Thứ 7, 23/11/2024, 07:28[GMT+7]

Tản mạn về các nhà báo

Thứ 2, 19/06/2017 | 09:02:59
1,510 lượt xem
Các nhà báo đã viết hàng nghìn bài báo về mọi người, mọi ngành. Người đọc vẫn dành cho họ những tình cảm quý trọng, trìu mến, cảm thông. Bởi mọi người đều nghĩ các nhà báo gian khổ, khó khăn biết nhường nào.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại diễn tập khu vực phòng thủ huyện Quỳnh Phụ năm 2016.

Hàng ngày có thể “lang thang” khắp chốn nhưng đêm về lại ngồi viết về một điều tốt đẹp, công bằng cho xã hội với sự lao lực khủng khiếp nên người ta thường cho rằng cứ một bài báo hay, sâu sắc thì cuộc đời người viết “ngắn lại” một chút. Sự trả giá mà không phải ai cũng nhận ra. Bởi, nếu đúng theo nghĩa của “nhà báo” thì trách nhiệm nặng nề biết bao.

Tôi nhớ và ghi một câu nói của nhà báo nổi tiếng thế giới Putitzen: “Nhà báo là một người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ta phải ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần chú ý ở chân trời trong khi thời tiết tốt. Anh tường thuật những gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tàu có thể cứu vớt được. Anh xuất hiện trong sương mù và bão tố để dẫn đầu trong việc báo trước những nguy hiểm… Anh ở đó để coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân tín nhiệm nơi anh”. Putitzen đã đánh giá đúng tầm vĩ đại và vinh quang của nhà báo. Không phải người cầm bút nào cũng làm được như vậy. Chỉ có những nhà báo chân chính và hết mình vì nghề, luôn nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, luôn ý thức sâu sắc những gì mình viết mới xứng với danh hiệu cao quý: “Nhà báo”.

Các nhà báo vui cùng cái vui của mọi người; đau khổ cùng cái đau khổ của mọi người; nhưng quan trọng hơn là phải biết day dứt và trăn trở trước nỗi niềm bức xúc của nhân dân. Tôi biết rằng không phải dễ dàng viết những điều các nhà báo muốn như sự thực cuộc sống. Muốn thông tin nhanh, chính xác đến người đọc, chỉ riêng các nhà báo là chưa đủ. Cần sự “thông thoáng”, cần sự ủng hộ của các cấp, các ngành. Tôi hiểu chừng nào vừa “viết” vừa phải “lách” các nhà báo còn vất vả lắm. Nhưng tôi tin chắc rằng các anh luôn dùng ngòi bút của mình như là phương tiện để thực hiện trách nhiệm công dân. Các nhà báo không ai ảo tưởng rằng ngòi bút của mình có thể là “cây bút thần” làm được tất cả mọi điều, giải quyết ngay tức khắc cái ác, cái xấu, mà điều đó là sự nỗ lực của mọi người. Những sự nêu lên của các phóng viên, sự gợi ý của các nhà báo cần thiết biết bao. Hãy đi nhiều, hãy lắng nghe mọi tiếng thì thầm của cuộc sống. Báo cho mọi người một niềm vui đang chớm nở và nói với mọi người những cảnh đời ngang trái, khổ đau, bất hạnh. Rất thú vị với ai đó đã nói nhà báo không có người anh hùng dù bài viết của các nhà báo có hay, có thành công đến mức nào đi chăng nữa thì vẫn chỉ là người “thư ký” của xã hội, ghi trung thành những diễn biến sôi động của cuộc sống vốn tồn tại khách quan.

Đâu đó vẫn còn ý nghĩ cho rằng nhà báo là những người “quấy nhiễu” trừ những người bán linh hồn cho quỷ dữ, vì tiền rẻ mạt, vì lợi lộc, cá nhân ta không đề cập đến. Có những ý nghĩ như trên là họ sợ sự thật, bên trong là những xấu xa được che đậy bằng sự hào nhoáng bên ngoài. Nếu các nhà báo đúng thì sự thật sẽ được phơi bày trước công chúng; đối tượng của báo chí không còn tự do tung hoành “quấy nhiễu” người khác nên họ “ngán” nhà báo.

Vẫn biết rằng sự đòi hỏi của mọi người với các nhà báo là khôn cùng. Nhưng điều kiện của các nhà báo có hạn. Nhiệt tình có thừa, tâm huyết có dư nhưng bao thiếu thốn như níu các nhà báo lại. Tự nhiên tôi ao ước các nhà báo có đầy đủ phương tiện “tối thiểu” của một người viết báo để cung cấp cho người đọc, người nghe những điều mới nhất và chính xác nhất. Chỉ đôi chân, cây bút và nhiệt tình thì tôi nghĩ rằng rất khó để các nhà báo hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của mình.

Nhưng dù sao, với truyền thống của mình, các nhà báo Việt Nam sẽ phát huy hết tài trí để phục vụ nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Mọi người vẫn đang chờ đợi các nhà báo với những bài viết tâm huyết như con tằm rút ruột nhả tơ.

Ngọc Tuyền

(Vũ Vân, Vũ Thư)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày