Thứ 7, 23/11/2024, 04:25[GMT+7]

Ký ức giải phóng đảo Song Tử Tây

Thứ 6, 28/04/2017 | 17:37:51
4,344 lượt xem
Những ngày tháng tư, ký ức một thời hào hùng lại trỗi dậy trong trái tim người cựu chiến binh Lại Minh Khiết. 42 năm trước, ông cùng đồng đội tại Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân nhận mật lệnh giải phóng đảo Song Tử Tây, tạo thế chiến lược thần tốc giải phóng quần đảo Trường Sa góp phần quan trọng vào đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 1/1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, rời làng quê Phong Lai, xã Đông Phong (Tiền Hải), chàng thanh niên Lại Minh Khiết tham gia lực lượng thanh niên xung phong tại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Năm 1973, ông nhập ngũ vào Binh chủng Hải quân. Thông minh, gan dạ lại sẵn có những tố chất đặc biệt của người dân vùng biển, Lại Minh Khiết được chuyển sang huấn luyện đặc công nước tại Đoàn 126 Đặc công Hải quân.

Trước khí thế tấn công như vũ bão cùng những thắng lợi dồn dập của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết tâm mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Nhiệm vụ của Hải quân trong chiến dịch này là vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất và an toàn, đồng thời khẩn trương tổ chức lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng các đảo và tiếp quản căn cứ hải quân của địch. Ngày 4/4/1975, giữa lúc quân ta đang dồn dập tấn công địch trên các chiến trường, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu: Dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng đặc công của Quân khu 5, tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa.

Trên quần đảo Trường Sa vào thời điểm năm 1975, 11 đảo có người ở. Trong đó, ngụy quân Sài Gòn đóng giữ 5 đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa, lực lượng khoảng 150 quân thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy, theo chu kỳ thay quân chốt giữ 3 tháng một lần. Giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do ngụy quân đóng giữ là trách nhiệm và nghĩa vụ để bảo vệ chủ quyền vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định dùng phân đội tàu của Đoàn 125 gồm 3 tàu: 673, 674, 675, chở và phối hợp chiến đấu cùng Đội 1 của Đoàn 126 và lực lượng Đặc công Quân khu 5 giải phóng các đảo.

Cựu chiến binh Lại Minh Khiết chăm sóc vườn cây của gia đình.

Ngày 9/4/1975, trên chiến trường Sài Gòn, quân giải phóng đang dồn dập tiến quân vào Xuân Lộc và chọc thủng tuyến phòng thủ Tân An, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu: Tiến đánh Song Tử Tây! Từ Đà Nẵng, 4 giờ sáng ngày 11/4/1975, trên 3 tàu cá ngụy trang, Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 (Quân khu 5), bí mật hành quân nhằm hướng Song Tử Tây thẳng tiến. Toàn bộ lực lượng đi giải phóng Trường Sa do Thiếu tướng Mai Năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 126 Đặc công Hải quân chỉ huy.

Đảo Song Tử Tây cách Đà Nẵng 480 hải lý được coi là tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ của quần đảo Trường Sa, trước đây, các thủy thủ Đoàn 125 thường xuyên qua lại khu vực này trên các tàu không số nên dễ dàng nhận biết vị trí đảo. Khó khăn lớn nhất, để bảo đảm yếu tố bí mật, các chiến sĩ đặc công phải nấp trong khoang tàu, một số thủy thủ đoàn mặc trang phục của ngư dân để tránh quân địch phát hiện.  

Sau 3 ngày hành quân liên tục trên biển, nhiều người bị say sóng, thấm mệt nhưng vừa nhìn thấy đảo, cán bộ, chiến sĩ đều hăng hái, sẵn sàng chiến đấu. 4 giờ 30 phút ngày 13/4/1975, tàu ta cách đảo 5 hải lý, chỉ huy lệnh cho tàu thả trôi giúp hồi sức cho bộ đội, vừa bàn kế hoạch tấn công đảo. Nhận nhiệm vụ, binh nhất Lại Minh Khiết chỉ huy một phân đội quân báo của Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân cùng đồng đội bí mật vào tận doanh trại của địch trinh sát nắm tình hình. 

Từ thông tin trinh sát báo về, quân ta với 39 đồng chí chia làm 3 mũi, bí mật đổ bộ lên đảo bằng 7 xuồng cao su, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Đội 1 Nguyễn Ngọc Quế và Chính trị viên phó Vũ Ngọc Hồi. 3 giờ sáng ngày 14/4/1975, lực lượng đặc công hải quân tiếp cận bờ đảo Song Tử Tây, sẵn sàng chờ giờ G để hành động. Đúng 4 giờ 23 phút, tiếng súng DKZ của đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế vang lên, nhắm thẳng vào lô cốt địch. Lệnh hiệp đồng chiến đấu được phát ra, những tiếng hô xung phong vang dậy khắp đảo. Ngụy quân bị tấn công bất ngờ, kháng cự quyết liệt nhưng nhanh chóng co cụm trước khí thế áp đảo của quân ta. Sau 30 phút chiến đấu, lực lượng của ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt 6 tên địch, bắt sống đảo trưởng và 33 lính ngụy, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hiên ngang tung bay trên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây.

 “Thời khắc nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển trời Trường Sa, ai trong chúng tôi cũng đều xúc động, tự hào. Trường Sa là chủ quyền, máu thịt của đất nước Việt Nam và mãi mãi như thế”, những giọt nước mắt lăn dài trên má cựu chiến binh Lại Minh Khiết khi ông xúc động nhớ về giây phút lịch sử đó.

Ngay sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, ông Khiết cùng đồng đội nhận nhiệm vụ củng cố trận địa, tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu giữ đảo. Ngoài chiến lợi phẩm, lực lượng ta chỉ có súng DKZ và AK, anh em chiến sĩ nảy ra sáng kiến chặt thân cây dừa và lấy ống nước to màu đen đặt trên lô cốt ngụy trang giả làm pháo để dọa quân địch. Song Tử Tây mất, hệ thống phòng thủ của địch ở quần đảo Trường Sa bị đe dọa, ngụy quân liền điều 2 tàu HQ.16 và HQ.402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại đảo. 2 tàu địch tiến sát đảo cách vài hải lý song thấy “trận địa” phòng thủ của ta và trước những thất bại dồn dập của ngụy quân, tàu địch liền quay về tăng cường phòng thủ cho đảo Nam Yết. Lực lượng hải quân Mỹ - ngụy ngoài khơi hoạt động cầm chừng, chỉ lo tập trung tháo chạy, di tản nên bỏ mặc đồng bọn trên các đảo.

Những ngày tiếp theo, các lực lượng của Đoàn 126 tiếp tục theo tàu nhanh chóng hướng mũi tấn công, giải phóng các đảo theo kế hoạch tác chiến. Đêm ngày 29/4/1975, trước giải phóng Sài Gòn một ngày, tất cả các đảo do ngụy quân đồn trú ở quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn. Thần tốc tiến công giải phóng Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 Đặc công Hải quân đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa vào chiến công chung của quân và dân cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trịnh Cường