Thứ 7, 11/05/2024, 11:53[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 12)

Thứ 2, 03/07/2017 | 14:31:45
2,238 lượt xem
Sau hàng loạt cuộc chiến đấu diễn ra từ vĩ tuyến 17 trở vào, tiếp đó, tổng tiến công Mậu Thân 1968 quân giải phóng đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ. Từ đó quân đội Mỹ càng ra sức trả thù sát hại người dân vô tội mà chúng nghi là đã tiếp tay cho lực lượng Việt cộng.

Bia đá khắc tên những người bị lính Mỹ tàn sát ngày 16/3/1968 tại khu chứng tích Sơn Mỹ (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Kỳ 12: Từ vụ thảm sát Sơn Mỹ đến thảm bại Việt Nam hóa chiến tranh

Lính Mỹ càn quét, bắn phá những nơi chúng tình nghi. Hàng loạt vụ xả súng sát hại nhân dân dã man như vụ Sài Gòn Execution, vụ thảm sát đồng bào ở Huế, vụ ba làng An…
Đặc biệt, một đơn vị lính lục quân Hoa Kỳ đã xả súng giết chết hơn 500 người dân vô tội ở làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi năm 1968.
Đây là mô hình làng Sơn Mỹ trước ngày xảy ra vụ thảm sát. Sau này trở thành trung tâm khu bảo tàng tội ác chiến tranh của tỉnh Quảng Ngãi.
Bất kỳ ai đặt chân qua đây cũng bùi ngùi xót thương những người dân vô tội. Họ bị chết thảm khốc dưới những họng súng, lưỡi lê của những tên lính viễn chinh khát máu.
Đây là hình các bức tượng được mô phỏng tại làng Sơn Mỹ khi chúng gây tội ác. Những người dân lương thiện trong tay không một tấc sắt đối mặt với những tên lính sát thủ, số phận họ sẽ ra sao.
Khi càn vào làng, lính Mỹ hủy diệt tất cả những gì chuyển động trên mặt đất. Người, gia súc đều là mục tiêu trút đạn của chúng.
Bà Phạm Thị Thuận, người sống sót trong vụ thảm sát kể lại chuyện những tên lính Mỹ xả súng bắn chết 6 người thân của gia đình bà ngày 16/3/1968.
Một ngày gia đình bà đang cùng dân làng Sơn Mỹ ra đồng lao động sản xuất như bao ngày trước đó. Bỗng tai họa ập đến.
Bà Phạm Thị Thuận nằm khuất trong đống xác, bọn địch tưởng bà đã chết. Chúng tiếp tục xả súng vào những người chung quanh rồi sục sạo tìm kiếm, bắn giết những người còn ngắc ngoải.
Một ngày 504 người dân làng Sơn Mỹ bị quân Mỹ bắn chết. Trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 ông già, 89 thanh thiếu niên. Một tội ác vô cùng man rợ.
Những hình ảnh còn lưu trong nhà bảo tàng những pho tượng mô phỏng tội ác hơn 40 năm trước. Ngày đó vụ thảm sát giấu kín, hơn một năm sau, cuối năm 1969, khi lộ ra, ngay lập tức bị dư luận trong và ngoài nước lên án mạnh mẽ.
Người Mỹ thật hổ thẹn khi vụ việc đẫm máu này xảy ra, nó đi ngược với bản tính của con người. Dùng vũ lực để giết hại những người dân tay không là vô nhân đạo. Bạn biết đấy, quân đội Mỹ bị trả giá, bị chết thảm hại ở chiến trường Việt Nam ngày một gia tăng. Cùng với vụ thảm sát đẫm máu ở Mỹ Lai càng làm cho dư luận trong dân chúng nước Mỹ bức xúc, không yên, là nguyên nhân tạo lên làn sóng phản đối chiến tranh lan rộng, đòi chính phủ Mỹ phải rút quân đội ở Việt Nam về nước.
Nhà bảo tàng di tích Mỹ Lai còn lưu giữ hơn 200 bức ảnh gây tội ác. Ảnh xác người lớn, trẻ em chết chồng lên nhau.  Tượng những tên lính đao phủ đang xả đạn vào đoàn người.

Những bản ghi chép lời kể của các nhân chứng trong vụ thảm sát Sơn Mỹ.


Hơn 500 sinh mạng bị giết chết. Hôm nay trong cảnh bình yên, cả làng vẫn thưa vắng bóng người. Khách tới thăm, lòng đau như thắt lại.
Dẫu hận thù đã khép lại nhưng nỗi đau của đồng bào Sơn Mỹ chưa bao giờ nguôi ngoai. Những cái chết đau thương dưới họng súng, lưỡi lê của kẻ sát nhân không còn tính người như thể vừa mới xảy ra.
Những người lương thiện vốn yêu chuộng cuộc sống hòa bình, tại sao họ phải chết như vậy.
Nhiều gia đình bị giết sạch, nhà cửa bị đốt cháy trơ trụi.
Những cựu binh từng chứng kiến nhiều cảnh đau thương của đồng bào Nam Bộ nhưng khi vào đây họ vẫn không thể tưởng tượng nổi, đã gần 50 năm quân đội Mỹ giết hại hơn 500 người dân làng Sơn Mỹ, nay xóm làng vẫn tiêu điều, hoang vắng. Dấu ấn chiến tranh và tội ác man rợ của quân xâm lược vẫn còn đây. Mặt đất bầm tím, người bị giết, nhà bị đốt, tường đổ, cây bị cháy, cảnh vật, mắt nhìn, đau thương xa xót vẫn còn đây.
Đây là một bằng chứng, kẻ gây ra thảm họa không thể chối cãi. Ở bên kia trái đất, lương tâm các người có đau xót không?
Những năm hòa bình, nhiều người Mỹ, có cả những người từng gây tội ác, đã sang Việt Nam, tới Sơn Mỹ, trong tâm trạng lo âu, ân oán. Nhưng rồi họ lại ngạc nhiên trước những cử chỉ độ lượng, từ chính những người trong gia đình có người thân bị sát hại.
Nhân dân Sơn Mỹ từ nỗi đau thấu cùng trời đất, nhưng với tấm lòng vị tha, họ đã nén nỗi đau để ân oán hận thù khép lại. Đó vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam.


*
*      *

Để thực hiện mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, quân đội Mỹ và quân đội các nước chư hầu của Mỹ ngày càng được tăng cường cả phương tiện chiến tranh và số quân tác chiến.
Khi chiến lược chiến tranh đặc biệt bị đánh bại, ngay sau đó chiến lược chiến tranh cục bộ được thay thế. Người Mỹ hy vọng họ sẽ giành lại được quyền làm chủ chiến trường. Hơn nửa triệu quân Mỹ được tung vào miền Nam để thực hiện kỳ vọng đó.
Với đội quân hùng hậu, có pháo binh và không quân áp đảo, có quân lực Việt Nam cộng hòa làm hậu thuẫn, người Mỹ hoàn toàn tin rằng họ sẽ đánh bật quân đội Bắc Việt ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Ông Joe Galloway, chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng: Việc đưa quân đội Mỹ vào Việt Nam, ban đầu với danh nghĩa giúp đỡ miền Nam Việt Nam chống lại cộng sản. Nhưng dần dần nó lại trở thành một cuộc chiến đẫm máu của người Mỹ. Một cuộc chiến vô vọng.
Chuyên gia Bob Clewell thì khẳng định cuộc chiến đã không đem lại điều gì cho cả hai phía. Cái giá phải trả là quá đắt. Rất nhiều lính Mỹ đã phải bỏ xác ở đây.

Một số vật dụng sinh hoạt còn lại sau vụ thảm sát.


Tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận 58.000 lính Mỹ đã chết tại Việt Nam. Cuộc tổng tấn công Mậu Thân, quân giải phóng đã đánh bại ý chí xâm lược của người Mỹ. Cục diện chiến trường miền Nam Việt Nam hoàn toàn thay đổi, buộc người Mỹ phải tính đến chuyện rút dần quân đội về nước.
Theo chuyên gia Bop Clewell, tiến trình Việt Nam hóa chiến tranh diễn ra tương đối thuận. Quân đội Việt Nam cộng hòa được trang  bị hiện đại, tuy không còn nhiều lính Mỹ, tức đồng minh trực tiếp chiến đấu, họ vẫn tự tin. Quân giải phóng chưa hồi phục sau Mậu Thân. Họ hạn chế hoạt động để thúc đẩy việc rút quân Mỹ.
Theo giáo sư Paul Atwood, mở đầu thực hiện Việt Nam hóa, Việt Nam cộng hòa dồn sức bình định các vùng nông thôn nhằm đẩy lực lượng cộng sản ra khỏi dân chúng. Từ những cuộc càn quét đẫm máu, hơn 15.000 người đã bị giết hại. Quân giải phóng tạm thời lui về các vùng rừng núi, biên giới. Họ chuẩn bị thế trận cho việc chống lại lực lượng đối phương.
“Vấn đề sai lầm trong việc thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh là phía quân đội Việt Nam cộng hòa đã nhất nhất theo các quy chuẩn của Mỹ. Họ quen kiểu đánh nhau tốn tiền như quân Mỹ. Sức chiến đấu của quân đội phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ. Viện trợ mà giảm thì ảnh hưởng rõ rệt đến sức chiến đấu của quân đội. Điều này góp phần giải thích tại sao quân lực Việt Nam cộng hòa mau chóng sụp đổ trong những năm cuối cùng của cuộc chiến”.
Ông Nguyễn Đức Khẩn, thương binh xã Ea Na, huyện Krông Ana, một trong những chiến sĩ quân giải phóng, sau chiến dịch Mậu Thân các ông trở lại vùng biên giới, chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên

(còn nữa)