Thứ 5, 28/11/2024, 15:44[GMT+7]

Tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Thứ 6, 28/10/2022 | 15:45:51
8,328 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 28/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu thảo luận.

Tham gia phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thái Bình bày tỏ sự phấn khởi khi các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều phục hồi và có bước tăng trưởng mạnh, GDP cả năm dự kiến tăng khoảng 8% và trăn trở khi trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19, lĩnh vực nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng mức tăng chung của cả nền kinh tế.

Đại biểu cũng đã đề cập đến những hạn chế, tồn tại sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đó là thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, vật tư nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, việc tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đã được đề cập đến, song đại biểu cho rằng nguyên nhân đầu tiên bắt đầu từ thể chế đang còn những nút thắt, lực cản. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần có giải pháp mang tính chiến lược mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất… Đồng thời cần phải có sự quan tâm thỏa đáng và có những giải pháp đồng bộ toàn diện.

Về đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng thời gian qua, trong các nghị quyết về phát triển kinh tế vùng, Trung ương Đảng đã luôn nhấn mạnh đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực quốc gia có hạn, trong khi yêu cầu về đầu tư phát triển lại lớn nên rất cần những giải pháp phù hợp. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, rà soát, đánh giá để hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định pháp luật có liên quan để thúc đẩy huy động bổ sung nguồn lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, trên cơ sở thí điểm, Chính phủ cần sớm có những đánh giá, hoàn thiện cơ chế chính sách về việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện đại trà, góp phần tháo gỡ nút thắt trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang tồn tại hiện nay.

Cùng với sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai là những giải pháp quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là cư dân ở khu vực nông thôn. Đại biểu cho rằng cử tri và nhân dân đang rất trông đợi Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề đang đặt ra nêu trên để giúp cho những người nông dân không phải vật lộn với cái khó, cái nghèo, không phải đau đáu trước sự lựa chọn có nên tiếp tục duy trì nghề nông nữa hay không, cũng không còn phải trăn trở với câu hỏi ở lại hay ra đi khỏi làng, mà còn giúp cho người nông dân, nhất là những nông dân trẻ tuổi ngày càng chuyên nghiệp hơn, phù hợp với thời kỳ chuyển đổi số, có đủ sức làm chủ ruộng đồng, làm chủ công nghệ kỹ thuật và thị trường.

Cơ bản tán thành với các báo cáo, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng: Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề, nhưng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nền kinh tế đang dần được phục hồi. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, nhất là trong lĩnh vực y tế đó là nhân lực y tế chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc. Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục. Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào nghị quyết kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay. Đề nghị Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do vượt tổng mức thanh toán. Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương đôn đốc giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, kiến nghị Quốc hội cho việc phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày