Mẫu Đợi
Quý Minh Đại Vương được nhân dân làng Dụ Đại nói riêng và nhân dân vùng hạ lưu sông Hồng nói chung tôn thờ như một biểu tượng của sự chiến thắng giặc nước (thủy thần) cũng như các thế lực cuồng phong trong tự nhiên.
Tương truyền vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, tướng bộ lạc Tây Vu là Thục Chế sai con trai Thục Phán sang cướp nước Văn Lang. Vua Hùng cho gọi 3 anh em thánh Tản (Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Quý) vào triều. Sau khi nghe 3 anh em thánh Tản dâng kế sách đánh đuổi giặc, Nguyễn Quý được Vua Hùng phong chức Tả Đô đốc chặn giặc ở cửa Hải Khẩu thần phù. Từ kinh thành về tới trang Dụ Đại (thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ nay) ngài cho quân nghỉ lại. Nhìn dải đất màu mỡ, cây cối tốt tươi, cư dân hiền lành lại có long chầu hổ phục, ngài truyền cho quân lính và nhân dân Dụ Đại xây dựng đền thờ thánh Mẫu. Trước lúc xuất quân đánh giặc, ngài dâng hương khấn rằng “Thân mẫu hãy đợi con thắng trận trở về”…
Trong chuyến điền dã tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng ở địa bàn phía Đông Bắc của tỉnh, nhóm nghiên cứu chúng tôi về đền Mẫu Đợi, thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ được ông Vũ Duy Dũng thủ nhang đền Mẫu Đợi hướng dẫn tham quan không gian đền và kể cho nghe sự tích đền Mẫu. Phía trước đền là Tam quan uy nghi, tráng lệ, 3 tầng, trên cao đắp nổi bốn chữ: “Hùng Triển hộ quốc”, tạm dịch nghĩa là vâng lệnh Vua Hùng bảo vệ đất nước. Hai trụ cột tam quan tầng 2 có câu đối cổ:
A vũ cao tiêu bình quận Bắc
Hưng yên tàng rẫn đại giang đồng
Đại ý rằng đây là nơi tướng quân Nguyễn Quý (Quý Minh Đại Vương) xuất binh đánh tan quân giặc phương Bắc, trước lúc ra trận ngài đã nhắn nhủ thân mẫu hãy đợi ngài chiến thắng trở về. Hai trụ biểu cổng ra vào có đôi câu đối ghi rằng:
Thần hạ khâm phân xuất hùng binh
Dụ Đại địa binh cung sở tại
Tạm hiểu là thần Tản viên Sơn Thánh Quý Minh đại vương dẫn quân đánh giặc đã lưu lại đất Dụ Đại dựng đền thờ thân mẫu tại đất này.
Ông Vũ Duy Dũng, thủ từ đền Mẫu Đợi cho biết thêm, đền còn lưu giữ được 3 cuốn Thần phả, 12 đạo sắc phong của các triều đại. Bản đền cũng lưu giữ cuốn “Thần tích đền Mẫu Đợi” do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được phụng tả vào năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) đã được sao chép lại vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Ngoài sắc phong và thần phả, thần tích đền còn nhiều văn bản ghi chép qua nhiều triều đại phong kiến, trong đó có những câu thơ ngợi ca:
Linh đài ngật đối Nam thiên
Nhật nguyệt quang huy chiếu tây biên
Thanh động tứ phương tùy ảnh hưởng
Dụ thôn mộc ấp dục khai tiên
Tạm dịch:
Đền thiêng rực lớn cõi trời Nam
Nhật nguyệt tây phương chiếu cõi phàm
Hầu hết bốn phương đều ảnh hưởng
Thôn Dụ Đại mở trang ấp đầu tiên
Là vùng đất cổ của huyện Quỳnh Phụ, nhân dân làng Dụ Đại, xã Đông Hải theo tín ngưỡng thờ Sơn Tinh, Thần Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương là các vị thần thường là những hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Về sự tích thánh Tản được thờ trong đền, ông Dũng cung cấp thêm tư liệu truyền ngôn: Ngày xưa tại động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) có hai anh em nhà họ Nguyễn, người anh tên là Nguyễn Cao Hành, vợ là Đinh Thị Đen; người em là Nguyễn Cao Khang, vợ là Bùi Thị Hương. Cả hai vợ chồng anh em họ Nguyễn này tuy tuổi đã cao nhưng chưa có con để nối dõi. Một hôm hai chị em dâu rủ nhau lên Tản Viên sơn kiếm củi, khi đi tới phiến đá to bên cạnh giếng ngọc, hai chị em ngồi nghỉ chân hóng mát, trời đang nắng bỗng dưng mây trắng ùn ùn kéo đến, hai chị em nhìn thấy rồng vàng từ trên trời hạ xuống, mây trắng bao phủ, rồng vàng phun nước như mưa, khí thiêng lan tỏa. Khi rồng bay đi, hai chị em dâu thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, hai chị em liền xuống tắm mà không hề biết mình đã mang thai từ đấy. 14 tháng sau đúng ngày rằm, tháng Giêng, năm Đinh Tỵ, giữa giờ Thìn cả hai chị em dâu đều trở dạ. Người chị dâu sinh hạ được một người con trai, người em dâu sinh ra một bọc, bọc nở ra hai người con trai. Cả ba cậu bé đều khôi ngô tuấn tú. Sau 100 ngày hai chị em dâu đặt tên cho các cậu bé lần lượt là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Quý. Khi ba cậu bé được 6 tháng tuổi thì bỗng dưng hai vợ chồng anh em họ Nguyễn nọ lâm bệnh trọng rồi mất. Ba cậu bé bỗng dưng trở thành trẻ mồ côi giữa núi rừng bơ vơ không có nơi nương tựa thì gặp bà Ma Thị Thái Vỹ (Cao Sơn Thần Nữ, tức bà chúa Thượng Ngàn) nhận làm con và chăm sóc, nuôi dưỡng lớn khôn. Khi ba anh em vào tuổi “nhị thập” được mẹ nuôi Cao Sơn Thần Nữ gửi vào Lý Đường tiên sinh học hành và được thầy Thái Bạch Kim Tinh ban cho gậy “đầu sinh đầu tử” tức gậy trúc thượng võ. Ba anh em lại được Long Vương Thủy Tề tặng cho cuốn sách ước “Thần thư bí pháp quyền” để làm ra nhiều phép lạ cứu dân độ thế. Được học hành, tu luyện nên ba anh em trở thành người đức độ tài cao, thần thông biến hóa và trở thành thánh của núi Tản. Trở lại với Quý Minh Đại Vương sau khi thắng giặc, ngài trở về đền Đợi tạ ơn mẫu nuôi là Cao Sơn Thần Nữ đồng thời mở tiệc xướng ca ăn mừng thắng trận ba ngày liền. Ngày thứ ba nhân dân Dụ Đại đang vui bỗng dưng mấy đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp liên hồi, mưa như trút nước bỗng thấy quầng sáng chói lòa. Nửa ngày sau mây tạnh, trời quang, gió mát nhân dân không thấy ngài đâu nữa.
Chính lúc mưa to gió lớn ấy ngài đã hóa thân về trời cùng với Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và chúa Liễu Hạnh và trở thành một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử”. Được tin Nguyễn Quý Tản Viên Sơn thánh hóa về trời Hùng Duệ Vương vô cùng thương tiếc, Hùng Duệ Vương đã phong cho ngài là Quý Minh Đại Vương chức Khâm Thiên giám sát; phong cho mẫu thân của ngài là Quốc mẫu và sắc phong đền Mẫu Đợi là Chính Từ, được liệt vào hàng “Xuân Thu quốc tế” nghĩa là một năm hai lần mở hội vào mùa xuân (tháng 4 âm lịch hàng năm) và mùa thu (tháng tám âm lịch) theo nghi lễ quốc gia.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng các thiên thần như Tản Viên Sơn thánh Quý Minh Đại Vương… của nhân dân làng Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ là một điển hình khẳng định trời đất (non sông) hun đúc lên tú khí sông núi mà sông núi nước Việt là của người Việt, nước có giặc xâm lăng thì thiên thần cũng như nhân thần hiển hóa cùng đồng lòng sát cánh với nhân dân đánh giặc, giữ nước. Nhân dân kính thờ các vị thần cũng chính là kính thờ giang sơn gấm vóc của mình.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Hiếm có di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh ta có thần tích sinh động về tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu như ở đền Mẫu Đợi, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ. Hiện đền còn lưu giữ được khá nhiều sắc phong (12 đạo sắc phong) của các triều đại phong kiến cho đền. Ông Hoàng Phó Hồng, nguyên Ban quản lý di tích lịch sử đền Mẫu Đợi, thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ Từ thần núi như Tản Viên Sơn thánh đến vị thần cai quản sông nước như Quý Minh Đại Vương rồi đến các vị anh hùng dân tộc có công lao đánh giặc giữ nước mở mang ruộng đất, chăm lo đời sống nhân dân… đều được nhân dân chúng tôi phụng thờ. Những câu đối cổ ghi tạc trên tam quan đền Mẫu Đợi như: “A vũ cao tiêu bình quận Bắc/Hưng yên tàng rẫn đại giang đồng” đã nhắc nhở con cháu trong làng phải có trách nhiệm gìn giữ ngôi đền như báu vật để giáo dục các thế hệ con cháu luôn nhớ về nguồn cội. Ông Vũ Duy Dũng, thủ nhang đền Mẫu Đợi, thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ Làng Đợi có tên chữ là làng Dụ Đại, theo truyền thuyết đây là nơi Quý Minh Đại Vương dừng binh trước khi vào trận giao chiến với giặc phương Bắc cướp nước Văn Lang bằng đường biển, ngài thấy huyệt trụ của đất tú khí linh thiêng nên cho dựng đền thờ thánh mẫu Thượng Ngàn là mẹ nuôi của ngài. Trước lúc ra trận, ngài thắp hương khấn mẹ nuôi là thánh mẫu Thượng Ngàn “Mẹ đợi con chiến thắng trở về”, khi ngài chiến thắng trở về, nhân dân mừng vui đón ngài. Vua Hùng sắc phong cho hai mẹ con ngài và sắc phong đền là Chính Từ, đền Mẫu Đợi có tên như vậy từ đó. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam