Thứ 6, 17/01/2025, 02:35[GMT+7]

Đình Trung: Nét đẹp công trình gỗ cổ

Thứ 6, 30/12/2022 | 18:53:40
2,547 lượt xem
Vùng đất cổ Tống Sơn nay là huyện Hà Trung (Thanh Hóa) nổi danh là 'quê hương' của đình làng, trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói: 'Đình huyện Tống, trống huyện Nga'. Số lượng đình làng trên địa bàn huyện Hà Trung không chỉ nhiều mà còn có giá trị lớn về văn hóa lịch sử, kiến trúc… Và nếu kể tên những ngôi đình bề thế, giàu giá trị còn hiện hữu đến hôm nay trên đất Tống Sơn, không thể không nhắc đến đình Trung.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình Trung bề thế mang nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Đình Trung cũng là tên làng thuộc xã Hà Yên (Hà Trung) nay là xã Yên Dương. Nơi đây là vùng chiêm trũng, canh tác nông nghiệp khó khăn, thường xuyên mất mùa, vì thế đời sống người dân vốn không dễ dàng. Vậy nhưng, vượt lên khó khăn vật chất, làng Đình Trung khi xưa lại tiêu biểu với các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tâm linh, trong đó nổi bật nhất là đình Trung - ngôi đình làng bề thế thờ Thành hoàng làng Tô Hiến Thành, đồng thời là không gian văn hóa cộng đồng, họp bàn các vấn đề quan trọng của làng.

Đình Trung tọa lạc trong không gian rộng hơn 2.500m2, trong đó diện tích xây dựng hơn 360m2. Di tích được cấu tạo theo lối chữ “Nhất” gồm 3 gian 2 chái với 4 vì kèo được cấu kết theo kiểu “chồng rường kẻ bẩy”. Đình được chống đỡ bởi hệ thống 20 cột gỗ lớn (8 cột cái, 12 cột quân), trong đó những cột cái vòng tay người lớn ôm không xuể.

Về kiến trúc của di tích kiến trúc gỗ cổ đình Trung, tác giả Phạm Tuấn trong sách Địa chí huyện Hà Trung miêu tả, đại ý: Cấu tạo của mỗi bộ vì nóc được kết cấu bởi câu đầu “ăn mộng” vào hai đầu cột cái và được “chạm rồng” ở “họng cột”. Các “con rường” đỡ hoành tải trên vì kèo ngắn dần về phía thượng lương. Kết cấu của bốn vì kèo cơ bản giống nhau về kiểu liên kết, có khác là ở những mảng chạm khắc. Cấu tạo khung gỗ của “mái diêm” (cùng với 2 mái lớn tạo thành góc cong của 4 mái) phía trong được bắt đầu từ “cột trốn” của mái diêm. Từ đầu cột trốn là một “kẻ cong” chạy xuống “ăn mộng” vào góc tường vỉ và tường đốc để tạo thành góc mái cong…

Đình Trung không chỉ to lớn, bề thế mà còn nổi bật bởi sự tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ - chạm bong. Ở tất cả các “con rường” của vì kèo đều được chạm khắc lá cúc cách điệu. Các “đầu dư” nằm dưới câu đầu và vì kèo mái diêm được chạm đầu rồng. Những hình rồng “trán dô, mắt lồi” được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ.

Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình Trung còn đa dạng với các đề tài cây cỏ, hoa lá, voi, ngựa, hươu, phượng… Đặc biệt, ở đình Trung tất cả các bức “cốn mê” đều được chạm khắc đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai...), lá lật, chim sẻ đậu trong hoa sen… tất cả được chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt với một kỹ thuật chạm bong nổi cao, phù hợp cùng kết cấu kiến trúc đem lại cảm giác hài hòa, cân đối của kiến trúc bên trong di tích.

Đánh giá về giá trị kiến trúc của đình Trung, sách Địa chí huyện Hà Trung cũng viết: “Nhìn chung, các mảng chạm khắc của toàn bộ ngôi đình ta thấy ở đây sự hội tụ của một bút pháp điêu luyện mà ở đó mỗi vì được trang trí tuân thủ theo quy luật đăng đối. Đề tài rồng, phượng, hươu, nai, cá chép… là những đề tài có phong cách thời Lê Mạt như thời Vĩnh Hựu và thời Cảnh Hưng. Qua bố cục và các nét chạm khắc ở đình Trung nổi bật nhất vẫn là tính hiện thực mà đặc điểm rõ nét giữa kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí có mối liên hệ thật hài hòa, trọn vẹn. Tính thống nhất ở đây được thể hiện ở toàn cục và cả những chi tiết… Có thể thấy, các đề tài của hình thức trang trí mang lại nội dung nghệ thuật bình dị đã làm tôn thêm cái đẹp hoàn chỉnh của toàn bộ không gian kiến trúc đình Trung”.

Theo người dân địa phương, với khát vọng dựng lên ngôi đình lưu truyền cho đời sau, nên toàn bộ gỗ dựng đình khi xưa được lựa chọn kỹ lưỡng, chủ yếu là gỗ lim, sến để chống mối mọt.

Đình Trung có nhiều cột lim cỡ lớn, vòng tay người ôm không hết.

Chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn thời gian đình Trung được khởi dựng. Theo lưu truyền trong dân gian, người dân làng Đình Trung tin rằng, đình có thể được khởi dựng vào gần cuối thời Lý, sau khi quan đại thần Tô Hiến Thành qua đời. Khi đó ngôi đình còn khá đơn sơ, về sau từng bước được tôn tạo dần bề thế.

Theo “tài liệu” được khắc trên thượng lương di tích, đình Trung được “đại trùng tu” dưới triều vua Tự Đức (năm 1855). Sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Yên viết: “Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, khi trùng tu đình, mỗi suất đinh phải góp một chiếc rui bằng gỗ lim hoặc sến từ rừng Tam Quy mang về. Đình được tu sửa phần gỗ, mái lợp ngói thay lợp tranh”. Còn căn cứ vào các đề tài, hình thức, nội dung trang trí hiện còn lưu giữ ở đình Trung, các nhà chuyên môn lại tin rằng quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc ở đình Trung là một công trình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc thời Lê Mạt ở Thanh Hóa. Xét trong hệ thống của những ngôi đình còn lại trên đất Hà Trung nói riêng, Thanh Hóa nói chung, đình Trung là một trong những ngôi đình có giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật của Thanh Hóa hiện tại. Như vậy, diện mạo của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình Trung hiện nay là kết quả cả quá trình lâu dài với nhiều tâm huyết của người xưa.

Nói về nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân làng Đình Trung, ông Phạm Văn Đức, công chức văn hóa xã hội xã Yên Dương, cho biết: “Đình Trung thờ Thành hoàng làng Tô Hiến Thành là “điểm tựa” tâm linh bao đời của người dân địa phương, di tích được dựng lên bởi những tâm huyết của người xưa, là niềm tự hào của hậu thế hôm nay. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình Trung luôn được quan tâm. Hàng năm, vào ngày 18 tháng Giêng tại đình làng Đình Trung lại diễn ra lễ “giỗ chung” (tưởng nhớ những người con của làng đã mất mà không xác định được ngày giỗ, trong đó có cả các anh hùng liệt sĩ). Trong ngày này, mỗi dòng họ, mỗi gia đình lại sắm sửa mâm lễ mang về đình làng dâng thành hoàng và người đã mất. Người dân làng Đình Trung nói riêng, xã Yên Dương nói chung dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa tốt đẹp thì luôn được coi trọng, đề cao”.

Theo baothanhhoa.vn