Thứ 3, 23/07/2024, 00:13[GMT+7]

An Hạ Đại Vương - vị tướng tài ái quốc trung quân

Thứ 2, 02/10/2017 | 09:24:20
2,536 lượt xem
Tại xã Đông Xuân (Đông Hưng) có ngôi đình Quán được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XIII. Đình là nơi thờ phụng An Hạ Đại Vương - vị tướng tài ái quốc trung quân của nhà Trần, là căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi giữ gìn và phát huy phong tục truyền thống, tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.

Đình Quán (xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng) thờ Thánh hoàng An Hạ Đại Vương được đầu tư xây dựng bề thế, uy nghiêm.

Ông Vũ Thế Sinh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý di tích đình Quán khẳng định: Theo các tài liệu nghiên cứu và sử sách ghi lại thì Thánh hoàng An Hạ Đại Vương - Thượng đẳng Phúc thần là anh ruột của Thái sư Trần Thủ Độ, con thứ của Đức Hoằng Nghị Đại Vương. Ngài làm quan và là vị tướng quân tài ba cuối vương triều Lý, đầu vương triều Trần. Ông cùng Thái sư Trần Thủ Độ dựng nghiệp vương triều Trần, nhiều lần đưa quân triều đình và Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) dẹp giặc Chiêm Thành - Chân Lạp và được cử làm Bá trưởng Châu Hoan bảo vệ bờ cõi phía Nam nước Đại Việt. Ông cùng quân dân Đại Việt đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ nhất (1258), góp phần làm nên hào khí Đông A thế kỷ XIII. Ngài và phu nhân Đàm Chiêu Trinh (em gái của Nguyên phi Hoàng hậu Đàm Thị An Toàn vợ vua Lý Cao Tông, mẹ vua Lý Huệ Tông) đã khai lập nên mảnh đất xã Hà Nội, tổng Hà Nội, năm 1926 đổi tên thành xã Trực Nội, tổng Trực Nội nay là xã Đông Xuân (Đông Hưng). Trong lúc chồng đi chinh chiến phương xa, phu nhân Đàm Chiêu Trinh chiêu dân trong vùng, khẩn hoang cày cấy, trồng lúa, trồng hoa, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, mở chợ, đào sông, khơi ngòi, mở bến, buôn bán giao thương sầm uất, được nhân dân trong vùng kính yêu, nể phục. Sau đó, bà trở vào Châu Hoan đoàn tụ cùng chồng sống trên đất vua ban.

An Hạ Đại Vương và phu nhân Đàm Chiêu Trinh hóa tại Châu Hoan. Sau 10 năm, ngày 13/1/1278 (năm Mậu Dần), vua Trần Thánh Tông chiếu chỉ cho dân nghinh thỉnh hài cốt ông bà về quê hương xã Hà Nội chôn cất. Vua cho dân mở hội tế lễ, làm lăng, khắc bia đá, lập miếu thờ. Vua Trần ban tặng 2 cây gỗ làm quan tài, tượng Đức ông và Đức bà, kiệu hoa, bài vị cho các đình làng xã Hà Nội. Để tưởng nhớ công lao to lớn của An Hạ Đại Vương, sau đó nhân dân đã xây dựng đình Quán uy nghiêm, bề thế và rước tượng Đức ông, Đức bà về thờ.

Ông Vũ Văn Bột, Trưởng ban Quản lý di tích đình Quán cho biết: 700 năm qua, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, đình Quán được đầu tư, tu bổ, tôn tạo xây dựng và di chuyển nhiều lần. Trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Quán là căn cứ cách mạng của địa phương, nơi hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Năm 2003, đình Quán được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Trước sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của đình Quán, không đáp ứng được việc thờ phụng Thánh hoàng An Hạ Đại Vương cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội của địa phương, năm 2013, UBND xã Đông Xuân cùng Ban Quản lý di tích đình Quán triển khai thực hiện dự án tu bổ, phục hồi đình Quán với tổng kinh phí dự toán 12 tỷ đồng. Ngày 4/12/2016, công trình khánh thành đưa vào sử dụng. Ngôi đình mang diện mạo mới, bề thế, uy nghiêm tọa lạc trên gần 4.000m2 đất gồm: nghi môn, 5 gian đại đình, 5 gian trung đình, 3 gian hậu cung, tả - hữu vu mỗi bên 3 gian cùng các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Đình không chỉ thờ Thánh hoàng An Hạ Đại Vương mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.

Ông Lê Hồng Cử, người dân thôn Lê Lợi II, thành viên Ban Quản lý di tích đình Quán khẳng định: Suốt cuộc đời An Hạ Đại Vương đã hết lòng vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ nước Đại Việt của 2 triều đại Lý - Trần. Ông là vị tướng tài ái quốc trung quân, hậu nhân chí đức, phù quốc trợ dân, là anh hùng trong sự nghiệp hiển hách đương thời, hào kiệt thanh danh, quang vinh hậu thế, tuy nhiên rất tiếc hiện nay các tài liệu ghi chép về ông còn rất ít. Hàng năm, địa phương tổ chức lễ hội đình Quán thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương đến tham dự, dâng hương, tế lễ, gắn kết tình làng nghĩa xóm, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Mặc dù hầu hết bà con trong làng không phải là con cháu họ Trần nhưng với công lao và đức hạnh của Thánh hoàng An Hạ Đại Vương và phu nhân Đàm Chiêu Trinh, ai cũng mong muốn được góp phần công sức nhỏ bé để phục dựng, giữ gìn đình Quán, đền đáp với công lao to lớn của ngài với dân, với nước.

Ông Vũ Văn Bột cho biết thêm: Ban Quản lý di tích đình Quán và người dân địa phương mong muốn thời gian tới các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân và bà con họ Trần khắp mọi miền Tổ quốc phát tâm công đức để có thêm nguồn kinh phí hoàn thiện, xây dựng ngôi đình đúng như thiết kế. Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam mời các nhà khoa học, sử học và chuyên gia có uy tín tổ chức hội thảo nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của An Hạ Đại Vương, có căn cứ làm hồ sơ đề nghị công nhận đình Quán là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, xứng tầm là nơi thờ phụng vị tướng tài ba, xứng với công lao to lớn và đức hạnh của ngài.

Mạnh Cường