Thứ 6, 26/04/2024, 10:25[GMT+7]

Tứ long đình Lập Bái

Thứ 2, 28/10/2019 | 08:31:51
5,463 lượt xem
Cách làng Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà nơi đặt đại bản doanh Thụy Thú, trang Diên Phúc, đạo Sơn Nam trong cuộc trường chinh dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh (944 - 968) khoảng 2km là trang Cổ Sách, tổng Lập Bái, nay là thôn Lập Bái, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà địa danh tiền đồn của Doanh đầu, nơi “Tứ vị công thần khai quốc” nhà Đinh luyện quân đánh bại sứ quân Đằng Châu Kiều Công Hãn.

Nhà văn hóa thôn Lập Bái được xây dựng ngay trên nền ngôi đình cổ xưa thờ tứ vị đại thần khai quốc triều Đinh.

Sử cũ chép: “Thời vua Lý Thái Tổ sự nghiệp Cổ Pháp nhà Lý cơ ngơi ổn định, nhà vua thấy các ngài ở đây tận trung với nước, tận hiếu với dân, đầy rẫy trung chính, cần mẫn nên Lý Thái Tổ đã gia phong ban tặng mỹ tự “Thượng đẳng, đại vương phúc thần” và khuyến cáo người đời sau: “Làm bề tôi cần như các ngươi đây”.

Cách đây hơn 2 năm, nhân dịp đầu xuân 2017, tại cố đô Hoa Lư, đoàn công tác Báo Thái Bình được Ban biên tập Báo Ninh Bình dẫn tham quan một số di tích lịch sử văn hóa đất Tràng An trong chuỗi liên kết vùng Tràng An - Kỳ Bố Hải Khẩu thời Đinh Bộ Lĩnh nương nhờ sứ quân Trần Lãm dẹp loạn 12 sứ quân, thống lĩnh sơn hà, tôi có dịp tiếp cận với nhiều tài liệu, hiện vật, di chỉ khảo cổ liên quan đến các công thần khai quốc nhà Đinh được các triều đại phong kiến sắc phong “Thượng đẳng thần” phụng thờ ở nhiều đình, đền, miếu, tự... 

Mới đây tôi tìm về làng Lập Bái, xưa là Cổ Trang, tổng Lập Bái, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Lập Bái, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà) với mong muốn có thể tìm được dấu tích huân lao của “Tứ vị Đại thần” triều Đinh (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Phạm Thành) sau đó được các triều đại sắc phong “Thượng đẳng thần” và thờ ở đình làng. Nhưng đáng tiếc, ngôi đình Lập Bái đã không còn, hình bóng chỉ nhạt nhòa trong trí nhớ của các bậc cao niên trong làng và ghi chép trong một số thư tịch cổ, đình có kiến trúc gỗ độc đáo, to và đẹp, thờ Phúc thần (Thành hoàng làng) là “Tứ vị Đại thần” triều Đinh có công lao dẹp loạn 12 sứ quân. Trước năm 1954, đình Lập Bái bị giặc Pháp bắn phá hư hỏng nặng và đình bị dỡ bỏ hoàn toàn vào những năm 70 của thế kỷ XX. 

Truyền ngôn rằng, sứ quân Trần Lãm qua đời, Đinh Bộ Lĩnh là con nuôi Minh Công đã nắm quyền chỉ huy sứ quân Kỳ Bố Hải Khẩu, một lần ông cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú đi dò xét sứ quân Đằng Châu (Hưng Yên nay), đến trang Cổ Sách thì trời tối, mưa gió mịt mùng. Bốn vị tướng quân phải vào ngủ trọ trong chùa Cổ Sách. Đêm ấy, 3 người con trai gia đình họ Phạm trong làng chiêm bao thấy bầu trời lóe sáng ba vị tinh tú rồi một đám mây vàng như chiếc lọng bay qua. Tỉnh giấc, nghĩ có hiển thánh trong chùa, 3 chàng trai họ Phạm đang đêm đến chùa và nhìn 4 người nằm ngủ, thấy bóng rồng vàng phủ lên trên một người, bên cạnh có 3 người. Nghe tiếng bước chân, 4 vị tỉnh giấc, 3 anh em họ Phạm cho là hiển thánh vội quỳ lạy. Người có bóng rồng vàng phủ trên thân hình chính là Vạn thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, 3 anh em dập đầu xin theo Đinh Bộ Lĩnh. Truyền ngôn, nhận 3 anh em họ Phạm làng Lập Bái xong Đinh Bộ Lĩnh liền đem quân đến lập căn cứ ở Lập Bái để ngăn chặn sự tấn công của sứ quân Phạm Phòng Ất từ Châu Đằng đánh sang. Cũng từ vị trí tiền đồn Lập Bái, sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đã tiến lên thượng nguồn sông Hồng đánh chiếm được Châu Đằng, lúc này cách Lập Bái không xa là trang An Việt (Việt Yên, Điệp Nông) có 4 anh em họ Trịnh phò giúp Đinh Bộ Lĩnh tổng lực đánh chiếm thành công Châu Đằng, chém đầu Kiều Công Hãn. 

Sử cũ ghi, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tại vị không lâu thì năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Thế tử Đinh Liễn bị sát hại, nghi can là Chi hậu Nội nhân Đỗ Thích. Trong lúc triều đình bấn loạn, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn liền đưa Vệ Vương Đinh Toàn (6 tuổi) lên ngôi Vua, phong Dương Vân Nga (mẹ Đinh Toàn) làm Hoàng Thái hậu. Vì “Ấu chúa” mới 6 tuổi nên Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga “sủng ái” phong làm Phó Vương nhiếp chính. Vụ việc xảy ra quá nhanh khiến Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú (là trung thần của Đinh Tiên Hoàng) nghi ngờ cho rằng Lê Hoàn có ý soán cướp ngôi. Các trung thần phù Đinh động binh chống lại Lê Hoàn. Đầu tiên là Phạm Thọ, Nguyễn Bặc, Phạm Thành, Đinh Điền đem bản bộ cự chiến, nhưng không ngờ các quan lớn, nhỏ triều chính đã đi theo Lê Hoàn. 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Đinh Tiên Hoàng thống nhất bờ cõi, dùng bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc làm người phò tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội”. Thực chất, quân đội Lê Hoàn sử dụng để đánh dẹp “Tứ vị Đại thần” chống Lê Hoàn lại là đội quân kinh qua trận mạc do chính các đại thần xây dựng, rèn luyện. 

Theo thần phả đền vua Đinh: “Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng chia Nội giáp trong kinh thành giao cho Định Quốc Công Nguyễn Bặc phụ trách dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vua gọi là “Nội thông vạn cơ” (bên trong thông giữ muôn việc cơ mật) cùng với việc phong Đinh Điền là Ngoại giáp cai quản mọi việc bên ngoài…”. Còn đền thờ Định Quốc công ở Gia Viễn (Ninh Bình) có câu đối: “Quải thụ khởi vô tình” (treo ấn há vô tình) để khắc thờ Định Quốc công nghĩa là “Treo ấn không vô tình, mắt giận Lê Hoàn nhòa ánh nhật” tạm hiểu là “Nguyễn Bặc khởi binh đánh Lê Hoàn không phải vị kỷ, lòng đau Đinh nghiệp ngút trời sương”. 

Có tài liệu ghi rằng Đinh Điền trọng thương phải tung tin là tử trận mới thoát về căn cứ Đằng Man (thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên ngày nay). Trước khi về đến Đằng Man, Ngoại Giáp Đinh Điền nương náu ở Lập Bái và được dân làng nghênh đón như anh hùng, chăm sóc vết thương cho Đinh Điền. 

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “…việc khởi binh ấy không phải là làm loạn mà là một lòng phò tá vua Đinh, đánh Lê Hoàn không được mà chết đấy là đúng chỗ”… “bề tôi trung nghĩa, làm không xong việc mà chết, ấy là bề tôi tử tiết”. Do vậy, đình Lập Bái được dân làng dựng lên phụng thờ Đinh Điền, Nguyễn Bặc… là “Thượng đẳng thần” trung liệt. 

Lúc chưa bị phá, đình Lập Bái còn bức đại tự: “Trung quán nhật nguyệt” (Lòng trung xuyên suốt mặt trời) ý chỉ bốn vị trung thần một lòng phò giúp vua Đinh. 

Sử cũ cũng chép, khi Lê Hoàn lên ngôi vẫn cảm phục Đinh Điền đã sắc phong ông làm: “Tế thế Hộ quốc Hiển ứng Linh quang Đại vương”, phu nhân Đinh Điền là Phan Môi Nương cũng được sắc phong là: “Huệ Hoa Gia Tĩnh Trinh Thục phu nhân”. Đến thời nhà Lê, Lê Thái Tổ sắc phong cho Đinh Điền là “Thượng đẳng Vạn cổ Phúc thần Trung thánh Đại tư đồ Bình chương sự Khai quốc Công đức Văn Đại vương”. Đôi câu đối cổ khẳng định việc chống kẻ cường thần, lấy cái chết đáp đền ơn sâu Đinh Tiên Hoàng của 4 vị đại thần triều Đinh là trung nghĩa, tiết liệt từng treo tại đình Lập Bái: 

Nhất phiến trung can huyên nhật nguyệt
Thiên thu chính khí tác sơn hà.
(Một tấm gan trung xuyên suốt vừng nhật nguyệt;
Nghìn thu chính khí rung động non sông) 

Ông Hà Trọng Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kim Trung, huyện Hưng Hà

Chiến tranh, đạn pháo của thực dân Pháp đã tàn phá đình, chùa Cổ Sách (Lập Bái) đồng thời hủy hoại hầu hết di sản văn hóa vô cùng quý giá về tứ vị đại thần khai quốc triều Đinh trên đất trang Cổ Sách xưa và Lập Bái nay vốn được lưu giữ bao đời. Hiện tại đất đình Lập Bái đã xây dựng nhà văn hóa. Cán bộ, nhân dân thôn Lập Bái rất khát khao được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện để xây dựng lại đình Lập Bái nhằm tiếp tục tôn thờ “Thượng đẳng thần” là tứ vị đại thần khai quốc triều Đinh.

Cựu chiến binh Lưu Văn Hỗ, 84 tuổi, thôn Lập Bái, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà

Đình Lập Bái trước khi bị dỡ bỏ hoàn toàn do hậu quả chiến tranh vốn là ngôi đình to nhất vùng với những cột gỗ lim vài người ôm. Đình được nhiều triều đại phong kiến sắc phong tứ vị đại thần trung liệt triều Đinh được sắc phong Thượng đẳng thần. Trước khi qua đời 5 cụ cựu du kích làng Lập Bái là Hoàng Duy Thiệt, Hoàng Duy Bình, Lưu Văn Trụ, Lưu Văn Nghĩa và Hà Văn Nghiễn đã cố gắng sưu tầm tài liệu, di vật của ngôi đình với mong ước các thế hệ sau cố gắng phục dựng lại đình Lập Bái…

Cựu chiến binh Hà Hữu Dự, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Lập Bái, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà

Những dấu ấn lịch sử của trang Cổ Sách và làng Lập Bái nay cũng như hình bóng ngôi đình Lập Bái thờ Phúc thần là tứ vị đại thần trung liệt triều Đinh vẫn đau đáu trong tâm khảm lớp người cao tuổi, chúng tôi hy vọng một ngày gần đây đình Lập Bái được xây dựng lại.

Quang Viện


  • Từ khóa