Chủ nhật, 30/06/2024, 01:48[GMT+7]

Quỳnh Châu Vạn lý...

Thứ 2, 04/12/2017 | 08:30:02
2,029 lượt xem
Các nhà nghiên cứu về di sản văn hóa Hán - Nôm ở tỉnh ta và văn học Việt Nam ở nước ta có chung nhận xét: Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm là kiệt tác của văn học Việt Nam nhưng xét ở khía cạnh đời thực thì vẫn còn thua thơ chữ Hán của chính ông.

Đất và người Quỳnh Hải đã góp phần giúp Nguyễn Du trở thành nhà thơ vĩ đại của dân tộc và Truyện Kiều trở thành kiệt tác.

Minh chứng cho nhận xét trên là nhiều bài thơ chữ Hán mà Nguyễn Du viết trong giai đoạn “mười năm gió bụi” phiêu bạt ở quê vợ làng Hải An, ấp Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ) mà tiêu biểu là tập thơ Thanh Hiên tiền hậu tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm, trong đó có những bài thơ ai oán như Trệ khách, Quỳnh Hải nguyên tiêu, Sơn cư mạn hứng, Tự thán, Khất thực, Văn tế thập loại chúng sinh…

Bên lề lớp tập huấn “Nâng cao trình độ nhận thức lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ , Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương có trao đổi ngắn với tôi: Những người yêu thích Truyện Kiều đều có chung một cảm nhận là còn tiếng Việt thì còn được đọc Truyện Kiều và Truyện Kiều còn thì tiếng Việt vẫn trong sáng và tồn tại... Nhưng hầu hết người yêu thích Truyện Kiều lại ít biết đến “thập tải đoạn trường” của đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ gọi đó là “mười năm gió bụi” (1786 - 1796) khi phải sống một cuộc đời cơ cực, đói khổ, “tam sinh tích bệnh bần vô dược” (ba năm ốm không có tiền mua thuốc) lúc lánh nạn ở quê vợ và chính trong nỗi thống khổ ấy mà những vần thơ lay động đất trời đã được viết nên thành kiệt tác.  

Theo các nguồn khảo luận thì Nguyễn Du được sinh ra trong danh gia vọng tộc, phú quý bậc nhất cuối đời vua Lê chúa Trịnh ở ngay Hoàng thành Thăng Long. Cha ông là Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Ở kinh thành, dinh cơ nhà Nguyễn Nghiễm tầng tầng lớp lớp, người ăn kẻ ở, ngựa xe, võng lọng vào ra suốt ngày. Cuộc sống đoàn viên tưởng trường tồn nào ngờ biến cố lớn đổ ập xuống khiến gia đình họ Nguyễn tan nát. Sau khi Tể tướng Nguyễn Nghiễm mất, ba năm sau, thân mẫu Nguyễn Du cũng theo tiên tổ về trời. Nguyễn Du trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ năm mười ba tuổi. Không biết nương nhờ nơi đâu buộc ông phải tìm đến người anh cả cùng cha khác mẹ là Quận công Nguyễn Khản. Vận nước điêu linh cộng thêm biến cố gia đình, Nguyễn Khản đột tử đã xô đẩy cuộc đời nhà thơ vào cảnh phong ba bão táp khiến ông phải lang bạt kỳ hồ trong cảnh nghèo khổ một thời gian dài. May thay, làng quê nghèo Hải An, ấp Quỳnh Châu lại dang rộng đôi tay đón hàn sĩ. 

Bối cảnh lịch sử năm 1786, Nguyễn Huệ dấy binh, đem quân ra Bắc lấy cớ phù Lê diệt Trịnh. Quan lại trung thành với nhà Lê vô cùng lo sợ nhưng nhiều người lại không muốn hợp tác với nhà Tây Sơn. Trong cơn loạn ly ấy, quan quân họ tộc chúa Trịnh phiêu bạt khắp nơi. Nguyễn Du thuở đó còn là tập ấm (con nuôi) của một vị quan vô tự (không có con trai nối dõi) ở Thái Nguyên, giữ một chức võ quan rất nhỏ của triều đình nên chưa hiểu thấu nhà Tây Sơn mà trong lòng vẫn hướng về Lê triều nên cũng phải lánh nạn về sống tại quê vợ làng Hải An, ấp Quỳnh Châu từ 1786 - 1796. Ông về ở nhờ nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn và để giấu thân phận, ông cải trang thành một nông gia thuần phác, cố gắng hòa nhập cuộc sống thôn quê chờ ngày tái xuất. 

Mười năm gió bụi ở chốn quê nghèo ấy đã cho nhà thơ một vốn sống đời thực vô cùng phong phú có tác động không nhỏ đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Du, đặc biệt cuộc sống cơ hàn của kẻ chạy loạn mang thân phận làm khách của nhà thơ đã ảnh hưởng mạnh đến những tác phẩm quan trọng như Truyện Kiều và thơ chữ Hán của ông. Nhưng, cũng chính trong nỗi gian lao đó, đất và tình người ở quê nghèo Hải An đã góp phần tích cực làm nổi danh bậc hàn sĩ, giúp ông trở thành nhà thơ vĩ đại của dân tộc và Truyện Kiều trở thành kiệt tác. 

Tạp chí Hán Nôm số 4 (113) phát hành năm 2012 có đăng bài chuyên luận của nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn (quê làng Động Trung, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương), ông đã đưa ra nhiều tư liệu quý trong đó có tư liệu chứng minh trước khi về Hà Tĩnh lập nghiệp năm 1600 Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, cụ tổ 7 đời của Nguyễn Du đã có một hành trình từ Thanh Oai (Hà Tây cũ) đến Thái Bình rồi mới về Hà Tĩnh. 

Chính sử cũng ghi cụ Nguyễn Nghiễm, thân phụ của Nguyễn Du từng làm quan đồng triều với cụ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh, người làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng và Bảng nhãn Lê Quý Đôn, người thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà. Cả hai cụ Nguyễn Nghiễm và Lê Quý Đôn đã để lại chữ của mình trên những tấm bia ca ngợi công đức của Thiều quận công ở khu sinh từ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh tại làng Cao Mỗ. Thời Lê Trung Hưng, cụ Nguyễn Nghiễm làm quan đồng triều với cụ Đoàn Nguyễn Thục (thân phụ của bà Đoàn Thị Tộ, vợ Nguyễn Du sau này). Là bạn tâm giao với nhau, hai cụ họ Nguyễn và Đoàn khế ước gả con cho nhau với kết quả nên mối nhân duyên Nguyễn Du và Đoàn Thị Tộ. Đoàn Nguyễn Tuấn là anh trai của Đoàn Thị Tộ và là bạn học với Nguyễn Nễ anh trai Nguyễn Du. Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh thì nhiều triều thần nhà Lê đã chống lại Tây Sơn. Giữ đạo “tôi trung không thờ hai vua”, Nguyễn Du về làng Hải An quê vợ, trước nhất để giữ mạng sống sau thể hiện sự trung thành với nhà Lê. Về tá túc ở Hải An, Nguyễn Du là em rể đồng thời là người bạn văn chương tri kỷ của Đoàn Nguyễn Tuấn. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lập nhà Tây Sơn thay nhà mạt Lê, khâm phục hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Du đã thể hiện hình tượng hào hùng của hoàng đế thông qua nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều.

Thanh Hiên tiền hậu tập có bài thơ chữ Hán “Quỳnh Hải nguyên tiêu”, tả cảnh Quỳnh Châu đêm trăng rằm mà ở đây Nguyễn Du đã khóc thương cho thân phận bọt bèo của mình trong mười năm gió bụi. Xin được trích hai câu thơ ai oán, nghẹn uất trong tâm nhà thơ: Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc/Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên. Dịch là: Một trời xuân hứng không biết rơi vào nhà ai/Muôn dặm Quỳnh Châu đêm nay trăng tròn. Biến cố cuộc đời đã giúp nhà thơ nhận thức và thấm thía sâu sắc nỗi đau thân phận người dân loạn ly trong xã hội mà vua Lê chúa Trịnh tranh giành quyền bính thì cũng là lúc nhà thơ bị dày xéo bởi chiến tranh tương tàn. Đất trời vào xuân nồng ấm như thế mà tâm nhà thơ lại đau đớn trong tuyệt vọng: “Bạch đầu đa hận tuế thời thiên”.


Nhà văn Bút Ngữ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

Đại thi hào Nguyễn Du có tâm tình sâu đậm với vùng Quỳnh Hải. Ông lánh nạn mười năm ở làng Hới (còn gọi là làng Hải An), nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, trú ở nhà bạn thân Đoàn Nguyễn Tuấn, lấy em gái Đoàn Nguyễn Tuấn, sống trong tổ ấm mà ông gọi là “phong nguyệt sào”. Ở đây, ông đã viết bài thơ chữ Hán giàu cảm xúc về làng Hới, về trăng rằm tháng Giêng sáng đẹp, như người bạn chí côt vẫn tới thăm khi ông hoạn nạn: “Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên…/Bạch đầu đa hận tuế thời thiên/Tùng đồ liên nhữ dao tương kiến…”. Nguyễn Du còn thi phẩm thứ hai “Xuân nhật ngẫu hứng”, có câu “Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai” và bài thứ ba có tên “Xuân dạ”.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Việt Trung, nghiên cứu viên cao cấp Trường Đại học Thái Nguyên

Thân phụ của Nguyễn Du có mối quan hệ mật thiết với quan Chánh thủ hiệu Thái Nguyên là Hà Đình Bảng, ông này không có con. Tương truyền, Hà Đình Bảng là người mưu trí, giỏi võ thuật. Thời nhà Lê ông đã từng có công giúp vua Lê đánh tan giặc phương Bắc. Cuối năm 1782, chúa Trịnh mất, kiêu binh nổi loạn phế Trịnh Cán ở ngôi một tháng, lập Trịnh Tông làm chúa. Đoán trước thời vận, Tể tướng Nguyễn Nghiễm đã nhanh chóng cho Nguyễn Du lên Thái Nguyên làm con nuôi họ Hà. Năm 1784, ông quan họ Hà chết, chức quan Chánh thủ hiệu được giao cho Nguyễn Du. Hiện nay, tại xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên còn ngôi đền Cấm (đền Ông) là nơi thờ cha nuôi Nguyễn Du.


Nhà thơ Trịnh Công Lộc, chuyên viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương

Với tư cách của một kẻ sĩ trước vận mệnh của dân tộc “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” đã làm cho Nguyễn Du càng cảm thấy cô đơn về thân phận của một kẻ sĩ bất lực trước thời thế, cô đơn trong thân phận của một con dân trước một đất nước tan hoang bởi cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”. Như khối trầm tỏa hương thơm cho đời, tất cả “chất liệu khổ đau” của “mười năm gió bụi” đã làm thành khối tinh anh trong con người ông, chuyển tải thành những áng văn chương bất hủ lưu mãi muôn đời.


Quang Viện