Thứ 5, 28/11/2024, 09:43[GMT+7]

Trách nhiệm, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm

Thứ 4, 13/07/2022 | 14:59:18
1,025 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ ba, kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sáng ngày 13/7, tại Trung tâm hội nghị tỉnh diễn ra phiên thảo luận tại hội trường. Có 3 đại biểu HĐND tỉnh và 2 thủ trưởng sở, ngành đã tham gia phát biểu thảo luận góp ý vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; phân tích, đề xuất giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Phóng viên Báo Thái Bình lược ghi các ý kiến thảo luận tại hội trường.

Toàn cảnh kỳ họp.

 Tiếp tục bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự 

 Thượng tá Trần Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

Quán triệt thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lực lượng công an tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, nỗ lực, cố gắng, chủ động, quyết liệt thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm an ninh trật tự. Kết quả bao trùm nhất và quan trọng nhất là đã tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của tỉnh. Tuy nhiên để tiếp tục bảo đảm tốt hơn an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, tôi mong muốn HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động đánh giá dự báo tình hình, phân công cán bộ năng lực phối hợp, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường gặp gỡ, đối thoại kịp thời xử lý, giải quyết ngay từ cơ sở không để phức tạp kéo dài, tập trung đông người đi các cấp khiếu kiện; đồng thời phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, quản lý số khiếu kiện tích cực trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục làm tốt công tác tuyển chọn, quy hoạch, bố trí, sắp xếp nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ là người công giáo ở cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; cập nhật, thông tin tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tích cực tham gia góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, Công an tỉnh cũng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, trang cấp cơ sở vật chất cho lực lượng công an xã đã được HĐND tỉnh thông qua; các huyện, thành phố, các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để lực lượng công an xã chính quy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; kiện toàn cấp ủy và chi bộ công an xã khi có sự thay đổi; phối hợp với đảng ủy, công an các huyện, thành phố làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên công an xã. Công an tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Công an bổ sung biên chế cho Công an tỉnh để tạo nguồn bố trí cán bộ công tác tại công an cấp huyện, đồng thời điều động, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực bảo đảm cơ cấu chức vụ phó trưởng công an xã theo đúng quy định nhằm đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu của lực lượng công an xã trong tình hình hiện nay.

 Tháo gỡ khó khăn một cách thực chất cho doanh nghiệp

Đồng chí Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nỗ lực của các cấp, các ngành, trong đó có ngành công thương cùng cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số… công nghiệp, thương mại của tỉnh 6 tháng đầu năm có sự phục hồi, tăng trưởng cao. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng, công suất ổn định hơn so với trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ đã trở lại trạng thái bình thường, nhiều hoạt động khởi sắc như dịch vụ lưu trú, ăn uống. Tình hình sản xuất và cung ứng điện được thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; đồng thời thực hiện hiệu quả các chương trình khuyến công, khuyến thương. Do vậy, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng cao, đạt 18,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Song, 6 tháng đầu năm giá trị một số ngành sản xuất giảm so với cùng kỳ, công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn chậm… Để phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2022 tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021; dự kiến cả năm tăng 18,5% so với năm 2021, ngành công thương tập trung thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển cụm công nghiệp, triển khai đề án phát triển ngành công thương, đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2020. Phối hợp với các ngành, đơn vị trong công tác tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn một cách thực chất cho doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển; tham mưu tổ chức hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tỉnh năm 2022. Nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, triển khai công tác bình ổn giá, giám sát chặt chẽ giá bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ. Tham mưu thẩm định thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp, đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp, nhất là trạm xử lý nước thải tập trung và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp. Thực hiện hiệu quả đề án khuyến công, khuyến thương năm 2022.

 Đồng hành cùng tỉnh thúc đẩy nền kinh tế phát triển

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thái Bình

Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngành ngân hàng đã tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, trang bị hệ thống máy ATM, máy POS; phát triển sản phẩm dịch vụ trả lương qua tài khoản, thanh toán qua thẻ... đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ nền kinh tế của tỉnh. Ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả...nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng vay vốn. Để đạt được mục tiêu của tỉnh đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể gắn với tình hình từng địa phương, từng ngành với tinh thần hướng về cơ sở. Trong đó tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm để có thêm nhiều sản phẩm OCOP mới. Đối với ngành ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ cá nhân, các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm mang tính động lực liên vùng. Thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên môi trường điện tử; hoàn thiện và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.  

 Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Đồng chí Nguyễn Trọng Lộ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà

Tôi nhất trí với việc đánh giá về kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm cũng như các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, theo tôi cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức còn khuyết thiếu theo quy định cho những cơ quan, đơn vị và địa phương có nhu cầu nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện đầy đủ các cuộc kiểm tra, thanh tra công vụ nhằm cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Điều chỉnh các quy định về việc phối hợp trong quy chế quản lý cụm công nghiệp, sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ gắn với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương, gắn với việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Để thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp, ngoài việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp, cần đầu tư các khu dịch vụ, khu nhà ở thương mại, trường mầm non gắn với các cụm công nghiệp qua đó thu hút được nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp để yên tâm sản xuất kinh doanh. Khi đã lựa chọn được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp đủ điều kiện để ký hợp đồng với nhà đầu tư thứ cấp, các cấp có thẩm quyền sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư. Đề nghị tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ lại phần ngân sách từ thu đấu giá quyền sử dụng đất phần ngân sách tỉnh cho huyện để thanh toán trả nợ các công trình xây dựng cơ bản. Các sở, ngành liên quan giúp địa phương kịp thời tháo gỡ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng và trong đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xác định giá đất, sớm xây dựng phương án đấu giá đất; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu để đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đây chính là điểm nghẽn, nút thắt cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.  

 HTX Dịch vụ nông nghiệp luôn đồng hành với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm    

 Đồng chí Đặng Văn Đằng, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ)

Đến nay, toàn tỉnh có gần 340 HTX nông nghiệp, trong đó có trên 320 HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN), có nhiều HTX DVNN giỏi, tiên tiến, HTX kiểu mới. Để đồng hành với nông dân trong sản xuất nông nghiệp, các HTX DVNN đã thực hiện hiệu quả nhiều dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương, thực sự là “bà đỡ” cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp và cho kinh tế hộ phát triển. Đã có 100% HTX DVNN thực hiện dịch vụ thủy nông tưới tiêu nước phục vụ sản xuất; trên 95% HTX DVNN thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất; khoảng 80% HTX DVNN làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp… Ngoài ra, các HTX DVNN còn triển khai thực hiện việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Thông qua đó các hộ nông dân có điều kiện về máy móc, nhân lực đã tích cực thuê, mượn ruộng, tích tụ và tập trung đất đai tổ chức sản xuất hàng hóa, hạn chế diện tích bỏ hoang do thiếu lao động nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các HTX DVNN còn gặp không ít khó khăn, như: nguồn vốn hạn hẹp; việc vay vốn, huy động nguồn vốn, nhân lực để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động khó; cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho HTX DVNN còn ít… Để các HTX DVNN phát triển ổn định, là động lực, đòn bẩy, cầu nối, đồng hành với nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và người dân nhận thức rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HTX; tuyên truyền, biểu dương các HTX DVNN làm tốt, làm hay; các ngành, các HTX DNVV tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho nông dân nhằm phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, xây dựng sản phẩm OCOP. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ HTX DVNN phát triển ổn định, bền vững về vốn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho cán bộ HTX và nông dân; kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, liên kết, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Nhóm phóng viên

Ảnh: Thành Tâm

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày