Thứ 6, 22/11/2024, 09:21[GMT+7]

Thượng Hiền: Nghề đan mây ngày ấy, bây giờ

Thứ 4, 23/08/2017 | 08:44:18
4,175 lượt xem
Chúng tôi đến Thượng Hiền (Kiến Xương) vào ngày đầu thu, nắng trải vàng trên các cánh đồng lúa đang thì con gái, nước mương trong xanh rào rào chảy vào các cửa ruộng. Đã vào giai đoạn nông nhàn, đồng làng chỉ còn rất ít người, nhà nhà ai nấy hối hả vào việc chuyển mây, chẻ, phơi sấy mây sợi và làm các mặt hàng xiên.

Nghề đan mây truyền thống ở Thượng Hiền. Ảnh: Ngọc Linh.

Trò chuyện với ông Phạm Bá Tào - một người cao tuổi có nhiều năm trong nghề chúng tôi được biết nghề đan mây ở Thượng Hiền có từ những năm 30 của thế kỷ trước do cụ Cửu Thơi người làng làm quan ở Sơn Tây du nhập về. Nghề đan mây ở Thượng Hiền ban đầu chỉ làm vài mặt hàng đơn giản như làn xách, gối. Vào những năm 60, 70, 80, nghề đan mây ở Thượng Hiền đã thu hút hầu như cả làng, sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau như mặt ghế, gối, làn xách, các loại đĩa, giỏ, giành, lẵng, khay, thuyền thắt... xuất sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu.

Ngoài các gia đình làm gia công, xã còn thành lập được hợp tác xã mây đan với hàng trăm xã viên có trụ sở làm việc khá khang trang (nơi UBND xã bây giờ) và được nhà nước khuyến khích cho hưởng một số quyền lợi như tem phiếu gạo, tem phiếu thực phẩm... Làng nghề đan mây ở Thượng Hiền ngày ấy không chỉ góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương mà còn có ảnh hưởng rộng được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh biết, đến tìm hiểu, học tập và đưa về địa phương mình để tổ chức cho nhân dân làm như Quỳnh Phụ, Vũ Thư (Thái Bình), Quỳnh Lưu (Nghệ An) và một số địa phương khác ở các tỉnh phía Nam. Để giữ vững và phát triển làng nghề, ngoài việc tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, địa phương còn khuyến khích mở rộng việc trồng cây mây cung ứng nguyên liệu tại chỗ và đã thành lập được một doanh nghiệp trồng cây mây nguyên liệu, hai doanh nghiệp bao tiêu các sản phẩm làm ra để xuất khẩu. Có thể nói trước năm 1990 là thời kỳ hoàng kim của làng nghề ở nơi đây.

Làng quê Thượng Hiền. Ảnh: Ngọc Trâm.

Sau một số năm trầm lắng, suy giảm mà nguyên nhân cơ bản là từ sự chuyển đổi cơ chế kinh tế và thị trường tiêu thụ bị co hẹp do sự sụp đổ của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu cùng việc cạnh tranh giữa các địa phương cũng có nghề mây đan và các mặt hàng đồng loại thì bây giờ làng nghề đan mây ở Thượng Hiền đã lấy lại được “phong độ” và có sự khởi sắc rõ nét. 

Ngoài việc tiếp tục sản xuất các mặt hàng hoa, hàng xiên truyền thống, một bộ phận người dân còn sản xuất mây sợi (cả cật và ruột mây) cung ứng cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Những xe có trọng tải lớn, biển số trong tỉnh và tỉnh ngoài liên tục về làng cung ứng cho làng nghề hàng chục tấn mây nguyên liệu mỗi lần. Nhìn bà con từ các ngõ xóm hối hả vận chuyển mây cây từ ô tô xuống chở về nhà để kịp sơ chế, giữ cho mây không bị biến chất, mây chẻ ra sợi trắng và nuột còn trên các nóc nhà mái bằng và tường rào mây sợi được trải ra hong nắng nuột nà óng ả như những dải mây trời chúng tôi hiểu rằng làng nghề đan mây ở Thượng Hiền đã có sức sản xuất khá.

Làm việc với Chủ tịch UBND xã Tạ Văn Hải, chúng tôi càng hiểu rõ hơn bước thăng trầm của làng nghề mây đan ở Thượng Hiền và tương lai của nó. Anh Hải cho biết: Tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng để giữ vững được làng nghề vẫn còn là một thử thách đối với chúng tôi. Anh phân trần: Các anh biết đấy, trong cơ chế thị trường thì lợi nhuận được đặt lên hàng đầu nên hiện tại làng nghề đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và sự yếu kém trong cạnh tranh chất lượng hàng hóa sản phẩm do việc nhiều địa phương cũng đã có nghề này, mặt khác bây giờ không còn nguồn nguyên liệu tại chỗ như trước nữa. Mặc dù vậy, với lòng yêu nghề và truyền thống của làng nghề, hiện tại làng nghề mây đan ở Thượng Hiền vẫn ổn định và có quy mô sản xuất khá với gần 800 gia đình, chiếm 40% số hộ trong toàn xã tham gia sản xuất. Các hộ làm các mặt hàng hoa, hàng xiên ngoài một số hộ tự tìm được nơi tiêu thụ còn lại đều được Công ty Mây tre đan xuất khẩu tư nhân Dinh Doanh ở xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Qua thăm một số gia đình chúng tôi thấy rõ nghề đan mây ở đây không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho số đông lao động, nhất là người cao tuổi, phụ nữ mà còn góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Anh Hải cũng cho biết, nhờ có nghề mây đan mà nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo, một số hộ đã có kinh tế khá, nuôi được các con học đại học và xây được nhà cửa khang trang. Nghề mây đan cũng đã góp phần vào việc đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã tăng đáng kể. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững nghề truyền thống và phát triển mạnh hơn, tỉnh, huyện và các ngân hàng cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn ưu đãi để xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Phạm Xuân Nghiên
(CTV)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày