Thứ 5, 28/03/2024, 21:34[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số nội dung của Kỳ họp

Thứ 7, 07/01/2023 | 18:16:04
10,224 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, sáng ngày 7/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp.

Trước đó, sáng ngày 6/1, vấn đề về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại các tổ.  Qua thảo luận tại hội trường, đã có 26 đại biểu phát biểu thể hiện quan điểm nhất trí đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia và báo cáo thẩm tra. Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; cơ quan lập, cơ quan thẩm tra chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc xây dựng và thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất khó khăn, gặp nhiều thách thức nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tiếp thu những nội dung góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị quyết gửi tới các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm công tác của mình, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia như: sự cần thiết ban hành nghị quyết trong kỳ họp bất thường căn cứ trên cả 3 cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, sự chuẩn bị nghiêm túc và tích cực của Chính phủ; kết cấu, nội dung các mục tiêu, chỉ tiêu của dự thảo Nghị quyết và Quy hoạch; phạm vi, mức độ chi tiết và tính khái quát, phương pháp tiếp cận, căn cứ lập quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển; về nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, các vùng động lực và hành lang kinh tế; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện…

Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá các ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mởi nhiều vấn về để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương. Các kịch bản tăng trưởng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cân đối các nguồn lực phù hợp với cả các yếu tố thực tiễn, tận dụng khai thác được tất cả các lợi thế so sánh của các vùng và của cả nước cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững đáp ứng được yêu cầu phát triển, bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Phiên họp buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với các biến chủng đã gây những tác hại nghiêm trọng đời sống kinh tế - xã hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ làm việc ngày đêm để kịp thời đưa vào nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV với những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Nghị quyết ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân. 

Nghị quyết 30 không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Các vị đại biểu cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, các đại biểu bày tỏ thống nhất với các kiến nghị của Chính phủ, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể, chi tiết vào các nội dung cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng, chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện nay. Đồng thời cần nghiên cứu áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng, chống các dịch bệnh…

 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày