Thứ 3, 10/09/2024, 02:11[GMT+7]

Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình: 65 năm xây dựng và phát triển

Thứ 2, 26/03/2018 | 08:58:49
800 lượt xem
Qua 65 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành, Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh cũng như phong trào hoạt động của công nhân viên chức người lao động trong tỉnh. Hiện Công đoàn ngành đang tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua chào mừng đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XXIII Công đoàn tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội khỏe Phù Đổng cho các em học sinh.

Nhìn lại chặng đường từ khi thành lập đến nay, trong mỗi thời kỳ của cách mạng, Công đoàn ngành Giáo dục luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn địa phương, nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, của công đoàn cấp trên, phối hợp hiệu quả với chuyên môn, chủ động sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Ngay từ những giai đoạn đầu mới thành lập, tổ chức Công đoàn ngành Giáo dục đã chú trọng tập hợp, động viên đội ngũ nhà giáo phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, đẩy mạnh phong trào xóa mù chữ, phát động các phong trào thi đua dạy và học. Do đó, những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Thái Bình là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước (cùng với Hà Tĩnh) hoàn thành việc xóa mù chữ cho nhân dân toàn tỉnh, được Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng “Sổ vàng” danh dự, được Ủy ban Kháng chiến Liên khu 3 tặng danh hiệu “Tỉnh Quang Minh”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Giáo dục: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, Công đoàn ngành Giáo dục đã tổ chức cuộc vận động lớn trong ngành “Mỗi đoàn viên công đoàn là một chiến sĩ kiên cường”; “Mỗi trường học là pháo đài chống Mỹ”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”; “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Toàn ngành đã có 2.934 nhà giáo rời bục giảng, xa mái trường thân yêu lên đường nhập ngũ, có 970 nhà giáo vừa chiến đấu vừa công tác ở chiến trường B, K, C. Trên 1.200 đồng chí đã trở thành sĩ quan quân đội, 187 nhà giáo đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ khi đế quốc Mỹ tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc, phong trào nhận đỡ đầu con em cán bộ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc, các em học sinh K8 của Quảng Bình, Vĩnh Linh sơ tán ra miền Bắc, biết bao các thầy giáo, cô giáo đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em. Trong khó khăn ác liệt, phẩm chất hết lòng vì học sinh thân yêu lại được thể hiện sinh động bằng các việc làm thiết thực, tiêu biểu là tấm gương của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân, Trường cấp 2 Thụy Dân, Thái Thụy đã hy sinh trong khi đưa học sinh vào hầm trú ẩn tránh bom đạn.

Hưởng ứng phong trào “Hậu phương thi đua với tiền phương”, phong trào thi đua “Hai tốt” ở ngành Giáo dục Thái Bình nở rộ, tiêu biểu như phong trào: mẫu giáo Đông Phong (Đông Hưng), mẫu giáo Hồng Lĩnh (Hưng Hà), cấp I Thụy Thanh (Thái Thụy), cấp II Thanh Phú (Vũ Thư), An Bài (Quỳnh Phụ), Minh Thành (thị xã) và hàng trăm tổ lao động xã hội chủ nghĩa, hàng nghìn chiến sĩ thi đua giáo viên giỏi được công nhận hàng năm. Đặc biệt, cô giáo Hoàng Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hồng Lĩnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước, Công đoàn ngành Giáo dục tích cực tuyên truyền, vận động CBCNVCLĐ toàn ngành học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cùng với các cuộc vận động của ngành cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Các phong trào, các cuộc vận động vừa có sức sống bền lâu vừa mang lại hiệu quả to lớn, đã phát huy, tạo điều kiện cho mỗi cán bộ, giáo viên tự điều chỉnh và hoàn thiện mình về phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, ý thức khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên để thực hiện sứ mệnh cao quý của sự nghiệp “trồng người”. Từ các phong trào, các cuộc vận động đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, điển hình xuất sắc.

Với chức năng tham gia quản lý, các cấp công đoàn cùng chuyên môn tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức đầu năm học, xây dựng các quy chế phối hợp hoạt động. Công đoàn luôn sát cánh cùng chính quyền chia sẻ khó khăn trách nhiệm, giải quyết những vấn đề bức xúc mới nảy sinh. Động viên cán bộ, giáo viên thực hiện xuất sắc công tác xóa mù chữ phổ cập. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” phụ nữ “Hai giỏi”. Tổ chức các cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học, làm và sử dụng thiết bị dạy học, phối hợp tổ chức thi chọn giáo viên dạy giỏi các cấp học, cùng các cấp, các ngành động viên khen thưởng tôn vinh kịp thời cán bộ giáo viên đạt thành tích cao. Đặc biệt là cuộc vận động xã hội hóa giáo dục, công đoàn đã chủ động tham mưu tổ chức đại hội giáo dục các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng giáo dục công tác xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp công đoàn quan tâm sâu sắc. Toàn ngành đã nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, làm hàng chục nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong và xóa nhà dột nát cho người nghèo; đóng góp hàng trăm triệu đồng cứu trợ nạn nhân bị thảm họa thiên tai và nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, ủng hộ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa và làm nhà công vụ cho giáo viên. Đóng góp xây dựng quỹ mái ấm công đoàn trên 500 triệu đồng và đã hỗ trợ xây nhà ở cho 18 giáo viên khó khăn. Hàng năm hưởng ứng lời kêu gọi của hội chữ thập đỏ, CBCNVCLĐ toàn ngành đã tích cực tham gia ủng hộ vùng bị thiên tai lũ lụt bằng tiền và hiện vật, hiến tặng hàng trăm đơn vị máu...

Công đoàn ngành Giáo dục trao quà cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn huyện Kiến Xương.

Về nhiệm vụ xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại do cán bộ tốt hay kém”, Công đoàn ngành đã coi trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn như cung cấp tài liệu, tổ chức các cuộc hội thảo, hội thi mở các lớp bồi dưỡng. Đặc biệt những năm học gần đây để làm chủ và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho giảng dạy, quản lý, đề xuất với chuyên môn mở hàng chục lớp tin học, sử dụng internet cho gần 1.000 chủ tịch công đoàn và cán bộ quản lý của các trường để cán bộ chủ chốt đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác và giảng dạy.

Nhìn lại quá trình 65 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình, kể từ đại hội lần thứ nhất năm 1952 đến nay, Công đoàn ngành tổng kết ghi nhận qua 17 kỳ đại hội đã khẳng định sự phát triển nhanh chóng và vững chắc cả về tổ chức, số lượng đoàn viên và chất lượng đội ngũ. Đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng lên cả về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm đã giới thiệu cho các chi bộ đảng những đoàn viên công đoàn ưu tú để Đảng bồi dưỡng kết nạp hàng trăm đảng viên mới, đến nay tỷ lệ đảng viên toàn ngành 62,6%. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn từng cấp học: mầm non đạt 82,2%; tiểu học đạt 96,4%; THCS đạt 74,74%; THPT đạt 11,7%. Với sự nỗ lực hoạt động toàn diện trên các lĩnh vực, Công đoàn ngành đã góp phần xứng đáng đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thái Bình phát triển. Giáo dục Thái Bình luôn đứng ở tốp 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc: 3 tập thể, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 78 nhà giáo ưu tú. Truyền thống vẻ vang 65 năm là điểm tựa để Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình tiếp tục vững bước đi lên, xứng đáng là công đoàn của quê hương lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.

Phạm Đồng Huynh
(Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục)