Thứ 6, 22/11/2024, 06:16[GMT+7]

Lý triều Hưng Quốc công

Thứ 2, 27/05/2019 | 09:14:32
3,346 lượt xem
Đình Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương được xây cất vào thế kỷ XVII trên nền một ngôi miếu cổ thờ quan Thừa tướng Đoàn Thượng trung thần triều Lý. Đến triều Lê, vua Lê Thánh Tông sắc phong cho tướng quân Đoàn Thượng là “Bỉnh Trung Phù Chính Trương Nghĩa Đại Vương” và đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định (1924) sắc phong Đoàn Thượng là “Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần”...

Nét cổ kính của đình Thượng Phúc.

Thần tích đình Thượng Phúc ghi: Vào thời vua Lý Anh Tông ở trang Hồng Thị, đạo Hồng Châu (nay là tỉnh Hải Dương) có một người họ Đoàn tên là Trung, thi thư tài giỏi, sử thế hiếu đễ làm quan trong bộ lễ triều đinh cùng vợ là Nguyễn Thị vốn là người tích đức hành nhân chăm lo tế tự. Làm đại quan triều Lý đã lâu, vợ chồng ông họ Đoàn đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa ứng mộng tin mừng. Cả hai ông bà đều chăm lo cầu tự, làm việc thiện tích đức, thường xuyên đến chùa, miếu cầu đảo, không nơi nào là ông bà không đến để cầu phúc. Rồi một ngày vợ chồng ông bà họ Đoàn lên núi Yên Tử làm lễ cầu tự. Lúc nhập thiền, ông Đoàn mộng thấy ánh hào quang rực rỡ bao quanh chùa, có một con giao long từ dưới nước nổi lên, rồi giao long lao tới quấn quanh người bà Đoàn. Chợt bừng tỉnh, ông Đoàn biết mình vừa qua giấc mộng. Hai ông bà trở về nhà và từ ngày đó bà Đoàn hoài thai. Một ngày tháng hai năm Giáp Thìn, bà Đoàn sinh hạ con trai mình rồng, mắt phượng, hàm én, mày ngài. Năm lên 1 tuổi đã biết nói, 5 tuổi đã hiểu được âm luật. Ông bà Đoàn vô cùng hạnh phúc, rất mực yêu quý con trai và đặt tên là Đoàn Thượng. 15 tuổi Đoàn Thượng được cha mẹ cho tầm sư học đạo. Vốn thông tuệ hơn người nên năm 20 tuổi Đoàn Thượng nổi tiếng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.

Theo sử cũ và các tài liệu khảo cứu, Đoàn Thượng là một trung thần và dũng tướng đời vua Lý Huệ Tông. Ông có sức khỏe phi thường. Năm Nhâm Thân (1212), trong nước nhiều biến loạn, triều đình nhà Lý cử Đoàn Thượng về Hồng Châu mộ quân đánh giặc. Tương truyền vốn có sức khỏe phi thường, Đoàn Thượng một mình một ngựa, một tay đao có thể xông vào đánh tan cả một đạo quân. Quân giặc nghe đến tên ông đã đủ sợ hãi. Năm Đoàn Thượng tròn 23 tuổi thì vua Lý Anh Tông băng hà, Thái tử Lý Long Cán là con thứ 6 vua Lý Anh Tông mới 3 tuổi kế vị lên ngôi Hoàng đế xưng Lý Cao Tông. Vì vua còn nhỏ tuổi nên việc triều chính cần có những trung thần bên cạnh. Nhân cơ hội quan lại, chức sắc xứ Hồng Châu liền ứng chiếu tiến cử Đoàn Thượng đến bệ kiến Lý Cao Tông ứng thí. Đoàn Thượng là người văn võ song toàn nên được vua Lý Cao Tông phong làm chức quan Thị Tòng, hầu cận bên vua. Đoàn Thượng  là người am hiểu thời thế, tinh thông mọi việc từ đó ông được tham dự mọi việc triều chính. Vua tôi đồng lòng thì quốc thái dân an, trăm họ kính phục. Vua Lý Cao Tông xét thấy Đoàn Thượng là người trung tín có nhiều công lao giúp vua cha trị nước, an dân bèn ban tặng ông là “Thiết Việt Hưng Quốc Đồng Hưu”. Ở ngôi chẳng được lâu, Lý Cao Tông băng hà, Thái tử Sảm kế vị, lấy hiệu là Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông không có con trai nối dõi, nhà vua chỉ có 2 người con gái, người con gái đầu lòng là Thuận Thiên công chúa, nhà vua gả Thuận Thiên công chúa cho Trần Liễu (anh trai Trần Cảnh - Trần Thái Tông). Người con gái thứ hai là công chúa Phật Kim được Lý Huệ Tông yêu quý nhường ngôi trở thành nữ Hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến nước ta và thường gọi là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ lúc ấy là Thái sư triều Lý quyền bính trong tay, ân sủng tràn trề đã “đạo diễn” cho Trần Cảnh là cháu vào hầu hạ Lý Chiêu Hoàng rồi tung hô Lý Chiêu Hoàng phải lòng Trần Cảnh, ông tổ chức cho hai con trẻ lấy nhau đồng thời ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi báu cho chồng là Trần Cảnh. Vương triều Lý sụp đổ hoàn toàn, quyền bính của nhà Lý lúc này không thể làm được gì hơn là chấp nhận. Cựu hoàng Lý Huệ Tông xuất gia đi tu ở chùa Chân rồi bị ép chết. Trần Cảnh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Trần Thái Tông.

Vốn là trung thần triều Lý, Thừa tướng Đoàn Thượng không chịu làm tôi cho nhà Trần. Vua Trần Thái Tông cho tìm ông, ông không đến. Nhà vua ban sắc phong tước vương ông không nhận. Đoàn Thượng cùng cận vệ trở về Hồng Châu chiêu tập nghĩa quân lập thành lũy ở Yên Nhân (nay là Bần Yên Nhân thuộc tỉnh Hưng Yên) chống lại nhà Trần. Thế quân của Đoàn Thượng rất mạnh, vua Trần Thái Tông sai quân đánh dẹp 18 trận mà không phân biệt thắng bại. Đánh không được thì chiêu dụ, triều đình nhà Trần đưa sắc phong đến và hứa gả con gái cho Đoàn Thượng nhưng ông không nhận. Trần Thái Tông giận lắm liền cùng với Nguyễn Lật trước đây là bộ tướng của Đoàn Thượng (sau ăn ở hai lòng ra hàng nhà Trần) đem quân đánh úp. Đoàn Thượng chủ quan nên bị đánh bất ngờ thua Nguyễn Lật ở cửa bể Bình Đầu. Theo các nguồn khảo luận, cái chết của Đoàn Thượng có nhiều giai thoại. Truyền ngôn rằng: khi bị chém trọng thương vào cổ đầu Đoàn Thượng quay lại sau lưng, tướng nhà Trần sợ hãi bỏ chạy. Ông liền cởi dây lưng buộc cổ, rồi phi ngựa về phía Đông. Đến Yên Nhân, một cụ già nhìn thấy nói: “Tướng quân trung dũng lắm, thượng đế đã kén ngài làm Thần ở đất này rồi”. Đoàn Thượng phi ngựa đến gò đất cụ già chỉ, nằm xuống, một lúc sau, mối đùn đất lên, thành mộ. Nơi ấy, nay thuộc thôn Đông Đạo, xã Yên Phú, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Lại có giai thoại: Đoàn Thượng bị quân Nguyễn Nộn chém, đầu rơi ở Bần Yên Nhân nhưng thân vẫn nằm trên lưng ngựa, đến Mao Điền (nay thuộc huyện Cẩm Giàng) mới rơi, do vậy dân gian mới có câu: đầu Bần, thân Mao. Hai nơi này đều có đền thờ ông. Hàng năm, ngày 11/4 âm lịch, các đền hoặc đình làng thờ ông làm Thành hoàng đều mở hội, tổ chức tế lễ trọng thể. Đình Thượng Phúc là một ngôi đình cổ có quy mô kiến trúc theo kiểu “Tiên nhất - Hậu công”, có gác lầu chồng diêm ba tầng. Tiền thân của ngôi đình có từ khá sớm, ban đầu là một ngôi miếu nhỏ ba gian sơ sài, đình được xây dựng ngay trên đất ngôi miếu cổ vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ XVII. Hiện tại trong long cốt đình có ghi năm tháng trùng tu “Thành Thái Quý Tỵ niên” (1893). Cách ngày nay vừa tròn 100 năm, năm Kỷ Mùi 1919 niên hiệu Hoàng triều Khải Định, đình Thượng Phúc được xây dựng lại to đẹp và lưu giữ nguyên trạng cho đến ngày hôm nay.

Trải qua biến đổi thăng trầm của lịch sử, đình Thượng Phúc được nhân dân làng Thượng Phúc, xã Quang Trung giữ gìn, tu bổ, tôn tạo cho đến ngày hôm nay. Đình Thượng Phúc là một ngôi đình cổ có kiến trúc văn hóa nghệ thuật quý hiếm, hệ thống 5 gian cửa ô cung khách, bẩy tiền, chạm trổ hoa văn, thông, cúc, trúc, mai, có cấu trúc theo kiểu “thượng sườn hạ tốn”; các đầu lư “chạm lõng bong kênh” 3 tầng, cốn chạm hoa văn “triện cài lá dắt”, đấu chạm hoa sen, câu đầu chạm dải lụa làm thư, hoa gấm lục lăng. Tòa đệ nhị 3 gian cuốn vòm, mái lợp ngói mũi, tòa chính tẩm xây kiểu “chồng diêm cổ các” 3 tầng, cao hơn 10m, nóc đắp gạc long, mái lợp ngói mũi, đao đắp song loan, cổ các phù điêu Tứ Linh, với phong cách phong nhã hào hoa và cổ kính rêu phong.


Cụ Trần Thị Tứ, 92 tuổi, thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương

Từ tấm bé đến lúc lớn lên tôi từng chứng kiến đình Thượng Phúc hai lần trùng tu. Những cánh thợ mộc nổi tiếng được làng tuyển mộ về đục đẽo, chạm trổ hoa văn công phu, rồi các cánh thợ lại ghép gỗ lại chồng diêm vừa vặn không sai lệch một li. Cụ nội tôi là Trần Nhất Khuông giữ chức Chánh tổng cũng là người có nhiều công lao đóng góp trong việc tu sửa, bảo tồn đình làng.

Cựu chiến binh Vũ Ngọc Thi, Phó Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương

Chi hội Người cao tuổi thôn Thượng Phúc cùng Chi hội Cựu chiến binh thôn luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của ngôi đình cổ Thượng Phúc. Các hoạt động văn hóa lễ hội cũng được người cao tuổi và cựu chiến binh chúng tôi trân trọng giữ gìn trao truyền cho lớp trẻ.

Ông Vũ Quang Dự, thủ từ đình Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương

Ngôi đình là chứng nhân lịch sử văn hóa về làng quê Thượng Phúc, tương truyền vua Lê đã từng kinh lý qua đất này. Đình còn lưu giữ 7 sắc phong của các vương triều nhà Nguyễn ban sắc phong cho các vị thành hoàng làng thờ tại đình Thượng Phúc, trải qua thời gian lưu giữ khá lâu hơn 150 năm nên giấy mực đã bị mủn nát dần.


Quang Viện 

  • Từ khóa