Thứ 4, 26/06/2024, 10:38[GMT+7]

Chiếc bàn thờ bí mật tại Phủ Chủ tịch

Thứ 6, 01/09/2017 | 18:17:32
6,329 lượt xem
Ðã 48 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đi vào “thế giới người hiền”. Ghi ơn Người, hàng nghìn công trình tưởng niệm Người đã được xây dựng tại các địa phương, hàng triệu gia đình Việt Nam lập bàn thờ Người. Tuy nhiên, ít người biết được, trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có 2 chiếc bàn thờ luôn ấm khói hương tưởng nhớ Bác.

Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Người lập 2 chiếc bàn thờ đặc biệt này là một người con quê hương Quỳnh Phụ, ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí

Với quãng thời gian được sống và trực tiếp bảo vệ Bác cùng những kiến thức chuyên ngành bảo tồn bảo tàng tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, ông Trần Viết Hoàn đã có nhiều đóng góp quan trọng để giữ gìn nguyên trạng những di sản của Bác trong Khu di tích. Từ năm 1988 đến năm 2004, trên cương vị Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông Trần Viết Hoàn đã vinh dự đón và hướng dẫn hàng trăm nguyên thủ quốc gia cùng hàng triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới cùng đồng bào trong nước đến tham quan nơi ở và làm việc của Bác. 

Trong tiết trời mùa thu những ngày tháng 8, cùng ông Trần Viết Hoàn, men theo những con đường nhỏ lát sỏi rợp bóng cây, tôi vào thắp hương tưởng niệm vị Cha già kính yêu của dân tộc trong Nhà 67, ngôi nhà nhỏ nằm cạnh nhà sàn nơi đã chứng kiến những ngày sống và làm việc cuối đời của Bác. Qua những lời kể rưng rưng niềm xúc động của ông Trần Viết Hoàn, ký ức những ngày mùa thu 48 năm trước lại ùa về. 

Là chiến sĩ cảnh vệ được sống và tham gia trực tiếp bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời của Người, nên ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, ngày 3/9/1969, ông Trần Viết Hoàn nhận nhiệm vụ mới đó là giữ gìn nơi ở và làm việc của Bác trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và chăm lo đào tạo cán bộ chuẩn bị cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau khi Bác mất, Nhà 67, nơi Người ở và điều trị bệnh những ngày cuối đời được bảo tồn nguyên vẹn. Nhớ Bác khôn nguôi, ông Trần Viết Hoàn và một số nhân viên tổ phục vụ bí mật lập một bàn thờ Bác trong Nhà 67. Chiếc bàn thờ “bí mật” đó được giấu kín đến ngày 2/9/1989, sau khi Đảng và Nhà nước chính thức công bố về ngày Bác mất và Di chúc của Người, ông Trần Viết Hoàn đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Phạm Văn Đồng vào Nhà 67 thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bàn thờ “bí mật”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói với ông Hoàn: Bác Hồ đã đi xa nhưng hương hồn Người còn mãi nơi này, chúng tôi đề nghị tìm một nơi trang trọng để thờ Bác. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bàn thờ tại Nhà 67 chính thức được công khai. Từ đó, chiếc bàn thờ trong Nhà 67 được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thắp hương mỗi khi đến viếng Bác. Bác mất ngày 2/9/1969, tức ngày 21/7 âm lịch, ngày 21/7 âm lịch năm 1994, trước bàn thờ Bác, ông Hoàn đã thay mặt nhân viên trong Phủ Chủ tịch sắp mâm cơm cúng giỗ Bác. Từ đó đến nay, đã thành thông lệ, đúng ngày 21/7 âm lịch hàng năm, những người trông coi, bảo tồn những di sản của Người trong Phủ Chủ tịch đều thực hiện nghi thức hiếu lễ này như một đạo lý dân tộc để tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu.

“Năm 2000, ông Vũ Kỳ thư ký của Bác bàn giao lại nhà làm việc cho Khu di tích, ngôi nhà nhỏ này là nơi trước đây được Bác dùng để ký những sắc lệnh quan trọng. Nhiệm vụ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh giao cho năm xưa, nay có điều kiện thực hiện, với tất cả lòng thành kính, năm 2001, 3 năm trước khi về hưu, tôi “xin” Bác căn phòng này làm nơi trang trọng để thờ Bác” -  ông Hoàn tâm sự. 

Dưới bóng cây xanh mát, phòng thờ Bác nằm cạnh ao cá, có cửa mở nhìn về khu nhà sàn nơi Người từng ở và làm việc, bên trong còn lưu giữ những hiện vật được Bác sử dụng trong những ngày còn sống. Trong phòng, bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh với dáng người thư thái, ánh mắt hướng về phía nhà sàn được trang trọng đặt chính giữa, sau lưng Người là biểu tượng hoa văn trống đồng, bên trên là bức hoành phi với 4 chữ “cần, kiệm, liêm, chính” và câu đối “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” như nhắc nhở mỗi người vào thắp hương tưởng nhớ Bác về những lời dạy mộc mạc, đơn sơ nhưng thấm đẫm đạo lý làm người của Bác năm xưa. Căn phòng này thường xuyên được các đoàn khách trong và ngoài nước tới dâng hương tưởng nhớ Bác.

 “Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn”, cùng nhiều hiện vật được bảo quản gìn giữ nguyên vẹn tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, 2 chiếc bàn thờ luôn ấm khói hương của muôn người thành kính tri ân dâng lên Bác như càng làm tăng thêm sự linh thiêng của địa chỉ đỏ này.

Minh Hưng