Thứ 3, 21/05/2024, 00:06[GMT+7]

Mẫu thần Đông Quách

Thứ 2, 14/10/2019 | 10:50:02
5,403 lượt xem
Truyền ngôn Phúc thần thờ trong hậu cung đình Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải là các Mẫu thần (Tứ vị Đại càn Thánh nương) nên các “Mẫu” luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu được nguyện vọng của nhân dân trong vùng đặc biệt là những thân phận “liễu yếu đào tơ”, vì thế bất kể ai hễ là “đàn bà con gái” đến đình cầu nguyện sẽ linh ứng, Mẫu sẽ cho “cầu được, ước thấy”…

Hàng trăm năm nay làng Đông Quách vẫn duy trì đội tế nam quan, nữ quan thực hành các nghi lễ tế lễ Thượng đẳng thần.

Là vùng đất giáp biển, nằm trong hạ lưu sông Hồng, sông Trà Lý, hình thành muộn so với nhiều địa phương khác của tỉnh Thái Bình, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải có địa hình thấp (tính so với mặt nước biển) nhưng cảnh quan, môi trường còn khá nguyên sơ và trong lành. Đình Đông Quách được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 83/2006/QĐ-BVHTT ngày 11/10/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đình còn lưu giữ được nhiều sắc phong của triều Nguyễn qua các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định phong cho nhân dân thờ phụng các vị thần trong đình. Đáng chú ý năm 1850 vua Tự Đức sắc phong “Tứ vị Thánh nương” (Tứ vị Đại càn Thánh mẫu) là Thượng đẳng thần sắc cho dân làng Đông Quách phụng thờ và hiện dân làng Đông Quách vẫn đang thờ chính Thượng đẳng thần trong hậu cung của đình. Sau này, dân làng có rước chân nhang Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ phối thờ tại đình.


Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng trong tín ngưỡng của người Việt nói chung đã có khuynh hướng ảnh hưởng của Đạo mẫu Trung Hoa khá rõ, cụ thể ở đình Đông Quách thờ “Tứ vị Đại càn Thánh nương” hay “Tứ vị Hồng nương” được ghi chép trong sử sách (còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm) và được các vương triều phong kiến sắc phong, được truyền ngôn trong dân gian và được coi sóc thờ phụng ở rất nhiều đình đền cửa biển từ Bắc vào Nam. “Tứ vị Đại càn Thánh nương” thực chất là Hoàng Thái hậu và ba công chúa nhà Nam Tống chết trên biển Đông trôi dạt vào cửa biển Đại Việt ta, tục thờ “Tứ vị Đại càn Thánh nương” cũng thể hiện nét riêng có đặc trưng nhân văn của người dân miền biển Nam Hà, Tiền Hải. Trong chuyến điền dã về làng Đông Quách tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân ven biển, tôi được ông Nguyễn Kim Dung, nguyên trưởng thôn Đông Quách, người đã dành nhiều thời gian và công sức sưu tập, ghi chép các truyền thuyết, thần phả, ngọc phả của đình Đông Quách dẫn đi tham quan ngôi đình Đông Quách nơi thờ “Tứ vị Đại càn Thánh nương”. Theo các khảo cứu và thần phả của đình chép: “Phu nhân họ Triệu là công chúa đời Nam Tống. Ba mẹ con, phu nhân là út. Thời Nguyên Tống phân tranh, trong lúc nguy cấp, ba mẹ con phu nhân bám được vào một tấm ván thuyền và trôi dạt đến một ngôi chùa thờ Phật bên bờ biển. Nương nhờ ở cửa chùa mấy tháng, sư chùa thích thú đến cầu thân nhưng phu nhân thủ tiết kháng cự lại, sư chùa tự thấy xấu hổ bèn nhảy xuống biển tự tử. Mẹ con phu nhân thấy sư chùa vì mình mà chết nên cùng nhảy xuống biển tự vẫn. Xác trôi đến cửa Cờn thuộc Diễn Châu của Đại Việt thì dạt vào bên bờ. Người địa phương ra xem thấy thân thể chẳng bị hư tổn gì, dung mạo vẫn như người sống thì lấy làm kinh dị cho là thần, bèn bảo nhau đắp thành phần mộ và lập đền thờ. Đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng tế. Đây là vị phúc thần anh linh nhất ở Nam Hải vậy”.  Cũng theo truyền thuyết dân gian “Tứ vị Đại càn Thánh nương” là bốn vị thần phù hộ người đi biển, có nguồn gốc xuất thân là Tống Thái hậu và ba Hoàng phi thời Nam Tống ở Trung Hoa. Năm 1279, khi quân Mông Cổ xâm lược và diệt Nam Tống tại trận Nhại Sơn (Quảng Đông, Trung Hoa), “bốn Thánh bà” nhảy xuống biển tự tử, xác tấp vào cửa Càn ở Nghệ An nay. Nhân dân ở vùng biển Nghệ An đã cùng nhau chôn cất, lập miếu thờ và phụng thờ “bốn Thánh bà” trang nghiêm, xem như là thần phù hộ cho ngư dân địa phương sinh sống bằng nghề đi biển. Đình Đông Quách còn đôi câu đối cổ ghi:


Truyền nha nhất nhật thiên vô Tống
Đông Quách thiên thu địa hữu thần


(Đại ý là khi nhà Tống (Nam Tống) bị quân Nguyên Mông tiêu diệt trong một ngày, Hoàng Thái hậu và ba công chúa tuẫn tiết trên biển, Đông Quách là nơi nghìn năm phụng thờ Thượng đẳng thần).
Tương truyền, lúc Nguyễn Ánh (chúa Nguyễn) bị quân Tây Sơn truy đuổi trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút vào tháng Giêng năm 1785, khi đoàn tàu chở Nguyễn Ánh chạy tới đoạn sông Tiền (Tiền Giang) giao với cửa sông Chợ Gạo (Nam Bộ) tạo thành vàm sông rộng, nước sâu và hai bên um tùm các rặng bần và dừa nước, bỗng nhiên giông gió nổi lên làm gãy cánh buồm trên tàu của Nguyễn Ánh. Trong lúc bấn loạn, bỗng trong đoàn quân tùy tùng Nguyễn Ánh có người quỳ xuống sàn thuyền, ngẩng mặt lên trời cầu “Tứ vị Đại càn Thánh nương” phù hộ cho qua cơn nguy khó. Lạ thay, lời cầu nguyện vừa dứt thì ngay lập tức dòng nước Tiền Giang đổi chiều, đẩy mạnh đoàn thuyền của Nguyễn Ánh chạy thẳng hướng ra biển Cửa Tiểu, quân Tây Sơn không truy đuổi kịp. Từ đó, tiếng đồn về sự linh ứng của “Tứ vị Đại càn Thánh nương” lan truyền trong dân gian. Lý giải tại sao các vua triều Nguyễn đều chú ý sắc phong “Tứ vị Đại càn Thánh nương” cho nhân dân các vùng cửa biển thờ và đặc biệt hơn khi vua Tự Đức phong “bốn Thánh bà” là Thượng đẳng thần, sắc phong cho đình Đông Quách phụng thờ. Theo các bậc cao niên của làng Đông Quách truyền lại, lúc đầu đình Đông Quách được tạo dựng để thờ Thành Hoàng làng nhưng khi có sắc phong của vương triều Nguyễn, đặc biệt vua Tự Đức (năm 1850) sắc phong cho “Tứ vị Đại càn Thánh nương” là Thượng đẳng thần, cùng với sự hiển linh của Thần Hoàng, với lòng cung kính nhân dân làng Đông Quách một mặt vẫn đề cao oai linh của Phúc thần đồng thời cung kính thờ “Tứ vị Đại càn Thánh nương” theo chủ ý của Triều đình nhà Nguyễn và vẫn giữ tập tục truyền thống của đình làng.


Khảo tả kiến trúc đình Đông Quách được xây dựng theo kiểu “Tiền chữ nhất, hậu chữ công”. Từ bên ngoài vào tòa bái đường 5 gian; 3 gian tòa trung tiếp đến là 2 gian ống muống nối với 3 gian hậu cung. Tổng số toàn bộ ngôi đình là 13 gian. Tòa bái đường của đình có quy mô 5 gian được xây dựng theo kiểu thức “hồi văn năm đấu”. Phần mái có “kìm đại bờ đấp trụ đấu” và hai đầu hồi phần hiên tiếp đắp “thụ biểu hoa giành giành lồng đèn”. Chái hai hồi đình trang trí “chỉ ô sa” và chữ ô chữ thọ dạng hán tự. Đình được thiết kế theo kiểu “tứ trụ lòng thuyền” khung bằng gỗ lim, bốn vì kèo giữa đình được chạm trổ tinh vi tứ linh tại các cốn tiền và cốn hậu, phần rốn nhện và má câu đầu của bốn cặp vì kèo đều chạm rồng đỡ cây thượng lương, đôi lân giơ chân cho rồng tỳ vào nâng đỡ sức nặng của mái đình. Mặt bên trái của mảng cốn này chạm hoa văn họa tiết “kỷ hà lá lật”, 8 đầu dư chạm đầu rồng các ghé đỡ, bẩy hiên tiền và bẩy hiên hậu chạm trổ nội dung tứ quý và tứ linh. Kiến trúc tòa điện trung tế 3 gian làm theo kiểu hồi văn 3 đấu. Nội thất làm theo kiểu lộn thềm, kết cấu kéo: “Thượng chúa báng, hạ kẻ chuyền” xà vượt và các câu đầu đều soi chỉ gờ má trai bào trơn đóng bén. Kiến trúc tòa điện ống muống nối tòa trung tế với hậu cung 2 gian nhà làm theo kiểu kéo cầu quá giang vượt. Các vì kèo làm theo kiểu thượng quang đèn, hạ kẻ chuyền. Kiến trúc tòa điện hậu cung được làm theo kiểu hồi văn cách bản. Gian trung tâm nối liền với gian ống muống. Phần mái điện cuốn vòm và dán ngói cổ vảy rồng.

Ông Nguyễn Kim Dung, nguyên Trưởng thôn Đông Quách, thành viên ban quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải

Sinh ra và lớn lên ở làng Đông Quách, tuổi thơ tôi gắn với lễ hội đình. Giờ tuổi đã xế chiều, tôi dành nhiều thời gian sưu tầm, bổ sung tài liệu khảo cứu về đình và các nghi lễ thờ phụng Thượng đẳng thần “Tứ vị Đại càn Thánh nương”. Đáng chú ý mỗi khi đến lệ cúng đình, nội dung cung thỉnh đầu tiên trong văn tế thường đọc lên là tên “Tứ vị Hồng nương Thượng đẳng thần” khẳng định Phúc thần thờ trong đình là thánh mẫu.

Ông Nguyễn Mạnh Sóc, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải

Đình Đông Quách có giá trị nghệ thuật kiến trúc chạm khắc gỗ thời Nguyễn còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhiều hạng mục kiến trúc đang xuống cấp, đặc biệt là mái ngói ủ dột nhiều. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện kinh phí trùng tu, tôn tạo ngôi đình lưu lại cho hậu thế.

Ông Nguyễn Thái Hòa, thủ từ đình Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải

Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện để tu bổ, tôn tạo ngôi đình gìn giữ cho các thế hệ đời sau. Rất mong du khách thập phương có lòng hảo tâm cúng tiến nhằm tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đình Đông Quách cho muôn đời sau.


Quang Viện




  • Từ khóa