượng. 

Sự trở về của tấm bia “Tiên hiền duệ hiệu bi ký” toàn huyện Phụ Dực được các bậc cao niên ở Đông Địa Linh kể lại giống như một giấc chiêm bao. Bia được bán cho một làng thuộc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với mục đích của người mua là sẽ tẩy hết chữ nho và hoa văn cổ để lấy bia đá trơn khắc tên mới của làng. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà cứ mỗi lần mời thợ đá đục đẽo, khoét gọt hoa văn thì người thợ đục đá ấy lại ngã bệnh. Rút cục, bia đá cũng mới chỉ đục hết hoa văn vành ngoài của tấm bia. 

Theo các cụ ở Vĩnh Bảo kể lại thì tất thảy những người đục bia đều đã trút bỏ mọi ưu phiền ở cõi hồng trần mà về cùng tiên tổ. Thấy lạ, các cụ cao niên của làng này liền đem bia giấu xuống lòng ao. Đến năm 1997, làng này nạo vét ao hồ để xây dựng làng văn hóa, tấm bia được phát hiện và đưa lên bờ. Do ngâm dưới nước nên tấm bia vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu, nghĩa là hai mặt chữ khắc vẫn còn khá nguyên vẹn. Bia được coi là “thạch linh” và bảo quản cẩn thận. Tình cờ một cụ cao niên ở làng Đông Địa Linh cũng vì luyến tiếc dấu ấn của làng mặc dù thời điểm đó cụ đã ngót 80 niên vẫn lụi cụi đạp xe đi khắp các làng quê dò tìm tấm bia đá. May thay, một cụ già ở Vĩnh Bảo biết chữ nho đã đọc được nội dung của tấm bia mách cho cụ già làng Đông Địa Linh biết nơi “nghỉ ngơi” của “cụ bia” đá cổ. Cụ già mừng quá về báo tin cho con cháu làng Đông Địa Linh biết và tìm cách chuộc lại. Nhưng khó khăn lại ập đến khi các cụ cao niên làng Đông Địa Linh cùng con cháu đến nơi “nghỉ ngơi” của “cụ bia” và ngỏ lời với các cụ trong làng bên Vĩnh Bảo muốn chuộc lại “cụ bia” thì gặp phản ứng mãnh liệt của các cụ già ở làng này. Các cụ làng này phẩy tay, dè bỉu rằng “Dân làng các cụ kém hiểu biết, lại “phịa” người. Tấm bia đá đề danh các vị danh nho nổi tiếng toàn huyện Phụ Dực quý giá là vậy mà đem bán đi. May mà bia chưa bị đập ra nung vôi xây nhà hay lát đường giao thông. Chúng tôi đã cực nhọc gìn giữ tấm bia hơn hai chục năm qua, giờ các cụ chuộc về chắc gì đã giữ được. Chi bằng, các cụ gom góp tiền bạc mang sang đây cùng chúng tôi xây dựng một nhà bia để lưu truyền về sự linh ứng của tấm bia ngay quê hương chúng tôi”. Sau rất nhiều lần đi lại, thuyết phục cuối cùng các cụ ở Vĩnh Bảo cũng đồng ý để các cụ làng Đông Địa Linh “rước” bia đá “Tiên hiền” về làng. Lễ đón “cụ bia” được con cháu trong làng tổ chức long trọng như đón đại lão của làng đi xa lâu ngày. Bia được đón rước về đặt ngay ngắn trong văn từ xây mới, tuy không được như xưa nhưng cũng đã có chỗ ngăn mưa, đội nắng cho các “cụ bia”. Bây giờ, con cháu mới có dịp đọc lại những lời nhắn nhủ của tiền nhân: “Sở dĩ sơn xuyên anh dực hà hải tú chung, hào kiệt gian sinh văn chương đa xuất thôi. Tiên hiền tài do phong thổ đạo tề Thánh chân tú khẩu cẩm tâm, thiên nam phả tý, khôi khoa giáp đệ hoàng bản liên doanh kỳ di phong dư vận do tại dã, hồ tề trình viện tuấn chi, nguyên do mã phú hàn thi, tái văn chương chi thắng mặc…”. Tạm dịch là: “Sở dĩ có hồn thiêng núi sông vời vợi như vậy mới nảy sinh văn nhân hào kiệt. Các đấng Tiên hiền tài ba lỗi lạc là nhờ phong thổ, thấm nhuần đạo thánh chân, miệng như tơ lụa, tâm hồn như gấm thêu. Các bậc võ công, tam khôi khoa giáp kế nối nhau bảng vàng ghi danh. Đó cũng là vận may vận đẹp của non sông...”. Cuối bài văn bia, các bậc tiền nhân còn không quên dặn con cháu: “Bên tả của bia trừ ra một khoảng trống dành để ghi thêm họ tên các bậc hậu hiền. Đây là tấm bia làm rạng rỡ cho người trước và làm vẻ vang cho cả người sau…”.

Bia “Tiên hiền duệ hiệu bi ký” huyện Phụ Dực được làm từ đá xanh loại trung bình cao 1,6m, rộng 0,9m, trán bia cong hình bán nguyệt không chạm khắc. Toàn bia không có hoa văn trang trí. Bia dựng vào năm Long Đức thứ 3 (1734) triều vua Lê Thuần Tông niên đại chỉ ghi: “Hoàng Lê Long Đức vạn vạn niên chi tam mạnh thu cốc nhật”. Những người có công dựng và khắc bia được ghi là: Ngụy Năng Xưởng (soạn văn); Bùi Giai (chép) và Trần Viết Xuân (khắc). Văn bia khắc tên 27 nhà khoa bảng từ khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên (1400) đời Hồ Quý Ly đến khoa thi Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) đời Lê Hiển Tông.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bia đá “Tiên hiền duệ hiệu bi ký” đình Đông Linh là một văn tự Hán Nôm tiêu biểu có giá trị còn lưu lại được ở tỉnh ta. Do quá trình vận chuyển và lưu giữ khá tốt nên phần lớn chữ khắc trên tấm bia này còn khá nguyên vẹn, đọc tốt. Đây là sự ngợi ca truyền thống “Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao” trong truyền thống của làng khoa bảng. Văn bia cũng khẳng định công tích của các bậc danh nho trong huyện là lý do khắc bia để “Muôn đời còn thấy, mãi mãi không quên”. Việc tấm bia được tìm lại gợi mở cho cháu con hướng tìm đến những cứ liệu đáng tin cậy để có sự khẳng định khách quan, khoa học về một vùng quê hiếu học đồng thời cũng là tư liệu quý góp vào vốn di sản văn hóa phi vật thể tỉnh nhà.

Ông Vũ Khắc Nhu, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật, Trường THPT Phụ Dực

Nghiên cứu bia “Tiên hiền duệ hiệu bi ký” tại khu di tích đình Đông Linh, xã An Bài, nay là tổ 1, thị trấn An Bài dựng năm 1734 do tri phủ, Tam trường Ngụy Năng Xưởng trúc quân cố phu soạn, giai thừa Trần Viết Xuân khắc, chúng tôi mới nhận ra công tích các bậc tiên hiền trong dòng họ Vũ chúng tôi. Ngoài ra còn được biết toàn huyện Phụ Dực có 27 vị đại khoa, 82 sinh đồ, trong đó tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Phượng, thuộc Trấn Sơn Nam Hạ xưa, nay là xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ có 8 vị đại khoa, trong đó có 1 trạng nguyên. Có 30 sinh đồ được ghi danh, trong đó họ Vũ chúng tôi có 12 người, còn lại thuộc các họ khác như họ Phạm, họ Đào, họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Trần và họ Lương. Khoa thi Thánh Nguyên nhị niên (1401), cụ Nguyễn Hữu Pháp người làng Tô Đàm (xã An Mỹ) đậu cập đệ tiến sĩ, được phong là Điều quan phụng sự bắc quốc (Trạng Điều) kèm theo là câu chuyện ngụ ngôn Sọi léo Rô ăn được đề danh ở đây nhưng không có tên trong đăng khoa lục…

Dịch giả Hán Nôm Vũ Xuân Thưởng, tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Ngoài giá trị về mặt Hán Nôm, bia đá “Tiên hiền duệ hiệu bi ký” toàn huyện Phụ Dực giờ đây còn là câu chuyện về sự linh ứng. Nhân dân làng Đông Địa Linh cũ, nay là tổ 1, thị trấn An Bài vẫn truyền tụng rằng “Đức tối linh của các vị tiên hiền có tên tuổi được khắc trên bia đá đã giúp cho những người có lòng thành tìm đến”. Sự tiên đoán của một cụ già biết chữ Hán Nôm khi đi ngang qua chỗ đục bia ở Vĩnh Bảo đã đọc bia và khuyên mọi người là nên giữ lại tấm bia quý giá này biết đâu vận thế đổi thay khoảng đôi chục năm nữa nhân dân làng Nghìn (tên Nôm của là Đông Địa Linh) lại tìm đến để chuộc lại. Và sự linh ứng đó đã xảy ra…


Quang Viện