Thứ 6, 22/11/2024, 05:24[GMT+7]

40 năm trước ở hướng Đồng Đăng

Chủ nhật, 17/02/2019 | 10:18:39
5,513 lượt xem
Đại tá Đồng Sỹ Tài là người có mặt ở chiến trường khu 5 sớm và là lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên khi thành lập Sư đoàn 3 ngày 2/9/1965. Sau 11 năm chiến đấu ở chiến trường khu 5, tháng 7/1976, Sư đoàn 3 Sao Vàng ra biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ chiến đấu chống quân xâm lược.

Ảnh minh họa.

Đại tá Đồng Sỹ Tài nhớ lại: Tháng 8/1978, đơn vị nhận lệnh hành quân lên khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, Thượng tá Nguyễn Duy Thường, Sư đoàn trưởng trực tiếp lên phía trước chuẩn bị chiến trường và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 12 (Tây Sơn) chuẩn bị thế trận phòng ngự trên hướng chủ yếu của Sư đoàn 3 từ km0 đến Đồng Đăng, chiều sâu phòng ngự khoảng 4km, chiều chính diện khoảng trên 15km từ cao điểm 811 đến xã Bình Trung, cầu Khánh Khê thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ngay sau khi nhận mệnh lệnh của Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Thường, Trung đoàn 12 đã giao nhiệm vụ cho các tiểu đoàn và bộ phận trực thuộc tổ chức hành quân chiếm lĩnh trận địa, vừa tập trung huấn luyện, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mới đơn vị vừa phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân nơi đóng quân tổ chức đào công sự phòng ngự. Đến tháng 1/1979, đơn vị đã hoàn thành hàng nghìn hầm trú ẩn chiến đấu, hàng trăm ki-lô-mét hào giao thông. 

Tình hình biên giới những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2/1979 vô cùng căng thẳng, quân địch phía bên kia biên giới đẩy mạnh trinh sát vũ trang, tiến hành gây hấn ở nhiều điểm dọc biên giới, chúng phục kích bắt cóc, giết hại dân thường, bắn phá các đồn biên phòng của ta và cơ sở sản xuất của nhân dân. Ngày 14/1/1979, chúng huy động 1 tiểu đoàn tấn công bình độ 400 ở Thanh Lòa, Cao Lộc, Lạng Sơn... 

Đầu tháng 2/1979, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng cử cán bộ cấp trưởng quân sự về tập huấn tại Quân khu 1, ở lại chỉ huy các đơn vị của Trung đoàn là cán bộ cấp phó và cán bộ chính trị. Chiều ngày 16/2/1979, đoàn cán bộ Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tá Lục làm trưởng đoàn lên nắm tình hình Trung đoàn và thăm cán bộ, chiến sĩ chốt 811, Trung tá Đồng Sỹ Tài, Chính ủy Trung đoàn trực tiếp dẫn đoàn cán bộ Cục Tuyên huấn xuống làm việc với Tiểu đoàn 4 và chuẩn bị sáng ngày 17/2 sẽ lên thăm cán bộ, chiến sĩ chốt 811. Đêm ngày 16/2, đoàn công tác không nghỉ lại Tiểu đoàn 4 mà về nghỉ tại Sở chỉ huy Trung đoàn. 5 giờ sáng ngày 17/2/1979, pháo binh địch từ các hướng cấp tập bắn phá các cao điểm của ta, dọc theo trục đường số 1, trận địa của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Tiểu đoàn 6 phòng ngự ở pháo đài Đồng Đăng, cao điểm 300 phía Bắc và cao điểm 339 do Tiểu đoàn 6 phòng ngự. Tại thị trấn Đồng Đăng, xe tăng địch xuất hiện, cuộc chiến đấu ác liệt bắt đầu ở hướng Đồng Đăng, các chiến sĩ biên phòng Đồng Đăng đang trong giờ vệ sinh sáng thì giặc tràn vào. Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 lệnh cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12 - Trung tá Nguyễn Xuân Khánh và Chính ủy Trung đoàn 12 - Trung tá Đồng Sỹ Tài lên ngay cao điểm 438 để trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Xe của Trung tá Nguyễn Xuân Khánh vượt qua làn pháo địch kịp thời có mặt ở cao điểm 438 còn chiếc xe chở Trung tá Đồng Sỹ Tài, Thiếu tá Lục, cán bộ Cục Tuyên huấn tăng cường và Đại úy Huề đi đến ngã ba Khôn Làng thì pháo binh địch bắn trúng đầu xe, xe hỏng, lái xe Lê Văn Bàng quê Thanh Hóa bị thương vào chân, những người trên xe xuống vận động bộ lên Sở chỉ huy. Trên đường vận động, Thiếu tá Lục trúng đạn pháo địch hy sinh, Đại úy Huề bị thương, Chính ủy Đồng Sỹ Tài cùng quân y sĩ Tấn, chiến sĩ công vụ Điệp và một chiến sĩ liên lạc sau gần một giờ mới tiếp cận được cao điểm 438. Vừa có mặt tại Sở chỉ huy, trinh sát báo cáo phía sau sườn 438 có một cánh quân khoảng một tiểu đoàn địch đang tiến lên cao điểm. Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh lệnh cho Tiểu đoàn 6 do Tiểu đoàn trưởng Lê Anh Kiên và Chính trị viên Trần Anh chỉ huy dùng hai đại đội 61 và 63 tiếp cận đánh địch suốt từ 8 giờ sáng ngày 17/2 đến tối ngày 17/2 tại cánh đồng Song Áng, xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng. 

Cùng thời điểm ấy, một đại đội của địch đánh trực diện vào phía trước Sở chỉ huy Trung đoàn 12 trên cao điểm 438. Tình thế phức tạp, phía trước là địch đánh trực diện, hai bên là địch vu hồi bao vây, liên lạc giữa các đơn vị bị cắt đứt, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ gồm y tá, chiến sĩ công vụ, thông tin, chiến sĩ quân y tập trung chiến đấu kìm chân địch suốt từ 2 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh hội ý với Chính ủy Đồng Sỹ Tài giao nhiệm vụ cho trinh sát tìm hướng mở đường rút khỏi cao điểm 438. Gần 1 giờ sáng ngày 18/2, trời rét căm căm, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ rút khỏi vòng vây của địch. Ở lại trận địa kìm chân địch có Trung úy Đặng Tố Kim, cán bộ tác chiến cùng 4 chiến sĩ, hai ngày sau Trung úy Đặng Tố Kim và 1 chiến sĩ trinh sát tìm được về đơn vị còn 3 chiến sĩ nằm lại cao điểm 438 trước sự tàn bạo của quân thù. Vượt được vòng vây quân địch, bộ tham mưu Sư đoàn 3 chỉ đạo chỉ huy Trung đoàn 12 tiếp tục củng cố lực lượng và lấy hang đá xã Bình Trung đặt Sở chỉ huy, tiếp tục chỉ huy chiến đấu những ngày tiếp theo. 

Đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4/3/1979, đồng chí Chu Huy Mân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp lên thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng. Đồng thời, trực tiếp điện cho Chính ủy Trung đoàn 12 Đồng Sỹ Tài động viên, biểu dương tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và giao nhiệm vụ cho đơn vị tiếp tục củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí, trang bị, giữ vững thế trận chuẩn bị cho tổng phản kích. 

Cuộc chiến tranh xâm lược của địch trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam đã đi qua 4 thập kỷ, vết thương trên mặt đất đã liền da, cây cối đã xanh chồi nảy lộc, các cao điểm 811, 438, 300, 339 bây giờ còn lại là ký ức về những trận đánh ác liệt của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 anh hùng. Quá khứ đau thương đã khép lại, người dân hai nước đã nhìn nhau thân thiện, hàng hóa đã giao thương nhưng vết thương trong lòng mỗi người dân đất Việt thì vẫn quặn lên khi nhắc về tháng 2/1979 “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”. 

Nguyễn Công Liêm (Thành phố Thái Bình)