Thứ 7, 11/05/2024, 20:49[GMT+7]

Rêu phong tàng tích

Thứ 2, 03/06/2019 | 09:37:38
3,635 lượt xem
Dáng vẻ cổ kính, tường cũ rêu phong, ngói nâu nhuốm màu thời gian, mưa nắng dập vùi cõi hồng trần cũng chẳng nhấn chìm được vẻ đẹp tráng lệ của đình Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

Ẩn dưới mái ngói thâm nâu ủ dột của đình Lương Mỹ là cả một kho báu về lịch sử kiến trúc.

Thế nhưng, ẩn dưới những viên ngói âm dương ủ dột lại là cả một kho tàng chứa đựng những báu vật của lịch sử, văn hóa chan chứa giá trị nhân văn sâu sắc của một thiết chế văn hóa cổ gắn với những thần tích, thần phả, ngọc phả truyền từ bao đời thuộc về những con người “hai sương, một nắng” nơi đây, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Lương Mỹ…

Làng Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội xưa có tên Nôm là làng Thống. Làng Thống là vùng đất cổ có niên đại hình thành hơn 2000 năm bởi bên cạnh làng Thống là làng Lường (thường gọi là Ô Cách, xã Quỳnh Xá) nơi phát hiện ra cả một kho mũi tên đồng thời Đông Sơn vào năm 1960. Đình Lương Mỹ là một công trình kiến trúc cổ độc đáo, nơi phối thờ những vị thiên thần, nhân thần có nhiều công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, bờ cõi… Đình tọa lạc tại trung tâm làng Lương Mỹ trên khu đất cao, diện tích hơn 3.300m², phía trước đình là sân rộng và ao lớn, nhiều cây xanh tạo lên một không gian thoáng đẹp thuận tiện cho các hoạt động lễ hội và diễn xướng dân gian.

Đình Lương Mỹ kiến trúc theo kiểu chữ công. Đình thờ 5 vị thành hoàng là Thiên Quan Minh Thông; Cao Sơn đại vương; Ngọc Hoa Công chúa; Vũ Đô Phú đại vương và Hồng Ơn đại vương. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, Thiên Quan Minh Thông là vị thần mà hiệu đầy đủ của ngài là “Thiên Quan Minh Thông linh ứng hiện mộng đức phong công đế thế an hộ quốc túy lộc hoạnh hữu giai thưởng”. Tòa tiền tế, tòa ống muống và tòa hậu cung đang xuống cấp, trong đó tòa tiền tế là một công trình điêu khắc gỗ độc đáo tập trung vào các đầu dư, thanh rường, xà nách, bảy tiền, bảy hậu. Mỗi hàng lại có phong cách trang trí khác nhau tạo cho người xem cảm giác đang ở trong vườn hồng rực rỡ sắc màu với ba bông hồng nở to xen những nụ hồng tươi thắm. Với đôi bàn tay khéo léo và óc tưởng tượng phong phú những nghệ nhân làm đình thuở ấy dùng nghệ thuật chạm lõng tinh xảo. Ví như bức chạm “Trúc hóa rồng” mô tả cây trúc mềm mại, ngọn trúc cành lá uốn lượn, đan xen nhau mơn mởn. Phía đầu bẩy có hai con sóc trèo cành, một con thò đầu miệng ngậm đốt trúc nhấm nháp thật ngon. Đứng xa một chút nhìn cây trúc và con sóc bỗng hóa hình con rồng uy lực mạnh mẽ, những đốt trúc là thân rồng uốn lượn mà cành trúc la đà lại là móng vuốt của rồng sắc nhọn. Một bảy hiên khác với nét chạm “Tùng hóa rồng” tinh xảo. Lá tùng được nghệ nhân chạm sắc nhọn, cứng cáp. Nhìn kỹ mới thấy đầu rồng là cành tùng ngóc lên nhìn vào trong đình với đôi mắt lồi to và miệng rồng há rộng. Toàn thân rồng là cây tùng khỏe khoắn, uốn lượn mềm mại. Các bảy hiên còn lại được chạm tương tự như “Cúc hóa rồng”, “Mai hóa rồng”… Gian giữa của đình, hai bộ nách là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoành tráng và độc đáo. Bức tranh rồng sống động ca ngợi vương triều thịnh trị, cuộc sống no đủ của nhân dân. Trên mỗi thanh rường của mỗi bộ vì là một con rồng với trạng thái hoàn toàn khác nhau. Thanh rường trên cùng là hình ảnh con phượng hoàng dang rộng đôi cánh, đầu nghếch lên cắn vào đuôi rồng của đầu dư. Thanh rường bên cạnh là hình rồng bò đầu rồng nghếch lên, bờm bay tua tủa, lưỡi thè dài, thân rồng uốn lượn, lưng nổi lớp vảy dày, chân có móng sắc nhọn bám chặt thể hiện sự vững chãi, uy lực. Một con rồng khác vẫn trong tư thế bò nhưng đầu ngẩng cao quay mặt về cột cái hai chân ôm lấy trụ cốn, bao quanh rồng là những mảng mây bồng bềnh. Một con rồng khác vẻ mặt tươi vui, miệng rồng mở rộng, mắt to lồi, chân bám mây, đầu quay sang bên. Thanh rường cuối cùng là hình ảnh con rồng đầu ngẩng cao, quay mặt về phía sau, chân đạp mây cuồn cuộn lưng khoác một tấm lá mềm mại, những cụm sen mượt mà, nụ sen chúm chím… Hệ thống cột đá xanh tứ diện thể hiện sự vững chãi, uy nghi, chạm câu đối và hoa văn nổi tinh xảo hiếm thấy… 

Các bậc cao niên trong làng khẳng định, đình Lương Mỹ được xây dựng từ thế kỷ nào đến giờ vẫn chưa tìm thấy văn chỉ ghi chép. Chỉ biết rằng dòng chữ Hán khắc trên đầu câu đầu tòa hậu cung ghi: “Hoàng Bảo Đại, Bính Tý niên, Bính Thân nguyệt, Giáp Tý nhật, Giáp Tý thời, tu tạo cát”. Như vậy là vào năm 1936, dân làng đã tu tạo lại đình. Thượng lương của tòa tiền tế ghi: “Dương lịch nhất niên, cửu tam thất” nghĩa là năm 1937, sau một năm tu tạo đình mới tu tạo tòa tiền tế. Truyền ngôn rằng đình được xây dựng trải dài nhiều năm, kinh phí tu tạo chủ yếu trông vào nguồn “mua chức, bán quyền” thời phong kiến. Tiền thu được mua gỗ làm đình. Gỗ mua từ mạn ngược về ngâm ở ao cạnh đình, bây giờ vẫn còn tên “ao gỗ”… 

Nhìn tổng quát nghệ thuật trang trí kiến trúc của đình Lương Mỹ chủ yếu bằng chạm khắc gỗ tinh tế khiến cho người xem có cảm giác lâng lâng khi bước vào trong đình chợt một luồng không khí mát dịu từ trong đình tràn ra làm ta như trút bỏ nỗi âu lo đời thường để chìm vào trong không gian tâm linh tĩnh trí chiêm bái vẻ đẹp trầm mặc của ngôi đình trước anh linh thánh thần rồi thả hồn theo dòng cảm xúc. Hậu thế nhìn vào nét chạm khắc hoa văn tinh tế của ngôi đình hiểu rằng ngôi đình như một chứng nhân đang ôm vào bên trong và thầm lặng gìn giữ di sản nghệ thuật vô giá mà nghệ nhân mộc làng Lương Mỹ bằng trí sáng tạo, bàn tay tài hoa đã tạo nên những mảng chạm khắc độc đáo, tinh xảo trên bộ khung kiến trúc ngôi đình. 

Đình Lương Mỹ là di tích lịch sử văn hóa có giá trị không riêng có của làng Lương Mỹ mà nó trở thành báu vật của người dân Thái Bình cần được bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cho muôn đời sau…

Những ngôi đình có kiến trúc độc đáo, bề thế như đình Lương Mỹ không còn nhiều trên địa bàn tỉnh ta. Trường tồn cùng ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc gỗ, các mảng chạm khắc tinh xảo cùng nghệ thuật trang trí truyền thống trên các thanh rường, các bộ vì kèo, đầu dư... đặc biệt là hệ thống cột quân bằng đá, to khỏe, vững chãi với những mảng chạm khắc sinh động của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông càng làm cho di tích trở lên cổ kính. Bên cạnh đó còn có các di vật bằng gỗ chạm như: long ngai, bài vị, hương án, long đình… tôn thêm vẻ đẹp cho tổng quan kiến trúc của ngôi đình. Ngoài giá trị thẩm mỹ, các mảng chạm gỗ và các hiện vật còn lưu giữ dưới mái ngói thâm nâu đang ủ dột của ngôi đình cổ Lương Mỹ này là những minh chứng sống động cho khả năng, truyền thống sáng tạo nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc xây dựng đình, chùa, miếu mạo của người dân quê lúa. Đây là những tư liệu hết sức quý giá về mặt lịch sử, văn hóa và cũng chính là những báu vật trong kho tàng văn hóa dân gian nước ta.

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Mạc, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ

Thần phả của đình Lương Mỹ có ghi: Đình thờ 5 vị thành hoàng làng trong đó có Vũ Đô Phú Đại vương và Hồng Ơn Đại vương thực chất là hai người họ Nguyễn Tiến có công lao lớn phù Lê dẹp Mạc là Nguyễn Đăng Hiệu (Vũ Đô Phú Đại vương); Nguyễn Đăng Nghị (Hồng Ơn Đại vương) lý do thờ như sau: Hai ông Hiệu và Nghị là tướng triều Lê - Mạc, do có công dẹp Mạc phù Lê đánh đông dẹp bắc nên được vua Lê ban thưởng, ban cho chữ “Tiến” vào tên đệm thành Nguyễn Tiến đồng thời sắc phong Vũ Đô Phú Đại vương và Hồng Ơn Đại vương khi hai cụ thác về tiên tổ.

Ông Nguyễn Duy Cống, Trưởng thôn Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ

Để quản lý và bảo vệ di tích đình Lương Mỹ, UBND xã đã giao cho thôn, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, di tích đang xuống cấp nghiêm trọng nếu không có sự trợ giúp của cấp trên di tích có nguy cơ sụp đổ từng phần.

Ông Nguyễn Văn Tăng, 87 tuổi, thôn Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ

Từ năm 6 - 7 tuổi tôi đã xem các cụ tôn tạo ngôi đình cổ kính này. Đình Lương Mỹ là một công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo còn sót lại rất ít ỏi ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Thái Bình nói riêng và rất cần tôn tạo, bảo vệ. Thời nhà Nguyễn, Khải Định thứ 9 (1924) sắc phong cho hai vị thần Vũ Đô Phú Đại vương và Hồng Ơn Đại vương, hiện hai sắc phong này là tài liệu cổ quý giá phản ánh giá trị lịch sử của đình Lương Mỹ.


Quang Viện




  • Từ khóa