Thứ 7, 23/11/2024, 02:05[GMT+7]

Chốn thiêng xây nghiệp đế

Thứ 2, 12/02/2018 | 10:21:55
1,361 lượt xem
Trong tiềm thức của các bậc quân vương, tôn miếu và xã tắc là hai khái niệm hợp nhất có ý nghĩa là sự sống còn của một vương triều. Tiềm thức ấy cũng được coi là tư duy chính trị của vua chúa xây dựng thành hành trang chính trị trên phương diện ba việc lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia được lựa chọn, tính toán kỹ lưỡng là định đô, lập lăng miếu và kế sách hưng quốc, an dân…

Khu lăng mộ vua Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Triều đại nào cũng muốn thực thi ba nhiệm vụ chiến lược: định đô, lập lăng miếu và kế sách hưng quốc, an dân bằng các chính sách kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Vương triều Trần, vương triều phong kiến thịnh trị nhất trong các vương triều phong kiến Việt Nam thế kỷ XIII đã chọn Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà) xây tôn miếu. Đối với nhà Trần, hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định) mới định cư nên không được chọn làm đất xây lăng tẩm. Tìm về hương Tinh Cương thuộc phủ Long Hưng (Hưng Hà nay) con cháu tộc họ Trần (Tức Mặc) xác định Long Hưng là chốn thiêng nên đã di mộ tổ về Long Hưng an táng. Đây là đất tôn miếu triều Trần vào thời kỳ thịnh vượng, vẻ vang nhất của vương triều Trần. Sau khi hưng nghiệp, phát tích, nhà Trần đã chọn đất Thái Đường xây dựng Thọ lăng, Chiêu lăng, Dụ lăng, Đức lăng làm nơi an táng Thái thượng hoàng Trần Thừa và các vua Thái Tôn, Thánh Tôn, Nhân Tôn cùng lăng của Tuyên từ Thái hậu…

Tịch dương đã phủ bóng tôn miếu Trần triều trải dài gần tám trăm năm, ngoảnh nhìn quá khứ ta có thể thấy đất Long Hưng có lợi thế “nhân khang, vật thịnh” hơn cả Tức Mặc để nhà Trần dễ dàng lựa chọn đất lập tôn miếu. Xét về mặt địa lý, Long Hưng cách Tức Mặc không xa, đi tắt qua sông Hồng một đoạn ngắn là tới Thiên Trường. Long Hưng cũng không xa kinh thành Thăng Long là mấy, lại có sông Hồng là đường thủy giao thông huyết mạch. Long Hưng là nơi đất cao ráo, đất đai màu mỡ lại có sông Hồng, sông Luộc tự nhiên là hào bảo vệ. So với các cửa ngõ đường bộ, đường thủy của biên giới phía Bắc, Long Hưng nằm sâu trong thế phòng thủ. Hương Tinh Cương vốn nổi tiếng cư dân đông đúc, thóc lúa và sản vật dồi dào chắc chắn là hậu phương lớn khi xảy ra chiến tranh vệ quốc. Theo các tài liệu khảo cứu, nhà Trần coi kinh đô Thăng Long là trung tâm chính trị - văn hóa, hành cung Tức Mặc là nơi nghỉ ngơi, theo dõi các hoạt động cung đình của thượng hoàng. Thiên Trường là căn cứ của vua Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1285), đó được coi là xã tắc. Tôn miếu nhà trần ở Long Hưng luôn được coi là chốn thiêng, chả thế mà sau khi đại thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng (Lăng vua Trần Thái Tông). Nhìn con ngựa đá, linh vật coi sóc tôn lăng lấm bùn, nghiêng ngả, nhà vua xúc cảm thành thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Dịch là:

“Đất nước hai phen chồn ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng”.

Với nhà Trần, tôn miếu ở Long Hưng không chỉ là trung tâm tín ngưỡng cung đình, nơi đây không chỉ diễn ra những nghi lễ an táng, thờ cúng tôn tộc mà còn là nơi diễn ra những sự kiện chính trị có ý nghĩa ở tầm quốc gia. Toàn thư ghi: mùa thu Kỷ Mùi (1259), vua Trần Thánh Tôn về bái yết Sơn lăng, đặt quan Sơn lăng và phong các cung tần của tiền đế (Trần Thái Tôn) để thờ cúng. Ngày 15 tháng 5 Ất Dậu (1285) trên đường hành quân chống giặc Nguyên - Mông, ngay sau khi thắng trận Trường Yên, Chương Dương, hai vua Trần Thánh Tôn và Trần Nhân Tôn đã về Long Hưng làm lễ bái yết để báo tiệp và tăng thêm ý chí chiến đấu cho triều đình và tướng sĩ. Đặc biệt, lễ mừng đại chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba Mậu Tý (1288), nhà Trần lại về tôn miếu ở Long Hưng bái yết tổ tông, mừng lễ chiến thắng đem theo cả tướng giặc là Tích Lệ Cơ, nguyên soái Ô Mã Nhi, tham chính Sầm Đoạn và Phàn Tiếp, Điền nguyên soái và các vạn hộ, thiện hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu lăng. Mùa hạ năm Nhâm Tý (1312) vua Trần Minh Tôn đi tuần thủ biên giới phía Nam về cũng làm lễ báo tiệp tại lăng miếu các tiên đế ở Long Hưng. Sử cũ ghi: “Xa giá trở về, dâng lễ thắng trận ở các lăng phủ Long Hưng”. Sử cũ cũng ghi tháng Giêng, Mậu Tý (1288) quân Ô Mã Nhi tiến đánh phủ Long Hưng, chúng quần đảo Long Hưng cốt để tìm ra vua Trần, không tìm được, chúng đã hèn hạ cho quân đào tung lăng miếu nhà Trần, phá Chiêu lăng, đốt phá các lăng tẩm còn lại. Cuộc chiến chông Nguyên - Mông lần thứ ba (1288) nhà Trần để mất kinh thành Thăng Long mất cả tôn miếu nhưng lạ thay, quân giặc không hề chạm được đến chi mộ của ba vua Trần. Kinh thành Thăng Long và cả tôn miếu nhà Trần đã rơi vào tay giặc, bị giặc tàn phá nhưng Đại Việt lại không mất. Gần tám trăm năm trôi qua những đặc trưng độc đáo của lịch sử thời nhà Trần vẫn còn được nhắc tới, đứng ở khu di tích lăng mộ nhà Trần ở Tiến Đức (Hưng Hà) vẫn nghe đâu đây tiếng tim đập, chân run, hồn siêu, phách lạc của Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi, Sầm Đoạn… khi bị giải về Chiêu lăng làm lễ bái yết.

Kể từ mùa xuân Mậu Tý (1288) đến mùa xuân Mậu Tuất (2018) đã 730 mùa hoa đào khoe sắc mà hai câu thơ của Trần Nhân Tông vẫn chứa đựng trong nó sự tồn tại đối xứng và chuyển hóa cho nhau giữa các khái niệm đối lập “chiến tranh” và “hòa bình”. Chiến tranh trong một lúc, hòa bình là mãi mãi. Để tạo ra nền hòa bình muôn thuở, quân dân Đại Việt đã phải chịu gian lao trong chiến tranh. Hơn tất cả là sức mạnh giữ nước, hưng thịnh đất nước ở chính từng con người Việt Nam, khối đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc với ý thức độc lập dân tộc trên hết và tinh thần đấu tranh bất khuất để bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta đã cứu nguy cho vương triều ngay cả trong thời khắc hiểm nghèo nhất, khi mà non sông và tôn miếu đều rơi vào tay giặc.

Ông Hoàng Đình Nhưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Địa bàn xã Tiến Đức được các vương triều coi là “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích và hưng nghiệp nhà Trần, có đền thờ các vua Trần (đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt). Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ xã Tiến Đức hiện có 615 đảng viên với 13 chi bộ. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2001, xã Tiến Đức được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Xã có 7 mẹ Việt Nam anh hùng, 12 lão thành cánh mạng tiền khởi nghĩa, 352 người con yêu dấu của quê hương đã anh dũng hy sinh, 176 thương binh, bệnh binh, 106 người nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Các tổ chức chính trị  - xã hội của xã hoạt động khá, tốt.


Ông Trần Ích Chấn, 90 tuổi, cán bộ hưu trí, thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Tam Đường là làng Việt cổ, nằm ở thế đất cao, sớm có người tụ cư lập nghiệp. Để tưởng nhớ những bậc tiền nhân có công dựng nghiệp nhà Trần, hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng, làng có tục làm cỗ cá. Lễ rước nước từ sông Hồng về đền Trần cũng được dân làng tổ chức. Ngoài ra, làng còn lệ giao hảo giữa hai làng Tam Đường và Vân Đài. Lễ giao hảo có tục làm cỗ cá dâng các vua Trần. Có cỗ kép và cỗ đơn. Cỗ kép 20 cỗ, mỗi cỗ là một con cá trắm và 4 con cá chép. Cỗ đơn có 22 cỗ, mỗi cỗ là 5 con cá chép. Sau khi làm xong cỗ cá được đem thi, chờ đến đúng giờ Ngọ lập đoàn dẫn kiệu ra phía đầu làng đón chạ em Vân Đài vào đền, hai chạ cùng tiến hành dâng lễ và tổ chức tế các vua Trần.
 


Chị Trần Thị Kim Hương, giáo viên Trường Tiểu học Tân Lễ (Hưng Hà)

Đọc trong sử sách, được biết vùng đất Long Hưng đã được nhà Trần chọn làm nơi đặt tôn miếu. Sau mỗi lần chiến thắng quân Nguyên - Mông và bình Chiêm thắng lợi, các vị vua triều Trần đều về đây báo tiệp, tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ. Đặc biệt, trong lễ tế tổ và mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba, ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), vua Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc hai câu thơ bất hủ để ca ngợi tinh thần quyết chiến, quyết thắng chống giặc ngoại xâm của quân dân Ðại Việt và thể hiện tấm lòng của vua tôi nhà Trần đối với vùng đất và con người Long Hưng.


Quang Viện