La Giang nguyên khiết
Tương truyền, vào thời dựng nước Âu Lạc (An Dương Vương 258 - 208 trước Công nguyên) dân làng La Vanh (sau đổi thành La Giang rồi La Điền và nay là thôn Nam Long, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư) khi dựng đình làng (đình Cây Trôi) đã mời thầy địa lý xem thế đất. Thầy địa lý phán rằng: thế đất dựng đình có long chầu, hổ phục, âm dương ngũ hành giao hòa lại tọa lạc trên “bối tượng” nghĩa là lưng con voi, phía Đông Nam và Tây Nam có “song mã phục”, phương Bắc có hoàng xà ngưỡng đẩu, phương Nam có hoàng long chầu nguyệt… tạo nên thế đất “tụ thủy, minh đường” phát cho con cháu trong làng học hành đỗ đạt, dân tình làm ăn khấm khá…
Sau bao biến cố thăng trầm từ thuở Âu Lạc (đình Cây Trôi) đến thời gian hậu chiến bị chia cắt (đình Trong), từng là cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng bộ xã Tự Tân trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) rồi bị giặc Pháp ném bom Napal đốt cháy hòng xóa cơ sở hoạt động của Việt Minh… (đình Cháy), đến mùa Thu tháng Tám năm 2019, dân làng La Vanh xưa và Nam Long nay lại mừng “ứa lệ” khi “con dân” xa gần của làng kẻ ít, người nhiều chắt chiu công sức, góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình giá trị tiền tỷ khang trang trên đất cổ xưa của làng…
Truyền ngôn, khi chọn được đất dựng đình, các bậc cao niên làng La Vanh “hô hào” con cháu, người góp của, người hưng công đào đất lập nền, đắp móng dựng ngôi đình. Đình lúc đầu dựng lên nhỏ và đơn sơ, nhưng lạ thay cứ dựng xong đình thì cuồng phong nổi lên, nước từ thượng nguồn đổ về xoáy vào đất xô đổ ngôi đình. Dựng đi, dựng lại mấy lần đều không được. Dân làng lập đàn cầu cúng thánh thần phù hộ. Đêm ấy, trời nổi giông gió, một cụ già trong làng nằm mộng chiêm bao thấy có vị thần đầu râu tóc bạc cưỡi mây đến cười mà nói rằng: “Đất thiêng dựng đình phải cúng tế chu đáo, hưng công lớn, quy mô đường bệ mới dựng thành”. Nói rồi vị thần biến mất. Tỉnh giấc, cụ già thuật lại giấc chiêm bao cho mọi người trong làng nghe. Các bậc cao niên họp bàn phải chuẩn bị gỗ dựng đình bề thế xứng với thế đất hưng long. Làng cử người đi khắp nơi vận động công đức, tìm mua gỗ quý dựng đình. Nhiều năm qua đi, làng đã chuẩn bị đủ gỗ quý dựng đình là loại gỗ lim ngàn năm tuổi trên núi cao mang về ngâm kỹ ở hồ nước trước làng. Khi chuẩn bị đủ gỗ, gạch, ngói được tuyển lựa kỹ càng, mọi công việc chuẩn bị dựng đình đã xong, cụ tiên chỉ của làng cho người mang ra hai khối gỗ lim “kén thợ giỏi” làm đình. Tương truyền, làng cho mời nhiều kíp thợ về thử tài. Một sáng nọ có hai người thợ già tìm đến xin làm đình. Các cụ chỉ cho thợ hai khối gỗ lim và nói: làng chỉ có hai khối gỗ lim, các vị có dựng được đình không. Hai thợ già gật đầu, mỗi người nhận một khối gỗ làm đình. Cụ tiên chỉ cười thầm và hẹn ngày hai thợ già “giáp ất” làm đình. Đúng hẹn, hai người thợ già kia chẳng ai bảo ai đều mang đến mỗi người một hòm gỗ to và đem theo đám thợ mộc. Cụ tiên chỉ hạ lệnh mở hòm, mọi người trố mắt nhìn đống đồ nghề chạm, chàng, đục, vồ, cưa, sẻ… la liệt. Nhớ lời vị thần căn dặn, cho là điềm lành, cụ tiên chỉ phán rằng: Gỗ ta đưa cho các người chỉ đủ để làm dụng cụ dựng đình, âu cũng là ý trời. Thực ra gỗ lim dựng đình của làng ta đã chuẩn bị đủ, được ngâm dưới hồ nước trước mặt. Hai ngươi cho thợ của mình xuống hồ mò gỗ đem lên làm đình, sao cho hai nhóm thợ đều có số gỗ ngang bằng nhau. Mỗi người đem gỗ đi một nơi làm đình, khi nào xong đem về dựng đình. Dựng thế nào là tùy hai ngươi sao cho khớp hai phần của ngôi đình là được. Hai kíp thợ miệt mài làm khung dựng đình. Đến hẹn, hai kíp thợ hợp long ngôi đình. Kỳ lạ thay hai phần ngôi đình chạm lõng, bong kênh, “tùng mai trúc cúc…” tinh xảo khớp trùng không sai một ly. Chỉ có điều khi đặt “thụ trụ thượng lương” lại thiếu mất xà nóc, tìm mãi mà không có gỗ. Đêm ấy trời bỗng nổi giông gió, mây đen kéo về, mưa xối xả. Sáng ra, người dân làng La Vanh nhìn thấy hồ nước trước làng có cây gỗ lim già trôi từ thượng nguồn qua sông Cái (sông Hồng nay) cứ xoáy tròn, trên cây gỗ có con gà trằng đậu mà không bay, người dân lấy sào đẩy khúc gỗ ra xa, khúc gỗ lại xoáy trở lại. Thấy điềm lạ, các bậc cao niên trong làng lập đàn cầu đảo. Quả nhiên cây gỗ không xoáy nữa mà trôi dạt vào sát làng, người dân liền hò nhau đưa cây gỗ lên bờ xẻ làm xà “thượng lương” cho ngôi đình. Đình dựng thành công và có tên là “đình Cây Trôi” từ đấy. Vì có con gà trắng đậu trên cây gỗ, dân làng cho là hồn vía của Hùng triều danh tướng Đỗ Phụng Trân nên thờ làm thành hoàng. Đôi câu đối cổ: “Công đức lưu truyền thiên cổ niệm/Thạch bi ký giám ức niên hương”, tạm dịch là: “Công đức lưu truyền ngàn năm còn nhớ/Bia đá khắc ghi muôn thuở tiếng thơm để lại”.
Trở lại với ngôi đình mới phục dựng, cựu binh thời kháng chiến chống thực dân Pháp Đặng Văn Khính, 84 tuổi, thôn Nam Long, xã Tự Tân nét mặt rạng ngời không giấu được niềm vui dẫn tôi ra chiêm ngưỡng tòa đại bái đình Cây Trôi vừa được phục dựng lại bằng xi măng, cốt thép tuy không trầm mặc, cổ kính như xưa nhưng sự hiện hữu của ngôi đình là niềm tự hào, niềm vui bất tận của người dân làng La Vanh, La Giang, La Điền và nay là Nam Long. Với ông Khính, đình Cây Trôi không chỉ là kỷ niệm tuổi thơ trong ký ức mà còn là chứng nhân lịch sử một thời hùng oai của dân tộc. Tháng 9/1945 (thế kỷ XX) ông Khính súng sính trong bộ quần áo nâu sồi cùng cha mình ra đình Cây Trôi dự mít tinh mừng Quốc khánh và đầu tháng 1/1946, đình Cây Trôi lại là nơi tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Rồi đến những năm đầu thập kỷ 50, những binh đoàn lính Âu - Phi của thực dân Pháp từ bốt Tân Đệ, bốt cầu Nhì liên tục càn vào làng kháng chiến La Điền, chúng kéo nhau vào đình Cây Trôi trú ẩn, lục soát dân làng, lấy đình làm mục tiêu tấn công các xã xung quanh. Tết Nguyên đán năm ấy, giặc Pháp lại kéo vào làng, chúng đem theo nhiều súng đạn tập kết tại đình để khủng bố phong trào cách mạng của nhân dân. Thấy giặc Pháp trú ẩn tại đình, trung đội du kích thôn La Điền, trong đó có ông Khính đã cử người “nhử” địch ra khỏi đình bằng cách cử chiến sĩ cảm tử ném lựu đạn kéo địch ra để chúng đuổi theo hòng bắt sống, nhưng chúng không ngờ trận địa mìn đã giăng sẵn ngoài cánh đồng, lính Âu - Phi không thông thuộc địa hình đã sa bẫy. Trận địa mìn nổ tung giết chết hàng chục lính Âu - Phi khiến chỉ huy trận càn của địch điên cuồng trả thù. Chúng tràn vào làng bắt bớ người dân vô tội đem ra đầu đình bắn chết. 14 người dân vô tội của làng đã bị chúng sát hại, chúng còn phóng hỏa đốt đình khi rút lui. Kể lại ký ức đau thương, mắt người cựu binh già ứa lệ, những giọt lệ đặc quánh lăn trên gò má nhăn nheo dấu vết thời gian.
Cựu chiến binh Cao Quốc Bảo, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Nam Long, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư Cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Tự Tân” đã ghi nhận: “Đình Cây Trôi là chứng nhân lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thể hiện tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, ý chí kiên cường, bất khuất của người dân xóm Đình (nay là thôn Nam Long)…”. Hai trụ biểu tòa đại bái ngôi đình có đôi câu đối: “La Giang nguyên khiết vân phong mệnh/Điền thử thư lai tử tiến canh”. Dịch là: “Sông nước làng La Giang trong xanh, mây gió hiền hòa/Ruộng đất nơi đây màu mỡ, thư thả làm ăn sẽ phát triển”. Cựu chiến binh Đặng Văn Khính, trưởng ban trị sự đình Trong (Cây Trôi), thôn Nam Long, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư Ông Trần Ngọc Liên, Trưởng thôn Nam Long, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư Khi phục dựng lại đình Cây Trôi khang trang như ngày hôm nay, trước cấm cung của đình còn là hội trường thôn Nam Long. Cấp ủy, chính quyền thôn Nam Long đã họp bàn nhân dân quyết định di rời hội trường về địa điểm khác, trả lại đất cũ xây dựng đình mới. Sau 15 tháng thi công, được sự ủng hộ, phát tâm công đức của con cháu làng La Vanh, La Giang, La Điền và quý khách thập phương, đình Cây Trôi đã hoàn thiện cơ bản. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng