Thứ 7, 27/04/2024, 15:12[GMT+7]

Thảo luận phân tích rõ hơn những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm

Thứ 4, 12/07/2023 | 22:42:27
4,470 lượt xem
Trong phiên họp sáng ngày 12/7, các đại biểu và lãnh đạo một số ngành đã phát biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên - môi trường, giáo dục và đào tạo, an ninh trật tự. Đây là những vấn đề về cử tri và nhân dân quan tâm, phóng viên Báo Thái Bình lược ghi các ý kiến tại phiên họp.

Toàn cảnh kỳ họp.

Đại tá Trần Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh:

Bảo đảm tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh nông thôn

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân; sự cố gắng, quyết tâm cao của lực lượng công an, thời gian qua công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định, không xảy ra khủng bố, phá hoại, “điểm nóng” về an ninh trật tự. Tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, kéo giảm 15,96% số vụ, không có tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen; tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 94,3% (vượt 19,3% chỉ tiêu giao), riêng trọng án đạt 100%. Công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự ngày càng được nâng cao gắn với cải cách hành chính, hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, là một trong 19 địa phương hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân trước thời hạn. Chỉ số thiết chế pháp lý về an ninh trật tự năm 2022 xếp thứ 2 toàn quốc, đứng thứ nhất khu vực đồng bằng sông Hồng, tăng 44 bậc so với năm 2021. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 81,59% phục vụ tích cực chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số. Tăng cường tuần tra, xử lý chuyên đề góp phần nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân. Đẩy mạnh xây dựng mô hình tổ liên gia, điểm chữa cháy công cộng, góp phần không để xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại về người… 

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh nông thôn, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của tỉnh, thời gian tới cùng với các giải pháp, nỗ lực của ngành, Công an tỉnh kiến nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên giám sát, chỉ đạo việc thực hiện quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi thực hiện thu hồi đất thực hiện các dự án. Tăng cường giám sát nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các chủ trương kế hoạch về chuyển đổi số quốc gia, nhất là thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; việc đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan, chính quyền các cấp nhằm giảm thiểu thủ tục phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. HĐND tỉnh quan tâm điều chỉnh vốn trung hạn cho việc xây dựng trụ sở làm việc, doanh trại của công an xã, góp phần tạo điều kiện để lực lượng này bám địa bàn, hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Hoàn thiện lựa chọn sách giáo khoa thực hiện chương trình phổ thông 2018 và thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm                                                                                                         

Công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK) thực hiện chương trình phổ thông 2018 đã được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 và đến nay đã hoàn thành việc lựa chọn đối với năm học 2023 – 2024. Việc tổ chức lựa chọn SGK được ngành giáo dục và đào tạo nghiêm túc triển khai theo đúng quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh. SGK được lựa chọn có sự đa dạng về các bộ sách của các nhà xuất bản. Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh đã nghiên cứu, thảo luận, đánh giá SGK bảo đảm tôn trọng ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông, nhất là đối với SGK có nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn. Việc lựa chọn, sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 88 của Quốc hội. 

Về công tác quản lý dạy thêm, học thêm sau kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn tạm thời hoạt động dạy thêm, học thêm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông kịp thời phổ biến các quy định về dạy thêm, học thêm; tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh; phối hợp với chính quyền các cấp ở các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp thực hiện không đúng quy định. 

Với các giải pháp đó, thời gian qua việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong các nhà trường được thực hiện cơ bản đúng quy định, việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường được thực hiện khi có giấy phép kinh doanh của cơ quan chức năng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi Bộ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 17, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm nhằm bảo đảm phù hợp, đúng quy định về quản lý hoạt động dạy thêm và học thêm trong và ngoài nhà trường. Trước mắt, Sở chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm việc dạy thêm, học thêm được thực hiện theo đúng quy định.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Thu hút nguồn lực thực hiện dự án xử lý rác thải tập trung công nghệ cao

Hiện nay, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh trên 1.000 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp khoảng 4.535 tấn/tháng. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là phương pháp chôn lấp, lò đốt quy mô nhỏ đã xuống cấp nên chưa bảo đảm yêu cầu, còn nhiều bất cập. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp để việc xử lý rác thải hiệu quả hơn song do nhiều nguyên nhân rác thải vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Thời gian tới khi chưa đầu tư nhà máy xử lý rác tập trung quy mô lớn công nghệ cao, các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động các lò đốt rác và các khu chôn lấp rác hiện có, thực hiện chôn lấp rác thải theo đúng quy trình hướng dẫn; duy tu bảo dưỡng lò đốt thường xuyên; đào tạo, nâng cao năng lực cho công nhân vận hành, nghiêm cấm hành vi đốt chất thải rắn ở bên ngoài lò đốt, đốt chất thải công nghiệp tại các lò đốt chất thải rắn của địa phương; không để phát sinh các điểm tập kết chất thải rắn tự phát tại các khu vực công cộng, không đúng quy hoạch. UBND các huyện hoàn thành quy hoạch địa điểm xử lý rác tập trung, chuẩn bị các điều kiện theo quy định và thực hiện giải phóng mặt bằng, sẵn sàng bàn giao khi có nhà đầu tư dự án khu xử lý rác thải tập trung công nghệ cao. Sở cũng sẽ tập trung tham mưu cho tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; quy định đối với nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án và kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn. Tăng cường phối hợp thực hiện tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân về việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung nguồn lực thu hút đầu tư xã hội hóa dự án xử lý rác thải tập trung công nghệ cao quy mô huyện, liên huyện; lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, công nghệ xử lý hiện đại, bảo đảm yêu cầu về môi trường, đáp ứng yêu cầu xử lý triệt để rác thải theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và của tỉnh.

Đồng chí Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh:

Quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2023

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo thu chi ngân sách nhà nước trình kỳ họp, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, thu nội địa mới thu được 3.374,4 tỷ đồng, bằng 29,7% dự toán và bằng 69,9% cùng kỳ năm 2022. Thái Bình cùng 55 địa phương có số thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Thái Bình tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế  đạt 7,77%, đứng thứ 10 trong cả nước, đứng thứ 5 khu vực đồng bằng sông Hồng nhưng tình hình suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn là nguyên nhân trọng yếu tác động tới công tác thu ngân sách nhà nước. Cùng với đó, nhiều chính sách miễn, giảm một số loại thuế, phí, gia hạn nộp thuế… được triển khai thực hiện, thị trường bất động sản trầm lắng nên nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cũng giảm. Đây chính là những nguyên nhân làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. 

Để phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách năm 2023, thời gian tới Cục Thuế tỉnh tiếp tục tham mưu với tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách: Tiếp tục triển khai các gói kích cầu trong lĩnh vực thuế vào thực tế địa bàn tỉnh Thái Bình: giảm 20% tiền thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm 30% tiền thuê đất năm 2023; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nộp thuế theo chỉ đạo của các tổ công tác của tỉnh; chú trọng khai thác các nguồn dư địa: thương mại điện tử, xây dựng cơ bản vãng lai, xây dựng cơ bản tư nhân; tập trung thực hiện tốt công tác thu nợ; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra gắn với vai trò thực thi công vực của công chức thuế, tuyệt đối không gây khó khăn cho doanh nghiệp và người nộp thuế…

Đại biểu Phan Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kiến Xương:

Sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai

6 tháng đầu năm 2023, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội còn đạt thấp so với kế hoạch đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, có một số vấn đề cử tri, nhân dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được khắc phục như vấn đề vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, khai thác cát, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, chất lượng nước sạch… Cử tri và nhân dân mong muốn, kỳ vọng năm 2023 các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại kỳ họp; tiếp tục cố gắng, nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để giành thắng lợi toàn diện các mục tiêu đề ra, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, mong mỏi của nhân dân. Đề nghị tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích trong tích tụ và tập trung đất đai, hỗ trợ các xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguyễn Hình – Thu Hiền

Ảnh: Nguyễn Triệu - Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày