Chủ nhật, 24/11/2024, 11:23[GMT+7]

Các cung điện thời Lý, Trần ở Thái Bình

Thứ 2, 16/12/2019 | 08:44:07
10,757 lượt xem
Từ năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND huyện Hưng Hà phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu kinh thành… tiến hành khai quật, khảo cổ về cung Lỗ Giang (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà).

Các hiện vật tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ học di tích hành cung Lỗ Giang tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nguồn internet.

 Sau 4 năm (2014 - 2017) tiến hành khai quật, các nhà  nghiên cứu đã thu được những kết quả khả quan khẳng định cung Lỗ Giang xưa được xây dựng trên diện tích rộng hơn 40.000m2, cung có kiến trúc hình chữ “công”. Tính chất vương quyền được thể hiện qua các hiện vật tìm thấy tại di tích. Ngày 30/11/2019, UBND tỉnh  phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu kinh thành tổ chức hội thảo khoa học. Cuộc hội thảo không chỉ có các nhà khoa học ở trong nước mà còn có các nhà khoa học Nhật Bản, Trung Quốc tham gia. Cuộc hội thảo khẳng định những thành quả đã đạt được và kiến nghị các giải pháp tiếp tục khai quật, phục dựng lại và bảo tồn di tích cho các thế hệ sau. Nhân sự kiện này tìm hiểu các cung điện thời Lý, Trần trên đất Thái Bình.

Nhiều thập kỷ qua, việc nghiên cứu lịch sử nhà Trần trên đất Thái Bình đã được các thế hệ lãnh đạo và giới nghiên cứu trong và ngoài tỉnh quan tâm. Từ thực tế lịch sử đã khẳng định: “Thái Bình là đất phát tích, đất hưng nghiệp và giữ nghiệp nhà Trần”. Mộ và đền thờ các vua Trần đã được tu bổ nhưng việc tìm hiểu về các cung điện của nhà Trần trên đất Thái Bình thì chưa được đề cập tới. Việc phát hiện, khai quật khảo cổ tại cung Lỗ Giang và hội thảo khoa học nhằm phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của cung Lỗ Giang là một việc làm mới, tạo tiền đề cho các công trình sau.

Thời phong kiến từ Lý, Trần, Lê ngoài việc xây dựng các cung điện ở kinh đô, các triều còn xây dựng các hành cung ở ngoài kinh thành làm nơi nhà vua nghỉ ngơi mỗi khi xa giá đi tuần du. Từ thời Lý, các vua Lý đã cho xây dựng hai hành cung ở Thái Bình. Năm 1038, lần đầu tiên vua Lý Thái Tông về cày ruộng tịch điền ở Kỳ Bố. Sách Việt sử lược ghi: “Mậu Dần, hiệu Thông Thụy năm thứ 5 (1038), vua ngự ra Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền”; “Năm Giáp Thìn, hiệu Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 6 (1064). Mùa xuân tháng 2 xây hành cung ở cửa biển Bố Hải (Kỳ Bố, Vũ Tiên, Thái Bình)” để đến năm sau (1065) vua Lý Thánh Tông lại ra Kỳ Bố cày ruộng tịch điền.

Tại Phù Nhân (sau là Ngự Thiên, Hưng Nhân, nay thuộc xã Hồng An, Hưng Hà) các vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đã về “xem dân làm đất, xem gieo hạt, xem gặt, xem đánh cá”. Năm 1156, vua Lý Cao Tông đã cho xây cung Ngự Thiên, có “điện Thụy Quang, gác Ánh Vân, cầu Thanh Hòa, thềm Nghi Phượng, gác Diên Phú, đình Thưởng Hoa, thềm Ngọc Hoa…”.

Thời Trần, theo ghi chép của sử sách thì nhà Trần đã xây dựng trên đất Thái Bình các cung Long Hưng, Lỗ Giang và cung Lưu Đồn.

Về cung Long Hưng, sử sách không ghi rõ quy mô rộng, hẹp và các cung điện nhưng nơi đây rất rộng, có sức chứa cả triều đình nhà Trần vì mỗi lần đánh thắng ngoại xâm, các vua và triều đình đều về bái yết Chiêu lăng. Đặc biệt, năm 1288 sau lần thứ ba đánh bại quân Nguyên Mông, ngày 17/3 năm Mậu Tý (1288) nhà Trần đã tổ chức lễ mừng thắng trận ở đây. Theo ghi nhận của sử sách thì trong lễ mừng công ấy có Thượng hoàng Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, các vương, các quan nhất, nhị, tam… thất phẩm. Nghi lễ đón rước long trọng có cờ, trống, kiệu rước, có các binh tướng trong các đạo quân thủy, bộ, đầy đủ gươm giáo. Trong buổi lễ này còn có các tướng giặc bị bắt: Tích Lệ Cơ Ngọc, nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham Chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp… các Vạn Hộ, Thiên Hộ được đưa đến quỳ dưới chân Chiêu lăng dâng lễ thắng trận.

Khi cử lễ bái yết tiên tổ, nhìn chân ngựa đá (ở lăng) bị lấm bùn do giặc đào bới định phá bỏ, vua Trần Nhân Tông đã đọc hai câu thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

(Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng)

Sau lễ mừng chiến thắng, hai vua đã ở lại Long Hưng 10 ngày, ngày 27 tháng 3 xa giá hai vua mới trở về kinh sư. Ghi chép trên chứng tỏ cung Long Hưng ngày ấy có quy mô rất rộng, có nhiều cung điện để Thượng hoàng, vua và các triều thần, quân lính ở lại.

Ngoài cung Long Hưng là cung Lỗ Giang, cung được gọi theo địa danh nơi xây dựng. Xưa (làng) xã Thâm Động có bốn thôn: Nang (An Lang), Nấm (Đồng Lâm), Nỏ (Đồng Lỗ), Nhội (Xuân Lôi), đoạn sông Trà Lý chảy qua làng Đồng Lỗ gọi là Lỗ Giang. Từ thời Lý, Trần cho đến trước năm 1895 xã Thâm Động thuộc huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương nên sử sách thường ghi “lăng ở phủ Kiến Xương”. Sau ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890), chính quyền Pháp điều chỉnh đưa xã Thâm Động về huyện Duyên Hà (nay thuộc xã Hồng Minh, Hưng Hà). Cung Lỗ Giang được sách Đại Việt sử ký toàn thư viết nhiều lần. Lần thứ nhất khi Khâm Từ Thái hậu, Hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông, mẹ vua Trần Anh Tông mất, sách viết: “Quý Tỵ. Trùng Hưng năm thứ 9 (1293). Mùa thu, tháng 9 Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu băng ở cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung Long Hưng”. Theo ghi chép trên thì Khâm Từ đã sống ở đây và như vậy chắc chắn cung là nơi vua Trần Nhân Tông đã từng đi về. Lần thứ hai là khi vua Trần Hiến Tông mất: “Tân Tỵ. Khai Hựu năm thứ 13 (1341). Mùa hạ, tháng 8 ngày 11 vua băng ở chính tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương, miếu hiệu là Hiến Tông” (sau vua được táng ở đây, có tên gọi là An Lăng). Lần thứ ba: “Tân Dậu. Xương Phù năm thứ 5 (1381), tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. Từ lâu nhân dân Thâm Động đã lập đền thờ 7 vị vua Trần (nay còn dấu tích là đền Thái). Dân gian truyền rằng: “Ở xã có đền thờ 7 vua Trần. Trong khám cấm của điện thờ có một cái hang miệng rộng bằng miệng đấu, tương truyền ăn thông ra sông Thượng Hộ (Trà Lý)... thả quả bòng xuống hang ấy một lúc thì quả bòng nổi lên trên sông Thượng Hộ. Khúc sông ấy có chỗ nước rất sâu, có cá thần ẩn hiện, quẫy đuôi dương lên cao như chiếc buồm, ai nấy kinh lạ”.

Cung Lưu Đồn, dân gian thường gọi cung Trần Vương da ngoại, là cứ địa Lưu Đồn... Khác với cung Long Hưng, cung Lỗ Giang, xây dựng để làm nơi các vua nghỉ ngơi mỗi khi đi về bái yết tiên tổ, cung Lưu Đồn được xây dựng để chuẩn bị cho chiến tranh và có lời nguyền phải tuyệt đối giữ bí mật “Bí mật cẩn tích, ngôn thệ tiền nhân”. Người xưa truyền rằng cung được làm trên đảo Phượng Hoàng (nay là vườn Cánh Phượng), có 5 con rùa chầu vào, cung được dựng tại động Tam Khê. Động là một cồn cát nằm giữa các hồ nước. Từ động đi ra và từ ngoài đi vào động đều bằng thuyền từ ba ngòi nước ở ba phía nên dân gọi Tam Khê. Động được bảo vệ bằng hai lần hào, hai lần lũy… ngoài lũy là những đầm hồ rộng và đồng trũng, những hồ nước này có tên “Long đàm Vương” (Đầm của vua), cửa sông Hóa có tên “Cửa rồng Vương”. Trước động có “Đàm Thạch Thệ” dân quen gọi bửng Hòn đá. Tương truyền nơi đây vua tôi, tướng sĩ nhà Trần đã chém đá cùng thề “Sát Thát” (giết giặc Nguyên). Trước Cách mạng Tháng Tám  năm 1945, động Tam Khê là đất cấm địa, cây mọc thành rừng, muốn vào phải vượt hào, vượt luỹ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dân phá hoang, san lấp dựng nhà, nay là xóm Ba ngòi, xóm Bốn làng Lưu Đồn. Ngoài động, thời ấy, quanh vùng rất nhiều chùa còn được xây dựng như: chùa Nam Triều (chùa của triều đình nước Nam), chùa Phú Xuân (tương truyền do Thượng hoàng Thánh Tông đặt tên), chùa Am (Am Qua tự), chùa Quýt (Quất Lâm tự) và một số chùa thuộc đất Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Các ngôi chùa là chỗ ở, làm việc của Thượng hoàng Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và các triều thần. Quân lính đóng trên cả một cánh đồng rộng từ Thụy Trường ra đến Thụy Xuân, nay có tên đồng Tường Lều. Các xã vùng Đông Bắc huyện Thái Thụy hiện còn lưu truyền rất nhiều chuyện dân gian về các địa danh ở vùng này gắn với vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Từ thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Thái Bình đã tìm thấy những hiện vật bằng đồng, trong đó có trống đồng cùng thời với văn hóa Đông Sơn cách ngày nay hơn 2500 năm; đã tìm thấy những ngôi mộ cổ, cách ngày nay 2000 - 1000 năm nhưng những cổ vật tìm thấy ấy chỉ là tình cờ, việc khai quật khảo cổ tại cung Lỗ Giang những năm qua là việc làm ít có ở Thái Bình. Hy vọng qua việc làm lần này là mở đầu cho những công trình khai quật khảo cổ lần sau để khẳng định bề dày và truyền thống lịch sử văn hóa của Thái Bình.

Phạm Minh Đức

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa