Thứ 6, 10/01/2025, 06:46[GMT+7]

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thứ 5, 28/10/2021 | 18:07:56
2,914 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, ngày 28/10, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự họp tại điểm cầu Thái Bình.

Audio: 2910_quoc_hoi__mixdown.mp3

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội điều hành các phiên họp. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh dự họp tại điểm cầu Thái Bình.

Trong phiên thảo luận họp sáng, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), cơ bản nhất trí với nội dung của dự án Luật, cho rằng dự án Luật đã được sửa lại, tạo sự thống nhất, xuyên suốt từ nguyên tắc, loại hình khen thưởng đến các quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng; đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, bảo đảm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để bảo đảm bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân…

Các đại biểu đồng ý bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu” song tiêu chí để xét danh hiệu “xã tiêu biểu” là địa phương đó phải đạt chuẩn nông thôn mới là rất khó áp dụng với các xã vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, cần điều chỉnh lại.

Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể được nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, trong đó bổ sung thêm đối tượng là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án Luật cần nhấn mạnh hơn nữa đến các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng hiện nay.

Trong phiên họp chiều, thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu nhấn mạnh quan điểm xây dựng Luật là cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số. Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi, tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.

Các đại biểu cho rằng, lĩnh vực điện ảnh rất rộng, trong quản lý nhà nước phải tạo không gian sáng tạo cho điện ảnh, vừa có tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm định hướng chính trị, tính thị trường. Dự án luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33, Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự chặt chẽ. Nên chăng cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Bởi lẽ thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam, nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn.

Tại các phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội giao 2 bộ tiếp thu ý kiến của đại biểu, chỉnh sửa, bổ sung các dự án Luật.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày