Thứ 6, 22/11/2024, 05:42[GMT+7]

Ký ức Công Pông Chàm

Thứ 2, 25/03/2019 | 08:50:55
6,006 lượt xem
Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320, Sư đoàn 10, Sư đoàn 31 và Sư đoàn 302 của Quân khu 7 tăng cường cho Quân đoàn trong chiến dịch; cùng các Lữ đoàn Công binh 7, Lữ đoàn Pháo binh 40, Trung đoàn 324 cùng Trung đoàn Thông tin 29, Lữ đoàn 273 tăng thiết giáp và đơn vị phối thuộc tổ chức trận tiến công vượt sông Mê Kông, đánh chiếm thị xã Công Pông Chàm cùng các đơn vị đại quân ta đập tan mắt xích phòng ngự phía bắc Phnôm Pênh, mở cửa đánh vào thủ đô Phnôm Pênh.

Chiều ngày 4/1/1979, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 do đồng chí Khuất Duy Tiến - Tư lệnh, đồng chí Đặng Ngọc Truy - Chính ủy nhận nhiệm vụ nhanh chóng triển khai đội hình xuống các trung đoàn, lữ đoàn, các đơn vị trực thuộc chuẩn bị cho lực lượng bộ đội tinh nhuệ vượt sông Mê Kông sang bờ tây đánh chiếm thị xã và sân bay Công Pông Chàm; nghiên cứu kỹ trận địa phòng ngự dày đặc dọc bờ sông Mê Kông  vào thị xã Công Pông Chàm. Nơi đây địch cho hai sư đoàn Pôn Pốt phòng ngự kiên cố, tướng Xon Xen bộ trưởng quốc phòng trực tiếp chỉ huy. Sư đoàn 320 lúc này lực lượng phân tán, Trung đoàn 48 đang đánh địch dọc tuyến đường 15 về hướng nam thị xã Prây-veng còn lại Trung đoàn 64 và Trung đoàn 52, các đơn vị trực thuộc. Song Sư đoàn vẫn hạ quyết tâm dốc toàn bộ lực lượng tinh nhuệ, chạy đua với thời gian chuẩn bị cho trận quyết chiến.

Công tác tham mưu tác chiến, trinh sát đo đạc tỉ mỉ cho trận đánh, bí mật dâng cao đội hình chiến đấu, Trung đoàn 64, 52 ra cách bờ sông Mê Kông từ 1 - 3km. Quân ta thiết lập trận địa pháo 105mm, 85mm, cao xạ 57mm, 37mm, 4 xe tăng T54 chiếm lĩnh trận địa sát bờ sông, bảo đảm tầm bắn trúng mục tiêu. Tham mưu trưởng Quân đoàn - đồng chí Lê Minh, Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến cùng các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 64 do đồng chí Vũ Cối - Trung đoàn trưởng ra tận bờ sông trực tiếp quan sát sự bố trí của đối phương. Các đồng chí cùng với cơ quan trinh sát đã tính toán các thông số kỹ thuật, định vị gần 500 công sự sát mép nước, bao bọc thị xã Công Pông Chàm; chú ý cả đến dòng chảy đoạn bến vượt qua sông rộng gần 1km, nước sông chảy mạnh. Từ thị xã Công Pông Chàm đi đường số 6 lên phía bắc tới Poi Pét giáp biên giới Thái Lan, đường số 7 đi về phía đông tới huyện Mê Mút giáp Việt Nam. Đi ngược dòng sông Mê Kông lên phía bắc qua Krache tới nước Lào. Đi xuôi về phía nam gặp sông Tông Lê Sáp vào thủ đô Phnôm Pênh. Pôn Pốt Iêng-xari đã cho xây dựng kè đá cao, hố chiến đấu, hào giao thông, ụ súng, trận địa pháo, xe tăng, xe thiết giáp, quân Khơ-me trấn giữ các ngã ba, ngã tư đường phố, chúng muốn biến khúc sông Mê Kông thành dòng sông lửa để ngăn chặn đại quân ta. Căn cứ địa khá kiên cố của địch khiến ta gặp không ít khó khăn. Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã lên kế hoạch tác chiến bằng 2 phương án vượt sông. Bí mật vượt sông đánh bất ngờ địch. Ta sử dụng Trung đoàn 52. Nếu vướng mắc quá khó khăn ta sử dụng Trung đoàn 64. Đồng chí Nguyễn Hữu Mão, Tham mưu trưởng Sư đoàn cùng xuống với đồng chí Vũ Cối trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Tư lệnh Quân đoàn cùng bộ chỉ huy, các cục chính trị, tham mưu, hậu cần thấy sự cần thiết chuẩn bị cho trận đánh quyết liệt đã chi viện thêm vũ khí, vật chất, hậu cần cho Sư đoàn 320, tăng cường 18 xuồng máy, 4 pháo 105mm, 6 pháo 155mm, 4 xe tăng T54, 4 xe tăng lội nước PT76, 4 khẩu cao xạ 57mm, 4 khẩu cao xạ 37mm. Chúng tôi trong Cục Chính trị Quân đoàn cũng xuống cùng Sư đoàn 320 bám sát, theo dõi, nắm tình hình, diễn biến trên các hướng của Sư đoàn 320, Sư đoàn 10, Sư đoàn 31, kịp thời báo cáo kết quả chiến đấu, động viên, cổ vũ tinh thần công tác tổ chức, công tác cán bộ, chiến sĩ tới tận Trung đoàn 28, Trung đoàn 64 và Trung đoàn 52, các chiến sĩ càng thêm dũng khí chiến đấu quyết tâm tiến công địch.

19 giờ ngày 5/1/1979, lệnh chiếm lĩnh trận địa bắt đầu, các đơn vị Lữ đoàn Công binh 7, cầu phà ở hai bến vượt cách nhau 1,8km đã hạ thủy an toàn. Xuồng máy, ca nô, cầu phà, công việc đang diễn ra suôn sẻ nhưng đến 2 giờ sáng thì quân Pôn Pốt lại bí mật đưa một tiểu đoàn từ phía tây nam vượt sông sang định đánh ta, gặp Tiểu đoàn 1, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Tư lệnh Sư đoàn lệnh giữ vững trận địa, bảo vệ cho Tiểu đoàn 9 chuẩn bị vượt sông đánh chiếm đầu cầu của địch, Trung đoàn 52 dùng Tiểu đoàn 6 dâng cao đội hình đánh thẳng vào lưng địch, bọn địch bị đánh bất ngờ, hoảng loạn bắn phá vây chạy dạt lên phía bắc, nhiều tốp nhảy xuống sông Mê Kông, hai bên quần nhau đạn nổ ngút trời, máu chảy loang cả dòng sông. Đến 4 giờ 30 phút, giờ G đã điểm, Trung đoàn 64 cho Tiểu đoàn 9 vượt sông, 9 xuồng máy chở bộ đội vượt sông, chừng 1/3 đoạn sông thì địch phát hiện đã bắn trả quyết liệt, khúc sông nổi sóng. Trong vòng 15 phút, 6 xuồng máy của ta bị trúng đạn, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 9 đã anh dũng hy sinh. Hỏa lực của địch đan chặt mặt sông. Việc bí mật vượt sông không còn, Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn lệnh thực hiện phương án 2. 5 giờ 30 phút, các trận địa pháo 155mm của Quân đoàn bắn cầu vồng vào thẳng trung tâm thị xã, các trận địa pháo của Sư đoàn bắn thẳng đồng loạt như pháo 105mm, 85mm, 57mm, 37mm, đạn nổ rền vang chụp xuống gần 500 công sự địch bên bờ tây thị xã, xe tăng T54 cũng tiến ra bờ sông dùng pháo 100mm bắn áp chế mục tiêu địch. Rất hiệu quả, 2 ca nô lớn của chúng bị bắn cháy ngay từ loạt đạn đầu. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt. Cả thị xã Công Pông Chàm ngập trong biển lửa, kho xăng bị bốc cháy. Bộ tham mưu và tướng Xon Xen hoảng loạn. Hơn 20 phút đạn pháo của ta dồn dập trùm xuống hệ thống phòng ngự của địch. Đến 6 giờ 30 phút, các cuộc vượt sông bằng xuồng cao tốc công binh Lữ đoàn 7 lao xuồng ghép phà chở binh khí kỹ thuật và đại quân qua sông.

Tướng Xon Xen và bọn chỉ huy lính hò nhau đánh trả. Chúng tiếp tục huy động pháo 85mm DKZ, 12,7mm, đại liên, súng cối bắn như đổ lửa hòng không cho đại quân ta qua sông. Song chúng đã lầm, dù mặt sông lại oằn lên khói lửa đạn mịt mù, Đại đội trưởng Nguyễn Đức Thại chỉ huy đơn vị tiêu diệt các hỏa lực còn mạnh của địch. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều bị thương, xuồng máy bị bắn thủng nhưng anh vẫn chỉ huy chiến sĩ tăng tốc xông lên. Xuồng máy vừa cập bến, các chiến sĩ đã lao lên, những chùm lửa đạn đỏ rực các công sự, đoạn hào của địch. Xuồng thứ nhất bị trúng đạn, binh nhất Vũ Mạnh Tuấn cởi phăng áo bịt lỗ thủng xuồng máy, xuồng cao tốc đã băng qua lửa đạn cập bến vượt. Ta và địch quần nhau ác liệt, người trước ngã người sau xốc tới, giành giật nhau từng chiếc hầm, đoạn hào. Có những tên ngoan cố lựa thế xoay khẩu súng 12,7mm và có tên đã nạp đạn vào DKZ. Nhưng chúng chưa kịp phát hỏa thì bị hàng chục chớp lửa đạn tiêu diệt. Các xuồng máy khác ồ ạt xô bờ. Các chiến sĩ của ta xông lên, dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Phương lựa vật cây che khuất đánh chiếm từng gò đất, gốc cây. Một khẩu đại liên của địch lợi dụng thân cây thốt nốt đổ bắn cày cả đoạn trước mặt trung đội. Hai chiến sĩ hy sinh tay vẫn nắm chặt cây súng, trung đội bị chững lại. Thấy vậy, hạ sĩ Đinh Xuân Khoa xách khẩu B40 nhanh như chớp bám vạt cỏ thấp, bò sang trái. Hạ sĩ Nguyễn Đình Phùng dùng khẩu RPD bắn thu hút địch. Khoa bò gần tới khẩu đại liên - nòng súng chĩa vào khẩu đại liên - mục tiêu thì bất ngờ bị một quả M79 nổ cạnh. Trán Khoa túa máu, anh đứng bật dậy bóp cò: Đạn B40 đã trùm lên khẩu đại liên. Mục tiêu bị diệt. Nguyễn Đức Thại, Nguyễn Ngọc Phương chỉ huy cùng đồng đội xông lên đánh tiếp các hỏa điểm khác. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều bị thương vẫn chỉ huy hai trung đội đánh địch bật khỏi các vị trí cố thủ. Đại quân ta vượt qua sông, thêm ca nô, thuyền máy, phà tự hành chở pháo, đạn, gạo, thực phẩm, thuốc men... Đại quân tràn vào thị xã Công Pông Chàm.

Sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 3 chiếm lĩnh công sự vành ngoài trong hệ thống phòng thủ của tướng Xon Xen. Đại đội xe tăng lội nước PT76 triển khai đội hình chi viện cho đơn vị bộ binh tiến lên. Trước sức mạnh tiến công như vũ bão, Lữ đoàn Công binh 7, Lữ đoàn Công binh 249 đã ghép phà thành công đưa đại quân áp đảo tiêu diệt gần một sư đoàn của tướng Xen Xen ở Công Pông Chàm. Đến 10 giờ ngày 6/1/1979, “cánh cửa thép” phía bắc vào thủ đô Phnôm Pênh đã được khai thông, Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn 10 đã vượt qua bến phà khẩn trương bằng ca nô, thuyền máy, phà tự hành chuyển 120 xe pháo sang bờ tây sông Mê Kông. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, giành giật nhau từng ngã tư đường phố. Không quân ta lúc này cũng liên tục ném bom bắn phá ngăn chặn lực lượng tháo lui của địch. Tướng Xon Xen cùng hơn một sư đoàn hoảng loạn vỡ trận tháo chạy.

Trận quyết chiến chiến lược của Quân đoàn 3, Sư đoàn 320 kiên cường, anh dũng, sáng tạo giành thắng lợi vẻ vang. 11 giờ 30 phút ngày 7/1/1979, thủ đô Phnôm Pênh đã được hoàn toàn giải phóng. Lá cờ năm ngọn tháp vàng tung bay trên cột cờ hoàng cung chấm dứt chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng-xari.

Trận tiến công Công Pông Chàm giành thắng lợi, ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 sư đoàn do tướng Xon Xen, bộ trưởng quốc phòng Khơ-me đỏ chỉ huy, thu hàng trăm xe các loại, phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch, thu hàng nghìn súng, giải phóng thị xã Công Pông Chàm - một mắt xích quan trọng. Xe tăng, xe bọc thép và đại quân ta cùng pháo binh đi lên đánh chiếm Công Pông Thơm, lên Xiêm Riệp đánh chiếm và bảo vệ Ăng Co Vát, Ăng Co Thơm, Bát Đom Boong.

Thắng lợi Công Pông Chàm là thắng lợi của Quân đoàn 3, Sư đoàn 320, là thắng lợi của công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác cán bộ giữ nghiêm kỷ luật đoàn kết hiệp đồng chiến đấu cao; đã nêu cao tinh thần quốc tế cao cả. Các trận đánh diễn ra mưu trí, sáng tạo, dũng cảm. Tinh thần chủ động tiến công địch của cán bộ, chiến sĩ. Ấn tượng và những kỷ niệm nhớ nhất mà tôi tham dự cùng với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn bộ, Cục Chính trị, Phòng Tuyên huấn Quân đoàn 3 là trận tiến công Công Pông Chàm.

Nhâm Xuân Chúc
(Nguyên Trợ lý Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân đoàn 3)