Chủ nhật, 19/05/2024, 06:42[GMT+7]

Kiến Xương Nỗ lực thực hiện Nghị quyết về dạy nghề, tạo việc làm

Thứ 3, 25/09/2012 | 11:01:25
1,478 lượt xem
Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 – 2010 được cấp uỷ, chính quyền huyện Kiến Xương tích cực triển khai trên địa bàn.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc tại Trường dạy nghề thủ công mỹ nghệ huyện Kiến Xương

 Qua gần ba năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, số lượng cơ sở dạy nghề và hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện được quan tâm; số lao động được dạy nghề, truyền nghề đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động thí điểm mô hình dạy nghề đạt nhiều kết quả và đang được tích cực nhân ra diện rộng. 

Là huyện nông nghiệp, Kiến Xương có 95% dân số sống ở nông thôn, lao động chủ yếu làm nghề nông trong khi diện tích canh tác trên đầu người thấp (570 m2/người), vì vậy thu nhập không cao. Theo đồng chí Đinh Thanh Bình - Trưởng phòng Lao động TBXH Kiến Xương: hiện toàn huyện có 114.470 người trong độ tuổi lao động, bằng 68% tổng dân số, trong đó có 56.394 lao động nữ; 58.076 lao động nam. Hầu hết số lao động trên đều có nhu cầu có việc làm tăng thu nhập. Nhiều người trong lúc nông nhàn đã đi tìm việc ở các tỉnh ngoài, một số nhận làm hàng thủ công tại nhà, một số chọn hình thức xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, lao động ở khu vực nông thôn có trình độ thấp, chưa qua đào tạo hoặc mới chỉ tham gia các lớp truyền nghề, dạy nghề ngắn hạn, kỹ năng lao động chỉ mới phù hợp với lao động thủ công đơn thuần, hiện vẫn còn 75% lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo.  

Quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm, Huyện uỷ, UBND huyện Kiến Xương đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn của UBND tỉnh, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên, đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Ngay buổi đầu triển khai nhiệm vụ, Ban chỉ đạo đã chú trọng đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa của việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối vớicông tác đào tạo nghề cho người lao động. Hàng năm Phòng Lao động TBXH phối hợp cùng các phòng ban, đơn vị liên quan và các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể cho từng ngành học, từng đối tượng học viên. UBND huyện cũng chú trọng chỉ đạo các đơn vị, cơ sở dạy nghề mua sắm, nâng cấp các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề; chủ động vận động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của cấp trên để xây dựng, nâng cấp các trung tâm dạy nghề của huyện. Vì vậy các cơ sở dạy nghề trên địa bàn cơ bản đáp ứng yêu cầu của học viên.

Hiện Kiến Xương có một Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; hai trung tâm dạy nghề là Nam Thái và 27-7; một trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ; 33 làng nghề được tỉnh cấp bằng công nhận, hình thành 8 cụm làng nghề trong đó có 44 doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, 24 cơ sở chiếu cói, 18 cơ sở mây tre đan, 500 tổ hợp đều triển khai thực hiện công tác dạy nghề, truyền nghề cho người lao động. Thực hiện thí điểm mô hình dạy nghề, truyền nghề, các lớp học đều được đặt tại trường nghề, cơ sở dạy nghề của huyện và các trung tâm học tập cộng đồng của các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

Nhìn chung các mô hình dạy nghề đều đã phát huy tác dụng, mỗi năm tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Riêng mô hình đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp của trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ, trong hai năm qua đã đào tạo được 2467 học viên, trong đó có 1634 học viên là lao động nông thôn. Mô hình đào tạo nghề may, sửa chữa thiết bị may của Trung tâm dạy nghề dân lập 27-7 từ 2010 đến tháng 2-2012 đã đào tạo được 366 lao động có tay nghề vững, cung cấp lực lượng lao động cho các công ty may trên địa bàn huyện.

Mô hình truyền nghề đa móc len sợi tại các cơ sở sản xuất của các xã, thị trấn đa truyền nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 1169 lao động. Các mô hình liên kết dạy nghề cũng được chú trọng đưa vào thí điểm. Trường dạy nghề của huyện liên kết với trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thái Bình mỗi năm đào tạo hơn 100 lái xe ô tô hạng B1, không chỉ góp phần tạo việc làm cho người lao động mà còn giảm chi phí đi lại, học tập cho các học viên. Phát huy vai trò tuyên truyền, vận động, các tổ chức chính trị xã hội như Phụ Nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên cũng phối hợp tích cực với các trung tâm dạy nghề trong ngoài tỉnh, mỗi năm tổ chức được 20 lớp, để truyền nghề, dạy nghề cho trên 400 hội viên, đoàn viên.

Kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về công tác dạy nghề, trong hai năm 2010, 2011 toàn huyện Kiến Xương đã có trên 5000 người dân nông dân được truyền nghề, dạy nghề. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 9.800 lao động; 8.241 lao động làm việc ngoài tỉnh. Cùng với số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gần 1.400 người, số lao động có việc làm ở Kiến Xương đã góp phần không nhỏ giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp từ nông nhàn, đem lại nguồn lực kinh tế nâng cao mức sống cho người dân.

Để đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới, Kiến Xương tiếp tục phát huy kết quả, chú trọng giải quyết những tồn tại hạn chế như nhiều lao động đã được đào tạo nghề nhưng chưa có việc làm phù hợp; chất lượng đào tạo nghề không cao, chưa có những giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm sau đào tạo để thu hút người lao động... Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đưa Nghị quyết và các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề đến với người lao động; tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề, mở rộng và đa dạng hoá các loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội; quan tâm công tác giáo dục định hướng, đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân, bảo đảm dạy nghề có địa chỉ, dự báo được việc làm...

Bài, ảnh: Hà Dung

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày