Chủ nhật, 19/05/2024, 05:28[GMT+7]

Học nghề sau xuất ngũ

Thứ 3, 21/02/2017 | 08:30:05
2,850 lượt xem
Hiện nay, học nghề đang là hướng đi của nhiều quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nhờ có nghề, nhiều thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định.

Học viên Trường Cao đẳng Nghề số 19 - Bộ Quốc phòng trong giờ thực hành. Ảnh : Tất Đạt

Làm nhân viên tại xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình được 5 năm, Trương Văn Tình ở xã Nam Thanh (Tiền Hải) đã trở thành một trong những thợ lành nghề bậc 3/7 của Công ty. Tình tham gia quân ngũ năm 2009 tại Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3). Xuất ngũ trở về, cầm trên tay tấm thẻ học nghề do Bộ Quốc phòng cấp, Tình đã đến Trường Cao đẳng Nghề số 19 - Bộ Quốc phòng đăng ký học hệ trung cấp, ngành công nghệ ôtô. 

Tình tâm sự: Theo chế độ của quân nhân xuất ngũ và được nhà trường tư vấn, hướng nghiệp, em đã lựa chọn ngành nghề thích hợp để học tập. Sau khi học xong, em được Trường giới thiệu về Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình tập sự và được nhận vào làm chính thức. Đến nay, thu nhập của em đạt gần 6 triệu đồng/tháng. Trong quá trình học, em đã vận dụng kiến thức do thầy cô truyền thụ, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế để nâng cao tay nghề. Ước mơ của em là được làm chủ một gara sửa chữa ôtô. Em sẽ phấn đấu hơn nữa để thực hiện được ước mơ của mình.

Cũng như Tình, Trần Việt Anh ở tổ 10 phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình), xuất ngũ năm 2013, sau hơn 1 năm học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 19 - Bộ Quốc phòng hiện tại đang làm việc tại Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng.

Trung bình mỗi năm, Thái Bình đón hơn 2.600 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Nhằm động viên, khích lệ thanh niên cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho bộ đội xuất ngũ chọn nghề, tìm việc làm, trong lễ đón quân nhân trở về tại cơ quan quân sự các huyện, thành phố, cán bộ các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài quân đội đã trực tiếp đến tư vấn, giới thiệu việc làm theo đúng nguyện vọng của quân nhân xuất ngũ.

Thượng tá Lê Viết Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 19 - Bộ Quốc phòng cho biết: Theo Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, quân nhân có nhu cầu học nghề sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Với thẻ học nghề, các em sẽ được các trường nghề của Bộ Quốc phòng cũng như các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương tiếp nhận và miễn học phí. Đối với Trường Cao đẳng Nghề số 19 - Bộ Quốc phòng, hiện nay nhà trường đã đầu tư nhiều thiết bị giảng dạy công nghệ châu Âu phục vụ công tác dạy và học ở 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng). Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, hàng năm, đơn vị đào tạo hơn 3.000 học sinh, sinh viên, trong đó 60% là bộ đội xuất ngũ. Ngoài chế độ theo quy định, nhà trường còn hỗ trợ nơi ăn, ở, học tập đối với học viên ở xa. Kết thúc khóa học, nhà trường sẽ liên hệ công việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ngoài những địa chỉ đào tạo trong quân đội, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều cơ sở đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ với các ngành nghề đa dạng như công nghệ ô tô, cơ khí, công nghệ may, điện tử, điện lạnh… Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, cùng với chú trọng đào tạo chất lượng tay nghề, trình độ chuyên môn cho học viên, các cơ sở đào tạo, dạy nghề đã quan tâm tới nhu cầu học của học viên, hướng đến đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm thu hút học viên… 

Ông Đinh Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải Thái Bình cho biết: Nhiều bộ đội xuất ngũ đã tìm đến nhà trường để học nghề lái xe. Thời gian qua, nhà trường đã đầu tư nhiều trang thiết bị mới, đổi mới phương pháp giảng dạy lý thuyết và thực hành, từ đó hướng đến mục tiêu quan trọng là đào tạo đội ngũ lái xe có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có văn hóa khi tham gia giao thông.

Theo Thượng tá Đặng Văn Dũng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đông Hưng: Phần lớn các trường đào tạo nghề trong quân đội hiện nay đều có những chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với bộ đội xuất ngũ. Chính vì thế, mỗi quân nhân xuất ngũ cần tìm hiểu kỹ các ngành nghề, dựa trên khả năng, sở trường, điều kiện cụ thể của bản thân, gia đình để có quyết định lựa chọn một nghề hợp lý nhất cho mình. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ cũng nên thiết lập các kênh thông tin phản hồi từ các học viên để nắm bắt nhu cầu học nghề, số lượng học viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề để có hướng đào tạo hợp lý, góp phần tích cực giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay.

Tất Đạt