Thứ 2, 13/05/2024, 00:17[GMT+7]

Thông điệp gửi hậu thế

Thứ 7, 02/02/2019 | 09:21:04
3,142 lượt xem
Sau Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, đất nước ta lại đứng trước tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” khi thực dân Pháp bội ước quay trở lại xâm lược nước ta. Cả nước sục sôi tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Bức đại tự cổ "Quân tử cư chi".

Gần một tháng sau lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, ngày 16/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhiều làng mạc, đình chùa, miếu mạo và cả từ đường cổ cũng được tháo dỡ phục vụ kháng chiến và trong dòng chảy chiến tranh một bức đại tự cổ đã trôi dạt về đất Thái Bình…"

Cách đây vừa tròn 20 năm, vào dịp cuối năm Mậu Dần (1998), trời chuyển lạnh, gió mùa đông bắc rít từng cơn giá buốt, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từ Thủ đô về Thái Bình, “cụ” gọi điện “rủ” tôi đi uống “bia ong” rồi cao hứng “xuống” xã Vũ Thắng (Kiến Xương) ăn gỏi cá mè. Lúc về, tiện đường “cụ” ghé vào Vũ Quý thăm người học trò cũ và cũng là đồng nghiệp nghiên cứu Hán Nôm với mình. Biết tiếng Giáo sư Trần Quốc Vượng đã lâu, một người dân gần nhà “học trò” của “cụ” đến chào và ngỏ lời muốn Giáo sư sang chơi nhà rồi đọc hộ bức đại tự vứt ở góc nhà đã lâu xem “nó” là chữ gì. Giáo sư hăm hở bước sang nhà, “cụ” nhìn ngắm bức đại tự lấm lem, sơn tróc loang lổ chỏng chơ nơi xó nhà, miệng lẩm bẩm xót xa, “cụ” lấy tay lau qua mặt bức đại tự, bốn chữ sơn son thếp vàng hiện ra. “Cụ” lau tiếp dòng lạc khoản và lắc lắc đầu nhè nhẹ nói với chủ nhà: Bức đại tự này treo nhà ông không “phải nhẽ” đâu! Bác chủ nhà “mắt chữ o, miệng chữ ơ” lắp bắp xin “cụ” chỉ giáo nhưng “cụ” lắc đầu. Chủ nhà liền tạm khai xuất xứ của bức đại tự, đại ý là bức đại tự không phải của dòng tộc nhà mình mà là thân phụ ông mua ở bến sông Trà Lý tận thị xã Thái Bình ngày còn “giặc tây” chiếm đóng về làm cái “xích đông” đựng chăn màn.

Trở về Hà Nội, Giáo sư Trần Quốc Vượng gọi điện cảm ơn tôi đã gửi biếu bánh cáy Nguyên Xá làm quà. “Cụ” bảo bánh cáy Nguyên Xá rất ngon, hương vị đậm đà, ăn bánh cáy, uống nước chè xanh thật tuyệt. Té nước theo mưa, tôi hỏi cụ về bức đại tự vứt xó nhà của người dân xã Vũ Quý (Kiến Xương), cụ nói với tôi rằng, đó là bức đại tự “Quân tử cư chi”, nghĩa là “Ở đây có người quân tử”, mà đã là nơi ở của người quân tử thì nhà dân bình thường treo là không hợp. Còn dòng lạc khoản đã bị sứt mẻ nhiều nhưng vẫn còn nét, đọc được vài chữ, đại ý là: “...tân cư chi hỷ...”, nghĩa là “...chúc mừng nơi ở mới”... Theo “cụ”, căn cứ vào họa tiết hoa văn trang trí, nước sơn mài và kỹ thuật thếp vàng lên chữ cùng luận dòng lạc khoản... thì bức đại tự có niên đại khoảng trước năm 1720 và có thể là quà tặng của lớp “học trò” quyền chức thời “xa xửa, xa xưa” với người thầy tôn kính của họ. Như lời cố Giáo sư, bức đại tự này thuộc về gia tộc Thám hoa Nguyễn Quý Đức, quê ở làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm (Thăng Long), nay là thôn Đại Mỗ, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720), đỗ Đình Nguyên năm 29 tuổi và đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị (1676), đời vua Lê Hy Tông. Thám hoa Nguyễn Quý Đức là cha của quan Đề hình tả tư giảng triều Lê trung hưng Nguyễn Quý Ân và ông nội của Thượng thư Bộ binh Nguyễn Quý Kính quan đồng triều. Thám hoa Nguyễn Quý Đức từng được vua Lê Hy Tông cử đi sứ nhà Thanh, về nước ông được phong Lại bộ Tả thị lang, Nhập thị bồi tụng, tước Liêm Đường bá, sau lại được thăng Đô Ngự sử rồi lại được thăng Thiếu phó tước Liêm quận công, Thái phó, Tá Lý công thần, Quốc Lão và giảng dạy ở Quốc tử giám cho nhiều thế hệ học trò đỗ đạt làm quan đại thần triều đình... Ông là người ngay thẳng, phân xử công minh, được người đời nể trọng. Ông từng đảm nhiệm công việc sửa sang, trang trí nhà Thái học và dựng bia tiến sĩ ở Quốc tử giám... Ông mất năm 1720, thọ 72 tuổi. Bức đại tự được làm bằng gỗ vàng tâm, theo lời cố Giáo sư Trần Quốc Vượng chắc hẳn là của một lớp học trò Quốc tử giám thời đó làm tặng thầy Nguyễn Quý Đức nhân khi sửa sang xong nhà Thái học... Câu chuyện về bức đại tự giữa tôi và cố Giáo sư Trần Quốc Vượng phôi pha vào quên lãng khi Giáo sư “đi xa” và phải 20 năm sau, trong chuyến điền dã cơ duyên tôi lại về Vũ Quý tìm hiểu văn hóa làng Động Trung và ở đây lại được một người dân nhắc lại kỷ niệm xưa khiến tôi chợt nhớ về lời dặn của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng: “Khi nào rảnh em về nhà ông Đông bằng cách nào đấy “lấy” được bức đại tự đem về nhà cất đi, có lúc cần nghiên cứu đấy”. Giờ “mục sở thị” bức đại tự “Ở đây có người quân tử” mới được “tút” lại bóng bẩy hơn làm tôi chạnh lòng tiếc nuối... Theo các nguồn khảo luận, chữ Hán (dân gian quen gọi là chữ Nho) vào nước ta theo con đường giao lưu văn hóa với phương Bắc bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Trong quá trình hình thành và phát triển, chữ viết nước ta chịu nhiều ảnh hưởng từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hiện nay, ở nước ta còn lưu giữ được một số hiện vật như đỉnh cổ có khắc chữ tượng hình (chữ Hán phồn thể), điều này càng khẳng định chữ Hán xuất hiện ở nước ta khá sớm và thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong người Việt kể từ những thế kỷ đầu công nguyên. Cho đến bây giờ, từ các nguồn thư tịch cổ, các thiết chế văn hóa cổ còn lưu trữ tư liệu Hán Nôm nên chữ Hán (Nho) cũng đã được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm cho rằng trên thế giới còn rất ít người đọc và viết thành thạo loại chữ này trong khi thực tế ở các cơ sở lưu giữ thư tịch cổ có khoảng trên 90% thư tịch chữ Hán Nôm chưa từng được dịch sang chữ quốc ngữ. Điều đáng quan ngại là một bộ phận không nhỏ tư liệu chữ Hán Nôm còn lưu lạc trong dân gian dưới nhiều dạng sách cổ, hoành phi, câu đối, bia, chuông... giống như bức đại tự “Ở đây có người quân tử” kia...

Ngược dòng lịch sử, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XI, chữ Hán được sử dụng khá rộng rãi ở nước ta. Chữ Hán được coi là ký tự như một phương tiện văn bản sử dụng trong giao tiếp và giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do nước ta từng bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc nên trong khoảng thời gian gần một ngàn năm hầu hết các bài văn khắc trên bia đá hoặc câu đối, đại tự... đều bằng chữ Hán. Thực tế, từ sau thế kỷ thứ X, nước ta giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc nhưng do ảnh hưởng quá sâu nên chữ Hán vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng trong giao lưu văn hóa và kinh tế của đất nước.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tỉnh ta có một số lượng khá lớn di sản Hán Nôm chưa được xác định, trong số hơn 2.000 di tích các loại, tư liệu Hán Nôm đã thống kê được chỉ mới ở hơn 550 di tích. Bản sắc văn hóa dân tộc lưu truyền hậu thế qua văn tự khắc trên bia đá, chuông đồng, đại tự, hoành phi… ở làng quê được coi là tài sản tinh thần quý giá. Loại hình văn tự này một thời bị phá bỏ, tiêu hủy, mất mát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài những thư tịch Hán Nôm sưu tập được thì những người biết Hán Nôm cứ dần thưa vắng. Họ ra đi âm thầm, đem theo cả thư viện Hán Nôm bằng xương, bằng thịt về thế giới bên kia. Cũng vì thế mà những thư tịch Hán Nôm trong các làng xã cứ vơi dần đi, một phần do mục nát, một phần người dân cất giữ làm bảo vật cho riêng mình mà không biết đó là tư liệu gì.

Ông Nguyễn Văn Đông, người sở hữu bức đại tự cổ “Quân tử cư chi”, thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương

Bố tôi làm nghề thầy lang, khoảng năm 1947 một lần theo bố tôi lên thị xã Thái Bình mua dược liệu ở bến sông Trà Lý đoạn gần chợ Bo, thấy có mảnh gỗ vàng tâm kê đồ bố tôi mua về làm xích đông rồi dùng ngăn chuồng nuôi lợn. Sau này tôi dùng làm cốp pha xây nhà, có ai biết đọc chữ Nho đâu mà thấy nó quý như thế nào…

Dịch giả Hán Nôm Vũ Minh Thân, 87 tuổi, tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Chữ Hán là loại chữ tượng hình, biết hình mà không biết hết nghĩa, do vậy số lượng di sản văn hóa Hán Nôm không riêng ở tỉnh ta trôi dạt khắp nơi và dần mai một. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho hậu thế.


Quang Viện 

  • Từ khóa