Thứ 2, 20/05/2024, 20:06[GMT+7]

Mưa xuống đền thiêng

Thứ 2, 09/09/2019 | 10:14:40
3,341 lượt xem
Tương truyền, ấp Mụa (phương ngữ cổ gọi mía là mụa) thuộc làng Vạn Đường, huyện Đa Dực (thời nhà Lý thế kỷ XI), nay là làng Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ có nhiều gò đống cao, dân quanh năm trồng mía bởi “hiềm nỗi” các làng xung quanh mưa “thối đất” mà làng Vũ Hạ chỉ “lác đác mưa rơi”. Ước vọng có cuộc sống ấm no nên người dân làng Mụa khát khao “trời đổ của” cho đất liền đặt tên làng là “Vũ Hạ” nghĩa là mưa rơi...

Cụm đền chùa Linh Thiêng cổ tự thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại làng Vũ Hạ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ).

Nằm trong “vòng tay ôm ấp” của những con sông như Luộc, Hóa, Đào Động, Diêm Hộ... mà các địa danh Am Qua (An Đồng); Đại Nẫm (Quỳnh Thọ); A Sào, Mễ Thương (An Thái), ấp Mụa (Vũ Hạ, An Vũ)... trở thành đại bản doanh của An Sinh Vương Trần Liễu sau là phòng tuyến quân sự nhà Trần do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy tuyến thủy bộ phục vụ các cuộc chinh chiến chống giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII. 

Làng Mụa cách Mễ Thương (kho gạo của quân đội nhà Trần) và bến A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) nơi voi chiến của Hưng Đạo Vương sa lầy khi đoàn quân vượt sông Hóa trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285 khoảng 5km. Làng Mụa có truyền thống văn hóa, văn hiến truyền đời, trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dân làng Mụa có nhiều đóng góp quan trọng vào chiến công oanh liệt Bạch Đằng Giang của quân đội nhà Trần. 

Truyền ngôn rằng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã hạ trại ở đầu làng Mụa khao quân sĩ trước khi vượt sông Hóa tiến đánh quân giặc Nguyên Mông. Cây đa Quán đầu làng Vũ Hạ được truyền ngôn là nơi buộc voi chiến của Hưng Đạo Vương. Địa danh xóm Quán cũng từ đó ghi dấu ấn đồn trú của quân đội nhà Trần những năm 1285 - 1288 và để khắc ghi ơn sâu, nghĩa nặng của Hưng Đạo Vương dân làng Mụa đã dựng đền thờ tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Trần.

Trong chuyến điền dã vùng đất Phụ Phượng (một trong tứ cố cảnh triều Lý) tìm hiểu về phòng tuyến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII và công cuộc “hưng nông” nhằm mở mang, phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp thời nhà Mạc thế kỷ XVI, nhóm nghiên cứu chúng tôi có dịp ghé thăm đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (dân gian gọi là đền Trần Vũ Hạ hay đền Quán) thuộc thôn Vũ Hạ, xã An Vũ. 

Các bậc cao niên trong làng kể lại, đầu những năm 1950 (thế kỷ XX), quân Pháp đóng ở bốt Từ Hạ (nay thuộc xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ), vào một ngày đầu năm mới, khi hương vị tết Nguyên đán còn vương vấn, nhận tin của việt gian báo có bộ đội và du kích (Việt Minh) từ vùng tự do “về làng” hoạt động, đang trú ẩn tại đền Trần, lập tức chúng nã pháo hủy diệt ngôi đền. Đền bốc cháy dữ dội, những cột gỗ lim vài người ôm cháy rực trời như những cây đuốc khổng lồ, dân làng lao tới dập lửa bất chấp đạn pháo giặc Pháp nổ đinh tai, nhức óc. Đền cháy, toàn bộ “kho tư liệu Hán Nôm” khắc ở bia đá, hoành phi, câu đối, đại tự...nơi đền thiêng đã bị thiêu rụi. 

Các bậc đại lão kể trước khi đền bị giặc Pháp bắn phá, cụ Bá Châu (Nguyễn Như Châu 1868 - 1950), bậc tiên chỉ của làng, người có nhiều công lao gìn giữ, tôn tạo ngôi đền thiêng trước khi quá cố chỉ kịp “trăn trối” mấy điều về ngôi đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng nỗi niềm mong mỏi con cháu trong làng cố gắng gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đền. 

Sau này cụ Nguyễn Đỗ Lục cháu nội của cụ Bá Châu, nguyên là cán bộ hưu trí (đã mất) còn ghi lại được “đôi chút” lược sử ngôi đền. Vào năm đầu thế kỷ XX, do quy mô ngôi đền thiêng thờ Đức Thánh Trần nhỏ và xuống cấp nghiêm trọng bởi phong hóa của thời gian cùng sự tàn phá của giặc dã, làng quyết định họp hội đồng kỳ mục tôn tạo ngôi đền thiêng. Hội đồng kỳ mục của làng thống nhất cao đã cho người đi “thỉnh” cụ Cửu Thuyết một nghệ nhân nức tiếng tài nghệ điêu khắc ở làng chạm bạc Đồng Xâm về làng trực tiếp nghiên cứu địa hình, thiết kế và thi công tôn tạo ngôi đền. Với tài nghệ và kinh nghiệm xây dựng lăng tẩm, đình, đền, miếu... cụ Thuyết từng được triều đình Huế phong chức “cửu phẩm” về kiến trúc ở kinh thành Huế (nên dân gian gọi cụ là Cửu Thuyết) đã tập hợp các ý tưởng kiến trúc của các đền, miếu nhỏ trong làng và khu vực lân cận thờ Đức Thánh Trần tổng hòa thành một ngôi đền nguy nga, tráng lệ. 

Theo ghi chép, ngôi đền được xây dựng kết hợp giữa nghệ thuật kiến trúc “xỉ mật vữa vôi” và “chạm mộc”, nghĩa là kiến trúc vòm cuốn xây bằng gạch vữa vôi xỉ mật kết hợp kiến trúc tạo tác bằng gỗ (gỗ lim) mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Hai bên đền có tháp cao để treo chiêng (khánh) và trống; giữa là một lầu cao để tưởng niệm Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Năm 1933, trong dịp cải tạo hương thôn, tiên chỉ của làng là cụ Bá Châu đã bỏ tiền hưng công xây dựng hai dãy nhà gỗ lim hai bên ngôi đền làm trường học, gọi là “hương sư” nhằm mở mang kiến thức cho con cháu trong làng. Cụ Bá Châu thân chinh đi mời thầy giáo Bạt, một đồ Nho nổi tiếng ở phủ Thiên Trường về dạy học. Lúc đầu “hương sư” chỉ nhận dạy con em trong làng, về sau “tiếng lành đồn xa” con em dân nghèo ở các làng như Vọng Lỗ, Bất Nạo, Đông Địa Linh, Phong Xá, Vạn Phúc... đến xin học. Thấy “hương sư” phát huy hiệu quả, quan tri huyện Phụ Dực đã cử thêm thầy giáo về trường truyền bá chữ quốc ngữ cho con em trong làng Vũ Hạ nói riêng và các làng lân cận nói chung. Nhờ có “hương sư” nên con em làng Vũ Hạ sớm biết chữ, dần nổi tiếng trong giới nho sĩ và được người trong thiên hạ thán phục. 

Tương truyền vì sự nổi tiếng đó mà thầy đồ làng Vũ Hạ được mời đến dạy học ở làng Kỳ Trọng, tổng Kỳ Trọng (nay thuộc xã Đông Hà, huyện Đông Hưng). 

Chuyện kể rằng một hôm lớp học sắp mãn khóa thì trời đổ mưa, học trò phải lưu lại, thấy vậy, thầy đồ làng Vũ Hạ ra vế đối: “Lất phất mưa rơi làng Vũ Hạ”. Thầy vừa đọc xong thì học trò Hoàng Kỳ, người làng Phong Lôi liền đối: “Ầm ì sấm động đất Phong Lôi”. Vũ Hạ nghĩa là mưa rơi được đối bởi Phong Lôi là gió và sấm sét, ý chỉ trời có mưa. Vế đối rất chuẩn, thầy đồ vui vẻ tiễn học trò ra về.

Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo làng Vũ Hạ mở hội hàng năm vào ngày 20 tháng 8 âm lịch, trùng ngày khai hội đền Đồng Bằng, xã An Lễ (đền Vua Cha Bát Hải Động Đình) đồng thời trùng ngày kỵ giỗ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. “Tháng Tám giỗ Cha...” ý chỉ ngày kỵ giỗ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20 tháng 8 âm lịch đã in sâu vào tâm thức người dân làng Vũ Hạ nói riêng và người dân Quỳnh Phụ nói chung.

Ông Phạm Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ

Sau thời điểm giặc Pháp bắn phá đền Đức Thánh Trần những năm đầu thập kỷ 50 nhưng phải đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã An Vũ, sự quyết tâm của chi ủy, chính quyền và con em nhân dân thôn Vũ Hạ cùng những tấm lòng hảo tâm của quý khách thập phương... đền Đức Thánh Trần đã được tôn tạo, xây dựng lại uy nghi. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã An Vũ luôn tạo điều kiện tốt nhất trong quy hoạch diện tích đất xây dựng cụm di tích đình Vũ Hạ, đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Linh Thiêng cổ tự...phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nhà nghiên văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch

Trong quá trình nghiên cứu, thu thập tài liệu về văn hóa dân gian của làng Vũ Hạ như nghệ thuật hát tuồng, hát chèo, tục kể vè, trò chơi đánh gậy... trong thời gian những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX tôi có dịp được tiếp kiến các bậc cao niên trong làng tận tâm với việc xây dựng đền Đức Thánh Trần (hay còn gọi là đền Vũ Hạ) như ông Hỷ, bà Mến, ông Lẫy, ông Oanh, ông Thường... cùng nhiệt tâm của bà con nhân dân làng Vũ Hạ đã tôn tạo dựng xây thành công ngôi đền tưởng nhớ công đức Hưng Đạo Vương.

Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Trong hệ thống phòng tuyến quân sự nhà Trần thế kỷ XIII, cùng với Am Qua (An Đồng), Đại Nẫm (Quỳnh Thọ), Mễ Thương, A Sào (An Thái)... ấp Mụa (nay là làng Vũ Hạ) có địa thế quân sự vững chắc, dựa vào các con sông bao quanh làng thành phòng tuyến quân sự đã được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn triệt để khai thác làm giao thông và rèn luyện đội quân thủy bộ góp phần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.


Quang Viện 

  • Từ khóa