Thứ 3, 23/07/2024, 14:29[GMT+7]

Lê Lợi: Mùa thu năm ấy

Thứ 6, 18/08/2017 | 08:42:34
6,015 lượt xem
Toàn huyện Kiến Xương có hơn 400 lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa thì xã Lê Lợi có tới 45 người. Nơi đây là cái nôi cách mạng của huyện Kiến Xương. Nhớ về mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Lê Lợi luôn thấy tự hào và không quên những tháng ngày lịch sử ấy.

Cầu Trung Kinh, xã Lê Lợi - chứng tích nạn đói khủng khiếp năm 1945.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tẹo ở thôn Phú Ân năm nay bước sang tuổi 97, mắt đã kém, bước đi chậm chạp nhưng trí nhớ còn minh mẫn. Khi chúng tôi gợi lại chuyện nạn đói năm Ất Dậu (1945), mẹ lại rưng rưng thương nhớ những người thân đã mất. Mẹ cho biết: Cuộc đời người dân trở nên cơ cực, sự sống mong manh từ khi phát xít Nhật vào Đông Dương, nông dân chịu cảnh một cổ ba tròng: thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn phong kiến. Đỉnh điểm của sự hà hiếp, bóc lột mà bọn chúng gây ra là mùa xuân năm 1945, nạn đói đã giết chết hàng nghìn người dân trong xã. Có gia đình chết 2 - 3 người, có nhà chết không còn một ai. Làng xã trở nên tiêu điều, khắp nơi chìm trong ai oán.

Chứng tích nạn đói năm 1945 ở Lê Lợi ngày nay vẫn còn cây cầu dẫn vào chùa Trung Kinh, nơi người chết đói nằm la liệt. Vì số người chết quá nhiều, chôn không xuể, nhân dân trong thôn đã bốc xếp đưa đi chôn tập thể gần ngôi chùa và họ gọi nơi này là bến Lấp. 

Bà Nguyễn Thị Hiếm sống gần bến Lấp cho biết: Nạn đói năm 1945 đã cướp đi 27 người trong gia đình và họ hàng tôi. Quê hương thì “Lúa ngoài đồng tắc o không thóc. Cảnh trong làng xơ xác trơ trơ”.

Ông Phan Hừu, Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi giai đoạn 1991 - 1996, người tham gia viết, biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã cho biết: Chính nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã khơi dậy tinh thần cách mạng mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân tổng Thịnh Quang (nay là xã Lê Lợi). Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, Chi bộ Thịnh Quang được thành lập với nòng cốt là 3 đồng chí: Lương Phôi (bí danh là Giấy), Lương Đôn (bí danh là Bút), Lương Sinh (bí danh là Mực), đã lãnh đạo các tổ chức quần chúng và nhân dân biểu tình ở chợ Lụ đòi giảm sưu cao, thuế nặng và tương trợ, cứu giúp nhau. Đặc biệt, Chi bộ đã tuyên truyền, giác ngộ nhiều thanh niên yêu nước gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và thành lập Đội tự vệ cứu quốc Thịnh Quang. Tháng 6/1945, lực lượng Việt Minh và Đội tự vệ cứu quốc Thịnh Quang đã phối hợp tổ chức phá kho thóc của Nhật ở nhà huyện Liệu - Đồng Xâm lấy được 10 tấn thóc chia cho dân nghèo chống đói, cùng với đó là vận động nông dân đẩy mạnh thâm canh vụ lúa chiêm để giải quyết nạn đói. Vụ lúa năm đó được mùa, dân chúng phấn khởi vô cùng, càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Được sự phân công của Chi bộ Thịnh Quang, các đồng chí Lương Mạch, Lương Như và Nguyễn Thảo đã tổ chức củng cố, mở rộng đội bảo an làm lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngoài ra, các đoàn thể như hội phổ thông, hội dân đinh, hội tương tế, hội nguyên trình, hội đòn ống quang thừng và nông hội đỏ, phụ lão, thanh niên tích cực tham gia làm cách mạng. Tối tối hàng trăm người tập trung khi thì tại sân đền, đình khi thì ở chợ, lúc ở nhà dân luyện tập võ và học các ca khúc cách mạng tạo khí thế và lôi cuốn quần chúng tham gia ngày thêm đông.

Ông Lương Đức Vinh, con trai lão thành cách mạng Lương Minh Như ở thôn An Thái chia sẻ: Theo bố tôi kể lại thì ngày đó, khi có sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ và thanh niên yêu nước trong xã rất hào hứng, một lòng đi theo cách mạng. Để trang bị vũ khí cho lực lượng tự vệ trong làng, trong xã hoạt động, các gia đình, kể cả hộ nghèo đói cũng cố đóng góp gạo, tiền, sắt, đồng để bí mật rèn kiếm, mã tấu cho anh em luyện tập, chiến đấu. Gần đến ngày khởi nghĩa, một số hộ kinh tế khá còn ủng hộ vải để may cờ Tổ quốc, mua giấy phục vụ đội tuyên truyền làm khẩu hiệu cổ vũ phong trào cách mạng.

Tối ngày 17/8/1945, lực lượng tự vệ cứu quốc Thịnh Quang thành lập ủy ban khởi nghĩa và tổ chức lực lượng tuần hành, biểu dương sức mạnh đi khắp các trục đường từ làng trên tới xóm dưới. Đi tới đâu đoàn hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh! Đả đảo đế quốc Pháp, phát xít Nhật! Việt Nam độc lập vạn tuế!”. Tiếng hô hòa cùng tiếng gõ mâm, nồi, thúng, mẹt của đội thiếu niên nhi đồng và bà con hai bên đường vang dội khiến bọn địa chủ, cường hào ác bá khiếp đảm. Lực lượng tự vệ đi đầu với gậy gộc, giáo mác trong tay, giương cao cờ đỏ sao vàng, hát vang bài “Cùng nhau đi hồng binh”. Trong hai ngày 18 - 19/8/1945, quần chúng cách mạng ở các làng An Thái, Trung Kinh, Đông Thổ, Văn Hanh, Phú Ân tiếp tục chuẩn bị lực lượng tổ chức tuần hành, trấn áp bọn tay sai, địa chủ, thực dân phong kiến.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: Qua các nhân chứng lịch sử kể lại, nhân dân Lê Lợi hôm nay không thể nào quên hình ảnh: Sáng ngày 20/8/1945, tại sân đình Trung Kinh, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ và đông đảo các tầng lớp nhân dân tập trung tổ chức mít tinh, dự lễ chào cờ và nghe đồng chí Lương Mạch thay mặt ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố lật đổ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thực dân Pháp và xóa bỏ hoàn toàn bộ máy cai trị của chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, xóa bỏ hết sưu thuế, xóa nợ, giảm tô cho tá điền và trả lại tất cả ruộng đất, đồ đạc cho nông dân...

Cụ Vũ Thị Gái, 85 tuổi, thôn Trung Kinh, xã Lê Lợi nhớ lại: Sau tuyên bố của ban lãnh đạo khởi nghĩa, cả sân đình Trung Kinh ào ào như biển sóng hô vang “Việt Minh muôn năm” và vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Những người nông dân sống chìm trong đời nô lệ và vừa trải qua nạn đói giờ được sống đời tự do, có đất để cấy cày, có cơm để ăn, tất cả diễn ra như một giấc mơ.

Khắc Duẩn