Thứ 6, 10/01/2025, 06:40[GMT+7]

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố

Thứ 4, 27/10/2021 | 18:28:50
1,778 lượt xem
Ngày 27/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận trực tuyến về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự tại điểm cầu Thái Bình.

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Các đại biểu nhất trí ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố và cho rằng việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ chế chính sách cũng như nguồn lực để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu đề nghị phải tổng kết những nơi đã thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa và áp dụng chung cho các tỉnh, thành phố về lao động, tổ chức bộ máy hành chính, dân cư, đất đai và tài nguyên... Các đại biểu cho rằng các dự thảo nghị quyết thiếu cơ chế, chính sách đặc thù riêng, như kinh tế biển ở cả 4 tỉnh, thành phố hay tiềm năng du lịch của Thừa Thiên Huế. Các đại biểu cũng đề cập đến một số vấn đề về các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù; quản lý sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên; thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; chính sách về dư nợ vay của ngân sách địa phương; giao thẩm quyền cho các địa phương ban hành mức phí, lệ phí...

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về những nội dung liên quan đến BHXH, BHYT. Đa số đại biểu cho rằng cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là nhóm đối tượng người lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; có giải pháp để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, không để tình trạng người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp do yếu tố khách quan. Các đại biểu kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ quy định tính lãi chậm nộp thay bằng quy định mức tiền phạt chậm nộp theo ngày để giải quyết nợ BHXH; linh hoạt trong quy định về thời gian tham gia BHXH tự nguyện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính nhằm phát triển y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, tăng tỷ lệ thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT trong ngày, tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để bảo đảm nhu cầu của người dân.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày