Thứ 5, 04/07/2024, 09:19[GMT+7]

Làng ta đất xa tình gần

Thứ 6, 09/02/2018 | 09:00:13
4,224 lượt xem
Ở phía Bắc tỉnh Thái Bình, dòng sông Luộc là địa giới hành chính phân cách tỉnh Thái Bình với tỉnh Hải Dương. Nhưng từ hơn trăm năm trước, bên kia sông Luộc vẫn tồn tại hai thôn của Thái Bình là Đại Đồng (An Khê) và Trại Vàng (Quỳnh Hoàng), huyện Quỳnh Phụ. Đây cũng là hai thôn đặc trưng nhất trong gần 2.000 thôn, làng của tỉnh Thái Bình mà không nằm trong đất Thái Bình.

Theo các cụ cao niên trong thôn, thôn Đại Đồng (trước đây gọi là làng Chu) hình thành từ hơn 100 năm trước, khởi nguồn là một vùng bãi bên sông Luộc thuộc địa bàn xã An Khê, ban đầu chỉ có khoảng mười gia đình ngụ cư rồi ở lại lập nghiệp. Theo năm tháng phù sa bồi đắp, vùng đồng bãi lớn dần, sông Luộc đổi dòng ngăn cách Đại Đồng với thôn làng An Khê, đưa Đại Đồng liền kề với xã Hiệp Lực và thị trấn Ninh Giang (Hải Dương). Phù sa cho thêm đất, người sinh thêm người, đến nay, thôn Đại Đồng có tổng diện tích đất 55ha, 340 hộ gia đình với hơn 1.200 nhân khẩu.

Ông Nguyễn Quang Trách, Bí thư Đảng ủy xã An Khê cho biết: Với lợi thế đất đai màu mỡ, Đại Đồng là vùng trồng màu nổi tiếng. Song cùng với lợi thế về đất đai, người dân Đại Đồng cũng có tiếng là những người chăm chỉ, cần cù lao động. Làng Chu là làng sớm có phong trào cách mạng. Dù là vùng đất tách biệt với làng, xã An Khê, việc đi lại, giao thông chỉ trông chờ vào những con đò nhỏ nhưng từ thời kháng chiến chống Pháp, nhân dân Đại Đồng vẫn sát cánh cùng nhân dân các thôn trong xã như Lộng Khê, Hiệp Lực, An Quý đánh đuổi giặc. Qua hai cuộc kháng chiến, thôn Đại Đồng có 49 liệt sĩ, 7 mẹ Việt Nam anh hùng. Trong thời kỳ cả miền Bắc ra sức thi đua lao động sản xuất chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, HTX Đại Đồng dẫn đầu huyện về chăn nuôi lợn, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Những năm 1970 - 1980, HTX Đại Đồng chuyên trồng chuối, sản xuất rau cải bắp xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau khi khối các nước xã hội chủ nghĩa không còn, hoạt động sản xuất rau xuất khẩu dừng, nhưng người dân Đại Đồng vẫn gắn bó với đồng đất, với sản xuất rau màu. Chỉ có cấy lúa và sản xuất rau màu là nghề chính song với sự cần cù, chăm chỉ, đời sống của người dân thôn Đại Đồng luôn ở mức khá so với mặt bằng người dân nông thôn, là thôn có các phong trào thi đua mạnh trong xã và huyện.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Trách, mặc dù tách biệt về địa giới hành chính song mọi hoạt động quản lý giữa chính quyền xã với thôn, với nhân dân không hề bị gián đoạn mà dường như càng chặt chẽ hơn. Hiểu rõ sự khó khăn do sự cách biệt địa lý nên cấp ủy đảng, chính quyền xã cũng như huyện luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với nhân dân Đại Đồng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em học tập, nhân dân lao động, sản xuất, kinh doanh nâng cao mức sống của hộ gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội của thôn. Ngay sau hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của xã, huyện, nhân dân trong thôn đã tích cực đắp đê, làm thủy lợi. Trước kia một năm chỉ sản xuất được một vụ thì hiện nay ngoài hai vụ sản xuất lúa, nhân dân luân canh gối vụ sản xuất rau màu. Điểm trường mầm non cũng được đầu tư xây dựng những năm 1970 để tạo điều kiện thuận lợi cho con em xã viên được chăm sóc, nuôi dưỡng. 

Khó khăn nhất đối với Đại Đồng là hoạt động giao thông thông thương với xã, huyện nhưng từ năm 1989, bến phà An Khê hoạt động đã cơ bản giảm bớt khó khăn về giao thông cho bà con. Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đầu tư của huyện, xã và nhân dân đóng góp, hệ thống giao thông, thủy lợi trong thôn được đầu tư kiên cố hóa. Năm 2015, xã tích cực phối hợp với thị trấn Ninh Giang đưa nước máy về cho nhân dân trong thôn, đồng thời còn đóng góp 300 triệu đồng xây dựng Trường Tiểu học Ninh Giang tạo điều kiện cho trẻ em thôn Đại Đồng theo học tại trường. Với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Đại Đồng cùng với 3 thôn khác đã đưa xã An Khê về đích nông thôn mới năm 2014.

Chị Đỗ Thị Hợp, Phó Trưởng thôn Đại Đồng chia sẻ, dù tách biệt bởi con sông Luộc, giao thông vẫn phải qua phà nhưng mọi phong trào, chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện, xã phát động, triển khai, thôn Đại Đồng đều hưởng ứng sôi nổi và thực hiện hiệu quả bởi nhân dân Đại Đồng luôn tự hào và phát huy tốt truyền thống văn hiến, cách mạng của địa phương. Kinh tế phát triển, phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi, ở thôn Đại Đồng không có các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, nhân dân cần cù lao động nên cuộc sống ổn định, số hộ khá, giàu cao, số hộ nghèo thấp. Qua nhiều thời kỳ, đến nay, thôn Đại Đồng vẫn phát huy tốt lợi thế của vùng đất bãi với thế mạnh là trồng hoa màu. Đại Đồng là nơi cung cấp nguồn rau đáng kể cho thị trường. Trong thôn đã có 6 doanh nghiệp, cơ sở chuyên về thu mua, kinh doanh rau, củ, quả.

Lão đảng viên Lê Đình Hào 84 tuổi có gần 60 năm tuổi đảng chia sẻ, ông được sinh ra tại Đại Đồng. Trừ những năm tháng đi bộ đội đóng quân, chiến đấu xa nhà ông đều gắn bó với mảnh đất hình con dao hái này. Cả những người cao tuổi như ông cũng không cắt nghĩa được tại sao bị tách biệt bởi một dòng sông lớn, trải qua cả thời kỳ phong kiến và thực dân Pháp chiếm đóng song làng Chu vẫn thuộc về đất Thái Bình. Ông kể có đợt chính quyền thị trấn Ninh Giang đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thôn với mong muốn sáp nhập Đại Đồng vào Ninh Giang nhưng hầu hết người dân đều không có nguyện vọng sáp nhập bởi lý do họ vẫn còn mồ mả, tổ tiên, họ hàng ở bên kia sông và họ vẫn là người An Khê. Tách biệt bởi dòng sông Luộc, trước kia việc về làng phụ thuộc vào những chuyến đò có gây khó khăn cho bà con song từ ngày có phà, sự khác biệt hầu như không còn. Nếu bây giờ có mong muốn, người dân Đại Đồng chỉ mong có một cây cầu để thuận lợi hơn cho việc đi lại. 

Còn bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ Việt Nam anh hùng trong thôn chia sẻ, những gia đình chính sách như gia đình bà luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy,  chính quyền từ xã đến huyện. Các bác, cô đi lại thăm hỏi các gia đình luôn luôn nên đã thành quen mặt, nhớ tên. Có năm, gia đình còn được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua phà sang thăm, chúc tết. Đầu năm 2017 gia đình bà được tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở mới.  

Trên phà An Khê qua sông Luộc, người dân Đại Đồng vẫn ngày ngày trở về bờ Nam sông, họ gọi là về làng. Người từ các thôn khác trong xã khi sang Đại Đồng họ gọi là sang làng. Những ngày lễ hội hay những sự kiện quan trọng của xã, nhân dân Đại Đồng lại nô nức cùng nhau về làng, xã tụ hội. Các bà, các chị thôn Đại Đồng cùng học, ôn luyện, múa điệu Bát Dật đặc trưng, nổi tiếng của địa phương. 

Những ngày cuối năm hoặc trong tiết Thanh minh, người người, nhà nhà bên kia sông về làng cúng tổ, tảo mộ, thắp hương cho ông bà tổ tiên. Với người An Khê, qua hàng trăm năm và sau này mãi thế, thôn Đại Đồng là làng ta, đất xa nhưng tình gần.

Trần Hương