Vũ Thư tích tụ ruộng đất: Chính quyền quyết liệt - dân còn băn khoăn (Kỳ 4)
Kỳ 4: Chủ động gỡ khó (Tiếp theo và hết)
Gỡ khó khi triển khai
Hàng chục năm nay, vợ chồng ông Hà Văn Hòa ở thôn Thanh Bản 2, xã Xuân Hòa chỉ biết nghề làm ruộng. Gia đình ông cấy gần 1 mẫu ruộng mỗi vụ, kết hợp nuôi vài ba con bò, lợn, tuy không giàu nhưng cũng đủ chi tiêu, sinh hoạt và nuôi con ăn học. Nghe thôn, xã tuyên truyền về chủ trương tích tụ ruộng đất, dự kiến cho doanh nghiệp thuê, ông bà Hòa rất lo lắng. Nếu cho thuê ruộng, ông bà chưa biết làm gì để có thu nhập trong khi cả hai người đều ngoài 50 tuổi. Vướng mắc này khiến ông bà chưa đồng ý tham gia tích tụ ruộng đất.
Do thiếu nguồn nhân lực, gia đình bà Lê Thị Lan ở thôn Nhân Bình, xã Vũ Vân đã cho họ hàng mượn ruộng sản xuất từ mấy năm nay. Bà Lan cho biết: Xã, thôn triển khai tích tụ ruộng đất, bà rất ủng hộ, nhưng đồng thời cũng e ngại sau tích tụ, doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất tới hàng chục năm trong khi đất ruộng của gia đình bà và các hộ dân ở đây đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà băn khoăn sau này liệu gia đình có mất ruộng…
Đây chỉ là hai trong số nhiều vướng mắc mà huyện Vũ Thư gặp phải khi tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích tụ ruộng đất.
Ông Lại Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Vũ Thư là huyện sớm thu hút được Tập đoàn TH và một số doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp với các dự án trồng dược liệu, rau, củ sạch, trồng lúa, tổng diện tích ước tính hơn 1.000ha. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện chỉ đạo các xã chưa có doanh nghiệp đầu tư thì chỉ thực hiện việc quy hoạch ruộng đất, ngược lại các địa phương đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư thuê đất tập trung triển khai quyết liệt công tác tích tụ. Qua khảo sát, do chủ trương và cách làm đều còn rất mới nên một bộ phận cán bộ, đảng viên, nông dân vẫn còn tư tưởng băn khoăn, lo lắng về tình trạng thất nghiệp, thiếu lương thực, mất đất, phá vỡ mặt bằng đồng ruộng sau khi thực hiện tích tụ. Ngoài tư tưởng chưa đồng thuận, một số hộ yêu cầu doanh nghiệp thuê đất phải trực tiếp bàn bạc, thảo luận với nông dân về giá thuê đất để phù hợp với điều kiện ruộng đất ở mỗi địa bàn. Bên cạnh đó, một số cán bộ HTXNN băn khoăn tích tụ ruộng đất sẽ phần nào ảnh hưởng đến công tác điều hành của HTX. Hiện nay, hầu hết các địa phương chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ dân, ảnh hưởng tâm lý bà con và gây khó khăn cho việc tích tụ; kinh phí thực hiện, triển khai việc tích tụ ruộng đất khó khăn.
Nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc này, Ban Chỉ đạo tích tụ ruộng đất huyện Vũ Thư đã có chỉ đạo cụ thể, tháo gỡ từng nút thắt. Trong đó, những vấn đề liên quan đến chủ trương, cơ chế, chính sách, huyện sẽ chịu trách nhiệm triển khai, chỉ đạo, còn lại các địa phương từ xã, đến thôn phải bảo đảm các phần việc liên quan tích tụ ruộng đất tại địa phương. Với mỗi vướng mắc, huyện chỉ đạo các địa phương bám sát nhưng đồng thời cũng vận dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện để triển khai thực hiện đúng nhằm tạo hành lang thuận lợi cho các địa phương triển khai tích tụ ruộng đất.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều khó khăn chưa thể giải quyết sớm như: vấn đề giải quyết số lượng lớn lao động nông thôn sau tích tụ ruộng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hàng nghìn hộ dân, việc tuân thủ hợp đồng của doanh nghiệp, việc điều hành của HTXNN sau tích tụ ruộng đất…
Lường trước khó khăn để hạn chế rủi ro
Như chúng tôi đã phản ánh ở kỳ 3 về tình trạng sản xuất không hiệu quả sau tích tụ ruộng đất của Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) dẫn đến bỏ ruộng hoang và có khả năng phá vỡ hợp đồng thuê đất với nông dân. Đây là trường hợp điển hình để huyện Vũ Thư lường trước những khó khăn sau khi triển khai tích tụ ruộng đất trên phạm vi rộng hơn trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện bày tỏ: Thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy, việc doanh nghiệp sản xuất không hiệu quả sau tích tụ ruộng đất hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí khi doanh nghiệp triển khai sản xuất rồi, vấn đề doanh nghiệp có tuân thủ hợp đồng về thời hạn thuê đất, mức giá, bảo đảm giữ ổn định mặt bằng đồng ruộng… cũng là những yếu tố mà cấp ủy, chính quyền cần lường trước.
Để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại về sau, huyện Vũ Thư yêu cầu các địa phương triển khai tích tụ ruộng đất theo hướng “chậm mà chắc”, tránh tình trạng tích tụ tràn lan, kêu gọi đầu tư ồ ạt nhưng hiệu quả kém. Để chặt chẽ hơn trong việc thiết lập các văn bản mang tính pháp lý, tránh rủi ro sau này cho nông dân, huyện yêu cầu các chủ tịch hội đồng quản trị HTXNN là chủ thể đại diện cho nông dân ký hợp đồng cho thuê đất với doanh nghiệp ngay từ ban đầu khi ký kết hợp đồng phải quy định chặt chẽ, đầy đủ, chi tiết về thời hạn thuê đất, cách thanh toán, quy định về mặt bằng đồng ruộng...
Chính quyền các địa phương có trách nhiệm xác nhận hợp đồng thuê đất theo hướng dẫn của huyện. Sau khi các cá nhân, doanh nghiệp hoàn thành tích tụ đi vào sản xuất, huyện sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã và nông dân tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nhân lực, giao thông, thủy lợi, an ninh trật tự để doanh nghiệp sản xuất hiệu quả.
Lường trước những rủi ro và chủ động triển khai sớm nhiều giải pháp, huyện Vũ Thư nỗ lực bảo đảm quyền lợi cho cả người dân và các tập thể, cá nhân khi thực hiện tích tụ ruộng đất.Mặc dù còn nhiều khó khăn đặt ra trước và sau hoàn thành tích tụ ruộng đất, tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng thuận hưởng ứng của người dân, Vũ Thư quyết tâm đạt mục tiêu đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 sẽ thu hút các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, tích tụ thành công từ 2.000 - 2.500ha đất nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại thôn Hiến Nạp, xã Minh Khai
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng