Thứ 2, 20/05/2024, 21:18[GMT+7]

Thượng bái Sùng Nghiêm

Thứ 2, 18/11/2019 | 09:38:49
3,036 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, thế kỷ VIII - IX, thủy cơ Bằng Trạch (nay thuộc xã An Bình, huyện Kiến Xương) vốn là vùng đất bãi ngập nước bên dòng Bạch Lãng, cách Kỳ Bố Hải Khẩu (một trong những thương cảng lớn trong toàn cõi An Nam) và thủy cơ Cự Lộng cứ địa của tướng công Trần Lãm (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) chỉ “sải cánh chim bay”.

Sùng Nghiêm tự được xây dựng lại trên nóc kho thóc dự trữ quốc gia và trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo.

Nơi đây hội tụ nhiều luồng cư dân chài lưới lập nên làng chài khá sầm uất. Làng chài Bằng Trạch nhanh chóng trở thành cát cứ của Trần Lãm được Đinh Bộ Lĩnh từ Tràng An (Ninh Bình) sang nương nhờ làm điểm tựa để dẹp loạn 12 sứ quân...

Thời vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072), vua ban chiếu đắp đê sông Bạch Lãng (Trà Lý) xuống đến tận cửa Đại Toàn (Thái Phúc, Thái Thụy nay). Thế kỷ XV - XVII, triều Lê, quá trình biển lùi cộng với sự bồi đắp của hệ thống sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý mà Bằng Trạch dần dần thành vùng đất cao, cư dân sung túc lại được chính sách của triều đình cho phép dân chài mua đất neo thuyền tránh bão, mua thổ lập nhà nên nhiều dân chài Bằng Trạch đã dần bỏ nghề đánh cá lên bờ trồng lúa nước, một số ngư dân giữ nghề chài lưới thả thuyền theo dòng Trà Lý xuống vùng Văn Chàng, Bến Trấn (Thụy Liên, Thái Thụy nay) tiếp tục làm nghề đánh bắt cá tôm và đóng tàu đi biển khơi xa.


Làng Bằng Trạch, tổng Thụy Lũng, phủ Kiến Xương xưa có ngôi chùa cổ tên Nôm là chùa Bóng, tên chữ là Sùng Nghiêm tự. Theo tài liệu khảo cứu, làng chài Bằng Trạch có tên Nôm là Bóng do vậy chùa làng được gọi nôm là Bóng, chùa nằm sát bến đò Bóng nối đôi bờ Bạch Lãng. Căn cứ địa thế lịch sử, rất có thể làng Bóng và chùa Bóng đã từng là nơi dừng chân đầu tiên của đoàn thuyền tu sĩ Ấn Độ sang truyền giáo ở nước ta sau đó mới đến Kỳ Bố Hải Khẩu. Nhóm nghiên cứu chúng tôi đã đến khu Lạc Đạo, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình vào chùa Ngàn tên chữ là Viên Quang tự xem lại câu đối cổ còn lưu giữ trong chùa:

Lạc Đạo kiến già lam sắc tướng lưu truyền Viên Quang tự
Bồ tân duyên Bố Hải phàm kinh độ Ấn Hồ tăng.

Tạm dịch là:

Dựng chốn tổ ở Lạc Đạo, sắc tướng lưu truyền ở chùa Viên Quang
Bến Bồ theo cửa Bố Hải, thuyền các nhà sư Ấn Hồ (Ấn Độ) đã qua đây.

Từ câu đối cổ của chùa Ngàn, xét về khoảng cách địa lý, thủy cơ Bằng Trạch giáp biển và chùa Bóng thời đó là vùng trũng, đầm lầy lau lách và rất có thể là “lộng” của dân chài lưới. Chữ “bến Bồ” trong câu đối cổ Viên Quang tự cũng có thể là vùng đất Bằng Trạch nay hoặc bến đò Bóng. Do lợi thế về đất đai trù mật, dân cư đông đúc lại có dòng Bạch Lãng (sông Trà Lý) chảy kế bên, cách không xa là dòng Hồng Hà nối Bố Hải khẩu với thành Thăng Long nên các thuyền bè thương lái đã từng qua bến đò Bóng tấp nập. Đi cùng với thương gia, nhiều thuyền của các đạo sĩ Ấn Độ sang truyền giáo ở xứ Giao Châu cũng vì thế mà trước khi ghé qua Lạc Đạo đã “đỗ bến” ở đò Bóng và Lạc Đạo đã trở thành trung tâm truyền giáo đạo Phật rồi từ đó các giáo sĩ Ấn Độ cùng các chuyến thuyền truyền giáo tiếp tục ngược sông Trà Lý ra sông Hồng lên phía Bắc và về thành Luy Lâu (Bắc Ninh). Truyền ngôn, chùa Bóng xưa kia nguy nga, lộng lẫy, chiều chiều chuông chùa thong thả điểm vang cả dòng Bạch Lãng lan truyền tới tận cửa biển giúp ngư dân còn dong thuyền ngoài khơi, trong lộng tìm chỗ neo đậu. Theo lịch sử Đảng bộ huyện Kiến Xương, năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, đội du kích làng Bằng Trạch được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Lới làm đội trưởng. Đội du kích đã tập hợp tại chùa Bóng để luyện tập. Thời điểm đó, Tỉnh ủy chủ trương phát triển chiến tranh du kích, nhân dân làng Bằng Trạch đào hào, đắp lũy, rào làng kháng chiến, chùa Bóng trở thành trụ sở làm việc của “Ban đốc chiến”.

 Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh đã về kiểm tra và công nhận làng Bằng Trạch là 1 trong 8 làng kháng chiến kiểu mẫu của huyện Kiến Xương. Đầu năm 1950, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Thái Bình, chúng dùng ca nô, tàu chiến hành quân trên dòng sông Trà Lý, đội du kích làng Bằng Trạch được giao nhiệm vụ theo dõi hành quân của quân Pháp và dùng súng bắn đạn ATE vào ca nô và thuyền chiến của thực dân Pháp. Trong một trận chiến giữa du kích làng Bằng Trạch với tàu chiến thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Kiển đội viên du kích đã hy sinh ngay tại cổng chùa. Tháng 2/1950, thực dân Pháp kéo quân đổ bộ vào làng Bằng Trạch, chúng xua quân đốt phá xóm làng, bắt người, hãm hiếp phụ nữ, du kích làng Bằng Trạch phối hợp với Đại đội 85 bộ đội địa phương đánh chặn các mũi tấn công của địch. Sau hơn 10 tiếng giằng co, quân Pháp rút lui. Làng xóm Bằng Trạch bị đốt phá tan hoang, đặc biệt chùa Bóng bị chúng giật mìn san bằng địa. Tháng 6/1950, xác định làng Bằng Trạch có vị trí chiến lược, thực dân Pháp huy động quân lính cùng thiết bị quân sự kéo đến làng Bằng Trạch, chúng dựng lô cốt, xây bốt ngay trên nền chùa Bóng. Quân Pháp ngày đêm lùng sục hòng tiêu diệt lực lượng du kích. Không còn cơ sở hội họp, du kích làng Bằng Trạch phải rút vào hoạt động bí mật ngoài làng, ban đêm về làng phá tề.

Do bị chiến tranh tàn phá, các thư tịch cổ của chùa Bóng đã bị giặc Pháp đốt cháy nên rất khó khăn trong việc khảo tả di tích. Về cơ bản, Sùng Nghiêm tự thờ Phật dòng Đại Thừa, cụ thể thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và các học trò của ngài. Năm 1937, đồng chí Nguyễn Văn Năng (Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Thái Bình) đã về Bằng Trạch mở lớp dạy học truyền bá chữ quốc ngữ và tinh thần yêu nước, cứu quốc, lấy chùa Bóng làm cơ sở hoạt động. Sư ông trụ trì chùa Bóng (thường gọi là sư Nuôi) có cảm tình cách mạng đã hết lòng che giấu cán bộ hoạt động bí mật. Cờ đỏ sao vàng và truyền đơn cách mạng được in và cất giấu tại chùa. Các đồng chí Trương Cừ, Phạm Đình Biên, Nguyễn Văn Thanh, Đỗ Quang Trưởng, Nguyễn Lộc… là những đảng viên đầu tiên của tổng Thụy Lũng, phủ Kiến Xương được sư Nuôi chùa Bóng bảo vệ, tạo điều kiện hoạt động cách mạng. Nạn đói năm 1945, các đồng chí Trương Cừ, Đỗ Quang Trưởng đã tập hợp quần chúng kéo đến nhà Tú Lự, một địa chủ cường hào ở làng, phá kho thóc chia cho dân nghèo cứu đói. Ngày 15/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc cổng tam quan chùa Bóng. Tại nhà tổ chùa Bóng, đồng triện, sổ sách của chế độ thực dân, phong kiến tổng Thụy Lũng được bàn giao cho cách mạng, nhà tổ cũng là trụ sở làm việc của Ban ủy nhiệm thôn Bằng Trạch. Những năm kháng chiến chống Mỹ, nền chùa Bóng được xây dựng thành kho dự trữ quốc gia. Năm 2001, kho dự trữ được trả lại đất cho nhà chùa, năm 2006, chùa Bóng (Sùng Nghiêm tự) được xây dựng lại trên nóc kho thóc và trở thành ngôi chùa độc đáo linh ứng đúng nghĩa chiết tự “Thượng bái Sùng Nghiêm”.

Ông Bùi Duy Đông, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Kiến Xương

Sau khi Dự trữ quốc gia chuyển giao mặt bằng cho địa phương, thể theo nguyện vọng của tín đồ, Phật tử và nhân dân thôn Bằng Trạch, chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại chùa Bóng, do các ngăn chứa thóc xây vòm cuốn quá chắc chắn khó phá bỏ nên chùa Bóng được xây dựng ngay trên nóc kho thóc và được công nhận loại hình di tích lịch sử văn hóa lưu niệm của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Bình, huyện Kiến Xương

Lực lượng cựu chiến binh chúng tôi luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương Bằng Trạch, An Bình, tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Văn Giúp, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Bằng Trạch, xã An Bình, huyện Kiến Xương

Thôn Bằng Trạch có số dân đông nhất trong ba thôn của xã An Bình (gần 1.500 nhân khẩu). Người dân Bằng Trạch thuần hậu, có tinh thần yêu nước, cách mạng cao. Đáp ứng nhu cầu về tự do tín ngưỡng của nhân dân, chính quyền thôn Bằng Trạch luôn tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân trong thôn, trong xã có điều kiện thực hành tín ngưỡng, tôn giáo.

Tỳ kheo Thích Nữ Đàm Hải, trụ trì chùa Bóng (Sùng Nghiêm tự) thôn Bằng Trạch, xã An Bình, huyện Kiến Xương

Tôi có duyên phước được về trụ trì chùa Bóng, được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, giúp đỡ mọi mặt, tín đồ, Phật tử trong thôn, trong xã, xa gần hảo tâm hưng công hoằng dương Phật pháp.

 Quang Viện




  • Từ khóa