Thứ 6, 22/11/2024, 06:07[GMT+7]

Dòng sông không dĩ vãng

Thứ 2, 11/03/2019 | 09:01:39
6,052 lượt xem
Trong chuyến điền dã về làng Đông Linh, xã An Bài tìm hiểu về dấu tích nhà Tây Sơn trên đất Thái Bình, nhóm nghiên cứu được gia tộc Nguyễn Duy giới thiệu một số hiện vật được xác định là dấu tích nhà Tây Sơn trong cuộc tiến công ra Bắc lần thứ nhất năm 1786, đáng chú ý là ấn tín “Hoàng đế chi bảo” và chiếc đấu đong lương “Bát Quan đồng” bằng đồng của Hoàng đế Quang Trung...

Từ đường Nguyễn Duy Hòa, làng Đông Địa Linh, phủ Tân An, huyện Đa Dực (nay là tổ 3, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ) chưa được xếp hạng di tích.

Tròn 230 năm trước, mùa xuân Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn bắc phạt đánh tan quân xâm lược phương Bắc giải phóng Thăng Long. Trước đó, năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc lần thứ nhất dẹp nội xâm, một đạo quân tiến đánh thành Nam (Nam Định) đã có rất nhiều sĩ phu Bắc Hà lúc đó “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào”, Hoàng giáp tiến sĩ, Đông Nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp đang là tướng quân trấn thủ Sơn Nam của nhà Lê, quê làng Đông Địa Linh (còn gọi là làng Nghìn), phủ Tân An, huyện Đa Dực (nay là tổ 3, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ) lại “án binh bất động” tuyệt nhiên không có hành động chống lại quân Tây Sơn. Cảm kích trước tấm lòng nghĩa hiệp của tướng quân, Hoàng đế Quang Trung đã chỉ dụ ban ấn tín cho Đông Nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp...

Trong chuyến điền dã mới đây về làng Đông Linh, xã An Bài (nay là thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ) tìm hiểu về dấu tích nhà Tây Sơn trên đất Thái Bình, nhóm nghiên cứu chúng tôi may mắn được gia tộc Nguyễn Duy giới thiệu một số hiện vật được xác định là dấu tích nhà Tây Sơn trong cuộc tiến công ra Bắc lần thứ nhất năm 1786, đáng chú ý là ấn tín “Hoàng đế chi bảo” và chiếc đấu đong lương “Bát Quan đồng” bằng đồng của Hoàng đế Quang Trung ban tặng cho Đông Nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp, trung thần triều Lê, người làng Đông Linh và là cháu nội của Hoàng giáp tiến sĩ Nguyễn Duy Hòa. Các hiện vật vẫn được con cháu trong dòng tộc Nguyễn Duy lưu giữ cẩn thận tại từ đường Nguyễn Duy Hòa ở làng Đông Linh cũng tròn 230 mùa xuân.  

Trở lại làng Đông Linh, dân gian gọi là làng Nghìn, làng còn giữ được dáng vẻ làng quê yên bình Bắc Bộ, hệ thống kênh mương gần như còn nguyên vẹn. Làng có diện tích khá rộng, tọa lạc lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình. Xưa kia, làng Nghìn là nơi đón tiếp các thuyền buôn từ Đế Đô, Kinh kỳ, Phố Hiến xuôi về các bến Địa Đầu, Đài Thần, Bến Đó để trao đổi hàng hóa. Thời Lý (thế kỷ XI), làng Nghìn thuộc xã Địa Linh. Một vị quan họ Phạm người huyện Gia Lâm đạo Kinh Bắc về lập nên trang Địa Linh. Văn bia “Cư Nhân đình” trong Văn từ Phụ Dực ở làng Nghìn năm Vĩnh Hựu, cống sĩ Ngụy Năng Xưởng viết “Ngô Hưng cư Địa Linh chi đông, rãi dĩ đông chi nhất tự quán ư Địa Linh chi thượng nhi xã yên” (tạm dịch là “Làng ta ở phía đông xã Địa Linh, bèn lấy chữ đông đặt trên chữ Địa Linh” gọi là xã Đông Địa Linh vậy). Đông Linh nằm cạnh sông Hóa, con sông đã chứng kiến bao chiến tích trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là dưới thời Trần, trong một lần nghênh chiến với giặc, Hưng Đạo vương cho đại binh vượt sông Hóa tiến về Bạch Đằng lập trận địa thủy chiến. Hàng vạn tướng sĩ và dân phu chuẩn bị vượt sông thì trời mưa lớn, Hưng Đạo vương cho dừng binh và lập đàn tế trời. Đang mưa giông, sấm chớp bỗng dưng trời quang, mây tạnh. Thấy vậy, Hưng Đạo vương đặt tên cho sông Hóa là “Linh Giang” nghĩa là sông thiêng. Các triều đại Lý, Trần, Lê... làng Nghìn đều xuất hiện nhân tài xuất chúng. Đời hậu Lê mặc dù suy tàn, nội chiến Lê - Mạc, Lê - Trịnh liên miên nhưng Đông Linh vẫn xuất hiện nhân tài. Dòng tộc Nguyễn Duy ở làng Đông Địa Linh được coi là dòng họ phát khôi khoa. Hoàng giáp khoa Ất Mùi (1535) Nguyễn Duy Hòa và sau này cháu ông là Nguyễn Duy Hợp đỗ Hoàng giáp Đệ tam đồng tiến sĩ xuất thân và ra làm quan triều hậu Lê. Từ đường Nguyễn Duy Hòa ở làng Đông Linh, xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ (nay là tổ 3, thị trấn An Bài) còn lưu giữ chiếc võng cáng do vua Lê ban tặng cho Hoàng giáp Nguyễn Duy Hợp ngày vinh quy bái tổ. Gia phả dòng tộc ghi: Nguyễn Duy Hợp còn có tên gọi khác là Nguyễn Duy Phủ, đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 28 tuổi. Ngày 26 tháng 6 năm 1786, Nguyễn Huệ vào Thăng Long lật đổ chúa Trịnh nhưng vẫn duy trì triều vua Lê Hiển Tông và nhanh chóng lập lại trật tự ở Bắc Hà. Là trung thần nhà Lê, trấn thủ Sơn Nam nhưng Nguyễn Duy Hợp không cho quân ra nghênh chiến với quân Tây Sơn để bảo vệ triều đình nhà Lê. Ông án binh bất động. Quang Trung Nguyễn Huệ thấy ông có tình cảm với nhà Tây Sơn nên ban tặng ấn tín của nhà vua cho ông cùng với chiếc đấu đong thóc bằng đồng (gọi là đấu “Đong lương”) với ý chỉ vua ban cho Nguyễn Duy Hợp quyền cai quản thu lương và khuyến nông ba huyện Vĩnh Lạc (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Phụ Dực và Quỳnh Côi. Câu đối trong từ đường Nguyễn Duy Hòa ghi: “Tự tích khoa bảng truyền gia huynh hữu đệ/Chí kim thi thư thiện nghiệp tử như tôn”. Tạm dịch là: “Từ xưa khoa bảng truyền gia anh em cùng đỗ đạt/Đến nay học hành nối nghiệp cháu cùng con”. Như vậy, Nguyễn Duy Hợp là cháu nội của Hoàng giáp tiến sĩ Nguyễn Duy Hòa, ông Nguyễn Duy Hòa là quan lại triều Lê trung hưng, chức Quang lộc Tự khanh, Hàn lâm viện, sau được bổ dụng tổng binh Thiêm sự kiêm trấn thủ Cao Bằng và là bạn đồng khóa với nhà tiên tri Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Duy Hòa đỗ đạt năm 1535 được vua Lê vời ra làm quan nhưng trong giai đoạn nhà Lê đang suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra một triều đại mới. Triều đình nhà Mạc cũng rất trân trọng Nguyễn Duy Hòa. Đáp lại thịnh tình, Nguyễn Duy Hòa đặt niềm tin vào triều đại nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước. Ông được bổ làm trấn thủ Cao Bằng. Cùng lúc, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người tỏ ra có chí khí đảm lược, nhưng niềm tin của ông vào nhà Mạc lại bị Doanh đánh mất. Kinh đô Thăng Long náo loạn vì chúa Trịnh ra sức ức hiếp vua Lê. Còn nhà Mạc sau những cuộc giao tranh liên miên thất thế phải bỏ chạy lên Cao Bằng. Thời mạt Lê, Nguyễn Duy Hợp đỗ đạt rồi được vua Lê vời ra làm quan. Cuối triều Lê, vua Lê Chiêu Thống mất hết quyền lực, quyền bính nằm trong tay chúa Trịnh. Đúng lúc nhà Tây Sơn tiến quân ra Bắc, vua Lê Chiêu Thống vong quốc. Nguyễn Duy Hợp là quan đại thần nhà Lê nhận thức đúng về nhà Tây Sơn, có tinh thần hợp tác với nhà Tây Sơn nên được Hoàng đế Quang Trung tin dùng. Ông được Hoàng đế Quang Trung ban tặng ấn tín nhà vua và một chiếc đấu đong lương.

Các nguồn khảo luận thống nhất một điểm Hoàng đế Quang Trung là nhà quân sự lỗi lạc, có nhiều chính sách khuyến nông, khuyến công xây dựng đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở mang nền giáo dục, ngoại giao... Hoàng đế xuống “Chiếu khuyến nông” trong đó có đoạn: “Trẫm chịu mệnh trời, giữ nghiệp lớn, bốn bề trong lặng. Nay buổi đầu đại định, chính sách khuyến khích sản xuất là có dân giầu, phải được tiến hành lần lượt...”. Chiếc đấu đong lương bằng đồng của Hoàng đế Quang Trung ban tặng cho Hoàng giáp Nguyễn Duy Hợp, Đông Nhạc hầu, trấn thủ Sơn Nam đạo là chứng tích công cuộc cải cách kinh tế - chính trị thời Tây Sơn còn hiện hữu trên đất Thái Bình.

Ông Nguyễn Duy Lẫm, hậu duệ đời thứ 7 Hoàng giáp Tiến sĩ Nguyễn Duy Hợp, tổ 3, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Những hiện vật của Hoàng đế Quang Trung ban tặng cho cụ tôi Hoàng giáp Tiến sĩ Nguyễn Duy Hợp, trấn thủ Sơn Nam đạo là niềm tự hào của gia tộc chúng tôi. Trải qua 230 năm, con cháu dòng tộc chúng tôi ra sức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương làng Nghìn và dòng tộc Nguyễn Duy.

Ông Vũ Văn Thân, dịch giả Hán Nôm, tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Sau năm 1789, khi cuộc kháng chiến vừa kết thúc, Hoàng đế Quang Trung đã ban hành một số chủ trương kiến thiết đất nước. Vua ban “Chiếu khuyến nông” nhằm “phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang”. Triều đình cũng đã có nhiều cố gắng để phát triển công thương nghiệp, bãi bỏ các thứ thuế nặng nề trước đây. Về văn hóa xã hội, Hoàng đế Quang Trung coi trọng tiếng nói dân tộc, muốn đưa chữ Nôm lên làm chữ viết chính thức của quốc gia. Đáng tiếc là nhà vua mất sớm. Những kỷ vật của Hoàng đế Quang Trung ban tặng cho Hoàng giáp tiến sĩ Nguyễn Duy Hợp là bằng chứng quý giá cho chính sách khuyến nông thời Tây Sơn trên đất Thái Bình.

Ông Nguyễn Duy Nam, hậu duệ Hoàng giáp Tiến sĩ Nguyễn Duy Hợp, tổ 3, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Thị trấn An Bài đã có đường phố mang tên Nguyễn Duy Hòa. Từ đường Hoàng giáp Nguyễn Duy Hòa cũng được con cháu trong dòng tộc góp công, góp của trùng tu, tôn tạo, cảnh quan đẹp, gia tộc chúng tôi rất mong các cấp chính quyền và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, tạo điều kiện xét xếp hạng di tích lịch sử cho từ đường nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương và dòng tộc cho các thế hệ con cháu.


Quang Viện



  • Từ khóa