Thứ 7, 23/11/2024, 01:36[GMT+7]

Vài “mẹo vặt” của người viết điều tra, phê bình

Thứ 2, 27/02/2017 | 10:33:04
1,718 lượt xem

Phóng viên Báo Thái Bình, hội viên Hội Nhà báo Thái Bình tác nghiệp tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy). Ảnh: Tất Đạt

Ngày còn công tác, tuy không chính thức được phân công chuyên viết điều tra, phê bình trên báo nhưng những vụ việc lớn, xã hội quan tâm, lãnh đạo Báo Thái Bình thường trao đổi và yêu cầu tôi đề xuất phương án xử lý. Vì vậy, tôi có điều kiện viết nhiều bài điều tra, phê bình, được bạn đọc hoan nghênh. Từ những thành công ấy, tôi đúc rút ra kinh nghiệm: người làm công tác phê bình trên báo phải là người có dũng khí “dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tâm hồn trong sáng”. Ðồng thời, cũng phải có “mẹo vặt” để công việc trôi chảy, thuận lợi.

Những năm đầu của công cuộc đổi mới, khắp các nơi từ thành thị tới thôn quê nổi lên cao trào “xuống đường, đục tường làm dịch vụ” rất sôi động. Lợi dụng kẽ hở trong quản lý, một số doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh móc nối với một vài cán bộ chuyên quản của ngành thuế quay vòng “giấy chuyển vận hàng hóa” (còn gọi là trích vận chuyển). Ấn chỉ này có giá trị thay cho hóa đơn đỏ đi với hàng hóa trên đường vận chuyển. Một tờ giấy vận chuyển có thể kê khai khối lượng hàng hóa lớn, lại không khống chế giá trị ngày sử dụng nên các đối tượng buôn chuyến đã khai thác triệt để kẽ hở bằng cách sử dụng đi sử dụng lại (quay vòng), trốn được không ít tiền thuế. Ðể có được chứng cứ, tôi đã phối hợp với một số cộng tác viên là cán bộ thuế và đồng nghiệp làm báo ở một số tỉnh, thành phố thu được một số tài liệu quan trọng để viết bài điều tra. Vừa nộp bản thảo để Tổng biên tập duyệt thì không rõ từ nguồn tin nào rò rỉ sang lãnh đạo cục thuế. Một vài bộ phận của văn phòng cục thuế cũng biết, họ có phản ứng trái chiều nhau dẫn đến Tổng biên tập phân tâm (chưa quyết định cho đăng hay bỏ). Nắm bắt được tâm tư này, tôi tranh thủ tham khảo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế và tài chính. Hầu hết đều đồng tình và khẳng định: Quay vòng giấy vận chuyển hàng hóa là làm trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thất thoát thuế cho Nhà nước, tạo điều kiện cho buôn lậu làm rối loạn thị trường trong nước, làm tha hóa một vài cán bộ ngành thuế. Báo Thái Bình nên đăng càng sớm càng tốt. Tôi cũng gửi bài cho một số tờ báo của trung ương và nhận được tin báo sẽ đăng ngay. Từ động thái này, đồng chí Tổng biên tập vững tâm và duyệt đăng với tiêu đề “Cần xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng giấy vận chuyển hàng hóa” ngay trên trang nhất Báo Thái Bình. Với chứng cứ xác đáng và lý luận nghiệp vụ thuế trong phân tích, lãnh đạo cục thuế đã sang tận tòa soạn xin được tiếp thu phê bình và xử lý ngay cán bộ có vi phạm.

Biết tôi được tòa soạn phân công viết bài ở nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực kinh tế tư nhân, công ty cổ phần và ngành thuế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gọi vào máy di động yêu cầu sang Tỉnh ủy trực tiếp phản ánh hoạt động ở các lĩnh vực trên. Tại thời điểm đó, trong mục thông tin quảng cáo của Báo Thái Bình số nào cũng dày đặc thông báo thành lập doanh nghiệp mới và đăng không ít thông báo giải thể doanh nghiệp. Theo dõi thấy có doanh nghiệp thành lập chưa lâu (chỉ 2 - 3 tháng) đã giải thể. Nghe tôi báo cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hỏi lại: Doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả thì họ có quyền xin giải thể và được Nhà nước cho phép thì có gì sai với luật? Hay nhà báo có nghi vấn gì chăng? Tôi nói rõ nghi ngờ của mình: Những doanh nghiệp giải thể không bình thường rất có thể chỉ là “doanh nghiệp ma”. Mục đích của những doanh nghiệp không bình thường này ra đời không sản xuất, kinh doanh mà chỉ để có thủ tục xin ngành thuế cung cấp cho họ quyển hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) rồi mang bán lẻ cho các đối tượng có nhu cầu để họ tự ghi, nhất là đối tượng buôn lậu hàng hóa qua biên giới, tránh được sự kiểm tra, kiểm soát, thu thuế của các cơ quan nhà nước. Ðối tượng bán hóa đơn “trắng” thu được khá nhiều tiền làm giàu bất chính. Một vài tỉnh bên cạnh Thái Bình đã xuất hiện hiện tượng này. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy nghe ra và nói sẽ giao cho các ngành chức năng xem xét. Công an tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc quyết liệt, khởi tố, bắt giam hàng chục đối tượng buôn bán và tiêu thụ hóa đơn GTGT (từ ngữ trong pháp luật là buôn bán giấy tờ có giá trị) cả ở trong tỉnh và ở tỉnh ngoài trong đó có một số cán bộ thuế tiếp tay cho hoạt động phi pháp này. Các đối tượng nêu trên giàu lên nhanh chóng, có người mua mấy ngôi nhà trong và ngoài tỉnh, mua ô tô và tiện nghi sinh hoạt đắt tiền... Ðối tượng chính trong chuyên án buôn bán hóa đơn GTGT là L. Trước khi cơ quan công an ra lệnh tạm giam L. đã mang một khoản tiền lớn để hối lộ cán bộ thi hành công vụ, bị từ chối và lập biên bản quả tang. Gần đến ngày L. và đồng bọn ra hầu tòa thì L. có đơn kháng cung, không thừa nhận là mình chủ ý đưa hối lộ mà do có sự gợi ý và gài bẫy. Ðơn của L. được gửi đến hội đồng xét xử và luật sư nhận bào chữa cho L. Nghe được thông tin L. kháng cung, tôi điện thoại tới đồng chí Giám đốc Công an tỉnh thông báo: Tôi đang giữ một biên bản mà doanh nghiệp của L. trốn lượng thuế DT và lợi tức, thuế buôn chuyến khá lớn, trước khi xảy ra vụ buôn bán hóa đơn, có thể giúp gì cho các cơ quan tố tụng? Ðồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã cử một điều tra viên gặp và yêu cầu tôi cung cấp ngay cho Công an tỉnh. Ðầu giờ chiều cung cấp biên bản trốn thuế của doanh nghiệp L. thì hết giờ làm việc, tôi được biết L. trực tiếp viết đơn xin rút lại “kháng cung” và khẳng định lại: Việc đưa hối lộ là chủ ý, không có ai gợi ý và cũng không ai gài bẫy, đơn gửi cho công an và hội đồng xét xử trước một đêm mở phiên tòa sơ thẩm. Ðồng chí Giám đốc Công an tỉnh sau này trách tôi: Không thông tin sớm về việc trốn thuế của L. làm không ít người vất vả và lo lắng... Tôi cười và đáp: Công an và Báo đều là công cụ của Ðảng và Nhà nước cả nhưng trong hoạt động cũng cần “có tính độc lập tương đối”.

Trong khối doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố Thái Bình, có doanh nghiệp vừa kinh doanh vàng bạc mỹ nghệ vừa hoạt động từ thiện nhân đạo. Từ khá lâu dư luận xã hội ầm lên doanh nghiệp này hoạt động từ thiện nhân đạo chỉ là cái cớ để làm ăn phi pháp. Nhiều kỳ họp HÐND tỉnh, một số đại biểu có những kiến nghị gay gắt. Gặp tôi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh vỗ vai và nói: Nhà báo để tâm, xem thực hư đơn vị này rồi cho mình biết nhé. Tốn kém thời gian khá dài tôi mới thu thập được tài liệu, khẳng định doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc mỹ nghệ và hoạt động từ thiện nhân đạo có sai phạm là thật. Ðồng chí Tổng biên tập Trần Nam Hải và Phó Tổng biên tập Nguyễn Quang Ðiện yêu cầu tôi sớm hoàn thành bài phê bình theo nội dung và bố cục mà Ban biên tập chỉ đạo. Báo Thái Bình phát hành được 2 ngày thì chủ doanh nghiệp đến tòa soạn to tiếng, phản ứng, yêu cầu phải đăng xin lỗi công khai trên báo. Ban biên tập giải thích thế nào chủ doanh nghiệp cũng không nghe, thậm chí đe sẽ đưa đơn ra tòa án dân sự kiện.

Nghe Tổng biên tập thông báo trên điện thoại di động, từ cơ sở, tôi cấp tốc về ngay tòa soạn. Cực chẳng đã tôi phải trình cho Tổng biên tập chứng cứ vi phạm của doanh nghiệp liên quan tới một cán bộ cao cấp của tỉnh và tôi xin phép đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh để báo cáo về doanh nghiệp này. Từ ngày hôm sau, chủ doanh nghiệp không xuất hiện tại tòa soạn nữa. Các ngành chức năng như thanh tra, kiểm tra, thuế... đến làm việc với doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn nhiều.

Còn khá nhiều bài điều tra, phê bình đáng nhớ khác. Nhớ nhất là bài nào cũng bị cá nhân, đơn vị được phê bình phản ứng quyết liệt. Bản thân tôi cũng có thêm nhiều kinh nghiệm, đến phút chót mới ra “chiêu” quan trọng chưa sử dụng trên báo thì lúc đó họ mới tâm phục, khẩu phục, tự giác tiếp thu phê bình để sửa chữa.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày