Thứ 7, 28/12/2024, 04:11[GMT+7]

Phụ nữ Đông Hoàng Tích cực đưa giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất

Thứ 2, 11/03/2013 | 08:50:57
3,279 lượt xem
Không được chọn làm điểm xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu” của tỉnh, nhưng mấy vụ gần đây, Hội Phụ nữ Đông Hoàng đã mạnh dạn liên kết với các công ty giống đưa một số giống lúa năng suất, chất lượng và giá trị cao vào sản xuất theo hướng lúa hàng hóa để xây dựng những cánh đồng mẫu, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hướng đi này cũng để khẳng định phương châm “tốt giống, bội thu” của Thái Bình là đúng.

Vùng sản xuất lúa giống RVT tập trung, quy mô 84 mẫu của Đông Hoàng.

Đông Hoàng là xã ven biển của huyện Tiền Hải, bao đời nay, nhân dân vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông mà làm nông nghiệp có thu nhập hay không lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đất canh tác và 4 khâu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nơi đây có diện tích bị nhiễm chua, mặn lớn vì ở gần biển. Người dân đã làm nhiều cách để thau chua, rửa mặn nhưng chỉ giảm phần nào. Vấn đề đặt ra cho người dân Đông Hoàng là phải chấp nhận “sống chung với đất chua, mặn”, nghĩa là phải tìm ra những giống lúa thích ứng năng suất vẫn cao, chăm bón bằng loại phân, đạm có khả năng cải tạo đất, thúc đẩy sự sinh trưởng, kết bông của lúa. Qua một số công ty giống trong và ngoài tỉnh, chị em đã tìm ra lời giải cho bài toán khó đó là đưa các giống lúa ngắn ngày, có khả  năng chống chịu sâu bệnh, gạo ngon, cơm dẻo, năng suất cao hơn các giống lúa cũ, như: BC15, Q5, DT68, QR1, RVT vào sản xuất. Qua một số vụ các giống lúa này đã thể hiện khả năng vượt trội, hiện đang được trồng đại trà, với diện tích lớn.

Vụ mùa năm 2012, Hội Phụ nữ Đông Hoàng phối hợp với Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Công nghệ xanh Thành Châu triển khai mô hình trình diễn sử dụng phân bón vi sinh Azotobacterin, kết hợp cấy lúa BC15, lúa giống RVT, với sự tham gia của 2 gia đình hội viên. Chị Nguyễn Thị Châu, cấy 5 sào Q5, được hỗ trợ 100% lúa giống và 125 kg phân vi sinh, 10 kg kali, cách bón như sau: 25 kg vi sinh, 3 kg kali, 2 kg phân urê trên một sào. Chị Trương Thị Sợi, cấy 5 sào lúa giống RVT, được hỗ trợ 50% phân và giống, cách bón như sau: 10 kg vi sinh, 13 kg NPK (bón lót), 13 kg NPK (bón thúc) trên một sào lúa. Cả 2 mô hình, Hội phụ nữ đều kết hợp với gia đình theo dõi, giám sát chặt chẽ, sau bón lót một tuần, các chị đã lội xuống ruộng để kiểm tra sự hoai mục của gốc rạ.

Chị Tạ Thị Chung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã khẳng định: khi lội xuống ruộng kiểm tra thấy đất mềm, cảm giác mát chân, gốc rạ đã phân hủy hết, không mất công cắt và đốt gốc rạ gây khói, bụi ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của nhân dân, thậm chí là tai nạn giao thông, tiết kiệm công làm đất, khi cấy không phải đi dìm gốc rạ như trước đây, lại còn giúp cải tạo, giảm ngộ độc hữu cơ và phèn trong đất, chống nghẹt rễ, cung cấp dinh dưỡng cho đất và cây lúa. Chị Trương Thị Sợi lần đầu cấy lúa giống RVT kết hợp bón phân vi sinh thấy: thân cây và lá cứng, ít bị nhiễm bệnh, số lần phun thuốc sâu ít hơn các giống lúa khác, cho năng suất cao (trên 2 tạ/sào), cơm ngon, đậm, hạt cơm trắng bóng, dai, không dính… Còn đối với chị Nguyễn Thị Châu, đây không phải lần đầu chị cấy giống lúa Q5, nhưng việc kết hợp bón phân vi sinh đã làm tăng năng suất, chất lượng gạo, các vụ lúa tiếp theo chị sẽ cấy giống Q5 và RVT, bón bằng phân vi sinh, để tăng thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ và UBND xã Đông Hoàng đã tiếp nhận dự án cấy 84 mẫu lúa giống RVT (30,4 ha) trên những diện tích ruộng dọc ven đường của 4 thôn (Bạch Long, Nguyễn Đức, Đông Hoàng, Tân Lạc), với 107 hộ tham gia. Công ty Giống cây trồng Trung ương về tận nơi thu mua 100% thóc tươi ngay sau thu hoạch, với giá 6000 đồng/kg, khiến bà con rất đỗi vui mừng, bởi giá thành cao, lại không phải mất công phơi thóc. Chị Tạ Thị Chung, phấn khởi cho biết: Vụ chiêm xuân năm 2013, toàn xã Đông Hoàng cấy được khoảng trên 40 ha lúa giống RVT (tăng so với vụ mùa 2012 hơn 10 ha), riêng Hội Phụ nữ cấy 21 mẫu – là diện tích Hội đứng lên đấu thầu đất theo quyết định của UBND tỉnh. RVT không chỉ được cán bộ, hội viên phụ nữ mà hầu hết bà con nông dân chọn lựa để gieo, cấy. Mới qua 2 vụ lúa mà giờ đây trên cánh đồng Đông Hoàng, cây lúa giống RVT đã chiếm trên 10% diện tích đất lúa của toàn xã. Với tốc độ nhân rộng nhanh như vậy, chỉ vài vụ nữa, cây lúa giống RVT sẽ chiếm vị trí độc tôn trong lòng người nông dân và trên cả cánh đồng. Những cánh đồng mẫu sản xuất lúa hàng hóa, có thêm cơ hội hình thành sớm ở Đông Hoàng, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Tiền Hải và sớm đưa chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng cánh đồng mẫu để xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống.

Trước giống lúa VRT, cán bộ, hội viên phụ nữ và bà con nông dân xã Đông Hoàng đã cấy các giống lúa BC15, Q5, DT68, QR1 có ưu điểm: ngắn ngày, chống chọi tốt với sâu bệnh, năng suất, giá bán cao, thay thế dần các giống lúa cũ như: Khang dân, Bắc thơm…  Hiện, trên cánh đồng Đông Hoàng, diện tích cấy giống lúa DT68 chiếm gần 15 ha (năng suất đạt 54 - 58 tạ/ha), lúa QR1 chiếm 35 ha (năng suất khoảng 55 - 59 tạ/ha), lúa gặt đến đâu, Viện Di truyền Nông nghiệp mua tươi hết đến đó, với giá 6.500 đồng/kg; giống lúa BC15 của Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình chất lượng gạo ngon, thích ứng cả trên vùng đất chua mặn như ở Đông Hoàng, chịu rét khá, năng suất tương đương QR1 cũng có diện tích khá cao.

Muốn có những vụ mùa bội thu, muốn xây dựng được cánh đồng mẫu, không chỉ chú trọng việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng mà áp dụng KHKT, đặc biệt là chọn lựa những loại giống lúa năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất tập trung, quy mô cũng cần được coi trọng. Cấp ủy, chính quyền, Hội Phụ nữ, các tổ chức đoàn thể ở Đông Hoàng đang đi theo hướng đó và chắc chắn sẽ thành công.

Thu Hiền 

(Tác phẩm tham dự viết về đề tài nông thôn mới)  

  • Từ khóa