Chủ nhật, 29/12/2024, 12:41[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội

Thứ 2, 07/11/2022 | 18:34:02
7,060 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 7/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với 2 dự thảo nghị quyết về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk” và “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chủ trì phiên thảo luận.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho đơn vị cấp thành phố thuộc tỉnh, cấp huyện. Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết ban hành nghị quyết, bổ sung thêm các chính sách để thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 67 của Bộ Chính trị…

Tham gia phát biểu thảo luận vào dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm với 5 chính sách. Việc ban hành nghị quyết là nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời, cũng trên cơ sở đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế về đấu giá biển số xe hoặc tự chọn biển số xe theo sở thích.

Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ quan điểm, đi thẳng vào vấn đề, có phương án đề xuất cụ thể vào các nội dung như: về tên gọi của dự thảo nghị quyết; về biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia đấu giá và 1 người trả giá; về giá khởi điểm và về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số xe theo xe;…

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Giá (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.

Tham gia thảo luận, các đại biểu cho biết Luật Giá năm 2012 được ban hành đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế cần kịp thời sửa đổi. Các đại biểu cho rằng có nhiều đạo luật khác cũng đang quy định nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...). Đây cũng là đạo luật liên quan đến nhiều điều ước quốc tế; gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh thương mại... Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ: Giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… ngoài việc tuân thủ Luật này, cũng sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…

Đối với việc sửa đổi Luật Đấu thầu, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu, các đại biểu thảo luận nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về đánh giá tác động của việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu; đồng thời cho rằng, việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu sẽ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam khi thực hiện hoạt động nhập cảnh tại các nước. Việc này không làm phát sinh thủ tục hành chính và không gây tốn kém cho công dân, vì thông tin “nơi sinh” là thông tin bắt buộc trong mẫu tờ khai hộ chiếu, giấy thông hành hiện nay, được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh nên không phải thay đổi tờ khai hoặc khai báo bổ sung.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày