Thứ 7, 28/12/2024, 04:01[GMT+7]

Kết quả bước đầu sau dồn điền đổi thửa ở Đông Quý

Thứ 6, 22/06/2012 | 10:41:46
3,000 lượt xem
Là xã nội đồng, độc canh cây lúa, không có nghề phụ, Đông Quý (Tiền Hải) xác định chỉ có quyết tâm hoàn thành công tác đồn điền đổi thửa, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu thập cho người dân, phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 10 và tạo thuận lợi cho việc huy động sức dân để hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.

Các Chủ nhiệm HTX DVNN của 35 xã, thị trấn (Tiền Hải) tham quan, học tập mô hình trồng lúa “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thật SRI tại xã Đông Quý.

Đông Quý có tổng diện tích canh tác hơn 300 ha, không có diện tích màu. So với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, ruộng Đông Quý còn manh mún (2,16 thửa/hộ), nhiều bờ, nhỏ không thuận lợi để cơ giới hóa; thiếu điều kiện để áp dụng cải tiến bộ KH-KT mới. Xác định muốn tạo đột phá trong nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa đạt giá trị kinh tế cao, quý IV – 2011 Đông Quý tiến hành dồn điền đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới. Phát huy tinh thần “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tháng 11/2011, toàn xã đã hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn, trở ngại này. Tổng số hộ đăng ký xin dồn đổi ruộng đất là 1.644 hộ, bình quân chung sau dồn đổi còn 1,22 thửa/ hộ, giảm 43,52% số thửa/hộ so với dồn điền đổi thửa năm 2004.  Trong đó có 1.261 hộ nhận 1 thửa, không có hộ nào 3 thửa. Cùng với dồn điền đổi thửa, nông dân Đông Quý còn tình nguyện góp 10m2 đất/sào để làm quỹ đất xây dựng giao thông, thủy lợi (GTTL) nội đồng. Hệ thống các bờ vùng, bờ thửa, mương, máng... cũng được đào đắp xong trong năm 2011 với 85.000 m3 đất. Các hạng mục công trình xây lắp như cống qua đường 5m dẫn nước vào mương cấp 3, hệ thống đầu khâu, phai điều tiết nước, cống bi... cơ bản cũng hoàn thành.

Ông Ngô Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải đánh giá, Đông Quý chẳng những dẫn đầu trong công tác dồn điền đổi thửa mà còn là xã điển hình trong quy vùng sản xuất lúa hàng hóa. Sau thắng lợi đồn điền đổi thửa, xã quy được 5 vùng sản xuất lúa chất lượng cao và cây vụ đông ở 5/5 thôn. Vùng sản xuất lớn nhất thuộc cánh đồng thôn Hải Nhuận rộng tới 73ha. Vùng sản xuất nhỏ nhất ở thôn Ốc Nhuận cũng đạt 38ha. Ngoài ra, Đông Quý còn quy hoạch được một vùng chăn nuôi tập trung rộng 13,7ha, một vùng chuyên màu, khu chế biến nông sản rộng 40 ha. Căn cứ theo quy hoạch vùng, ngay vụ xuân 2012 xã đã thực hiện cấy 1 loại giống lúa ở hai cánh đồng thuộc hai thôn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hà Ngọc Chữ, mục tiêu trong những năm tới, xã gieo cấy 100% lúa thuần, trong đó 85% lúa chất lượng cao bán giống cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình. Cấy lúa giống và lúa chất lượng cao cho giá trị gấp 1,5 - 1,8 lần so với lúa thường, bình quân thu nhập 2,3 - 2,6 triệu đồng/sào/vụ. Hàng năm xã xuất bán từ 750 - 850 tấn, quy ra tiền đạt 8,6 - 10 tỷ đồng, nhiều hộ gia đình xã viên có thu nhập 35 - 40 triệu đồng từ lúa. Nay hoàn thành việc quy vùng sản xuất, chắc chắn hiệu quả kinh tế tăng cao hơn nữa. Song hành DĐĐT và quy vùng sản xuất, bước vào vụ xuân 2012, Đông Quý tiếp tục áp dụng các tiến bộ KHKT, trong đó áp dụng mô hình “ba giảm, ba tăng” và kỹ thuật SRI trong sản xuất lúa chất lượng cao. Chỉ còn ít ngày nữa bước vào thu hoạch vụ xuân 2012, nông dân cả xã hồi hộp chờ đón kết quả “mắt thấy, tai nghe” của mô hình.

Ông Nguyễn Ngọc Trìu, trưởng thôn Quý Đức cho biết,  thôn tham gia dự án trên diện tích 20 ha với 107 hộ nông dân, bước đầu đã có nhiều tín hiệu khả quan. Trong cùng một giống lúa cấy trong dự án giảm được 57 kg đạm Urê/ha; giảm một nửa số lần phun thuốc trừ sâu, giữ được thiên địch – sinh vật có lợi cho cây trồng. Đặc biệt, thời gian sinh trưởng của lúa xuân rút ngắn được từ 5 đến 7 ngày giúp khắc phục trễ thời vụ và tạo quỹ đất cho sản xuất vụ đông. Theo bà con nông dân đánh giá năng suất lúa khoảng 81 tạ/ha, thu nhập tăng gần 7,7 triệu đồng/ha/vụ. Bà con nông dân rất phấn khởi, hồ hởi tham gia thực hiện mô hình, làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật từ khâu làm đất, ngâm ủ thóc giống, gieo cấy, chăm bón... Nếu mô hình được triển khai trong toàn xã, mỗi vụ sẽ tăng thu nhập khoảng 230 triệu đồng. Mong ước trở thành nơi sản xuất lúa chất lượng cao và làm lúa giống có thương hiệu đang được nuôi dưỡng trong nếp nghĩ, cách làm của cán bộ và nhân dân Đông Quý. Trong kế hoạch vụ mùa 2012, xã xây dựng cơ cấu 100% giống ngắn ngày, trong đó 70% là giống chất lượng cao. Cả 5 thôn đều đăng ký mỗi thôn có một cánh đồng cấy một giống lúa chất lượng cao, ứng dụng “ba giảm, ba tăng” và kỹ thuật SRI. Từ vụ xuân 2013, tiếp tục thực hiện và nhân ra diện rộng mô hình này, đồng thời tiếp tục đưa vào 7 giống lúa cấy khảo nghiệm.

Đông Quý nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự cố gắng bằng nội lực là chính, trong đó nông dân là chủ thể thực hiện, cán bộ, đảng viên “đứng mũi chịu sào”. Bước đầu đã thực hiện thành công dồn điền đổi thửa trong muôn vàn khó khăn và đã tạo dựng được những thửa ruộng cho giá trị kinh tế cao. Phía trước còn nhiều cam go, nhất là cơ sở hạ tầng của địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng, một bộ phận nhân dân và đảng viên còn hạn chế trong nhận thức về xây dựng NTM... Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM, trước mắt đóng góp kinh phí đối ứng để xây dựng, cứng hóa bờ vùng và mương cấp 3 với quan điểm làm từ đồng vào khu dân cư, dễ làm trước, khó làm sau. Trong xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, cùng với sự vào cuộc, hỗ trợ của Nhà nước, định hướng của cơ quan chuyên môn nhất thiết cán bộ, đảng viên trong xã phải tiên phong đi đầu, là tấm gương để thay đổi nhận nhức của người nông dân, chuyển từ thói quen thích làm riêng lẻ sang làm ăn tập thể. Được như vậy dồn điền, đổi thửa mới thực sự có ý nghĩa góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa (tiêu chí 1.1) mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đề ra.

Bài, ảnh: Phan Anh

(Bài dự thi viết về đề tài xây dựng Nông thôn mới)

  • Từ khóa