Chủ nhật, 24/11/2024, 11:31[GMT+7]

Bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị Bài 2: Giải "bài toán" rác thải nông thôn - cần sự đồng thuận của nhân dân

Thứ 3, 06/08/2024 | 09:27:56
1,196 lượt xem

Phụ nữ xã Phong Châu (Đông Hưng) phân loại rác tại nhà để giảm lượng rác thải ra môi trường.

Chất vấn đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Phạm Văn Soi, Bí thư Đảng ủy xã Canh Tân (tổ Hưng Hà) cho biết: Hiện nay, nhận thức và thói quen phân loại rác thải của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường; công tác quản lý, quy hoạch bãi rác tập trung, quản lý vận hành, thu gom, vận chuyển, xử lý rác của các đơn vị thực hiện công ích, lò đốt, công nghệ còn nhiều bất cập; đề nghị đồng chí Giám đốc Sở cho biết định hướng và giải pháp xử lý rác thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài?

Về nội dung này, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, rác thải sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn; cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, đại diện khu dân cư xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom; sử dụng các phương tiện, thiết bị phù hợp để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm đúng quy định. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Công tác đầu tư, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm của UBND cấp xã. Để thực hiện tốt công tác quản lý rác thải sinh hoạt cần có sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội. 

Thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa; ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Bình đến năm 2025, hướng dẫn triển khai công tác bảo vệ môi trường nông thôn... Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cũng ngày càng lớn, đa dạng về thành phần, chủng loại... Trong khi đó, việc phân loại rác thải tại nguồn mới chỉ được quan tâm chỉ đạo thực hiện tại một số xã về đích nông thôn mới nâng cao, việc duy trì và thực hiện đồng bộ còn chưa hiệu quả; ý thức trách nhiệm về công tác thu gom, phân loại của một bộ phận nhân dân còn chưa cao, vẫn còn hành vi xả rác thải ra ngoài môi trường không đúng quy định. Mặt khác, qua rà soát các lò đốt rác thải trên địa bàn tỉnh cho thấy đã có nhiều lò đốt đã xuống cấp, hỏng không thể hoạt động, một số lò đốt không hoạt động thường xuyên; đặc biệt nhiều khu xử lý còn tập kết một lượng rác thải lớn bên ngoài khu vực nhà đặt lò đốt, đốt rác bên ngoài lò đốt gây ô nhiễm môi trường. 

Lò đốt rác xã Đông La (Đông Hưng) luôn quá tải. 

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng liên quan và UBND các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng đốt rác thải sinh hoạt ngoài lò đốt hoặc đốt rác thải công nghiệp không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Các xã, thị trấn tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng lò đốt. Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đưa các khu xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ cao tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về yêu cầu công nghệ bảo đảm môi trường trong đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tham mưu ban hành quy định bảo vệ môi trường đối với nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ cao (đốt rác phát điện) trên địa bàn tỉnh. Kết quả, Thái Bình đã có một số nhà đầu tư đề xuất dự án khu xử lý chất thải rắn công nghệ hiện đại. 

Theo đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Để đẩy nhanh việc đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung cần có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân để có mặt bằng triển khai xây dựng, sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Về phía Sở sẽ triển khai sâu rộng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền công tác thu gom, vận chuyển, xử lý riêng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có năng lực, công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện với môi trường thực hiện dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu xử lý triệt để rác thải và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. 


(còn nữa) 

Thu Hiền 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày