Thứ 6, 09/08/2024, 12:25[GMT+7]

Nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu HĐND các cấp

Thứ 3, 16/08/2016 | 08:04:37
440 lượt xem
Xây dựng HĐND các cấp có thực quyền để xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Do vậy, phải không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu, bởi hoạt động của HĐND có đạt chất lượng, hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực của từng vị đại biểu.

Các đại biểu tổ Kiến Xương thảo luận trước kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVI.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, cử tri toàn tỉnh đã tín nhiệm bầu 66 đại biểu HĐND tỉnh, 339 đại biểu HĐND cấp huyện, 7.202 đại biểu HĐND cấp xã, trong đó số lượng đại biểu chuyên trách tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2016 - 2021 mới bắt đầu nhưng tại kỳ họp thứ nhất, thứ hai, đại biểu HĐND các cấp đã phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước cử tri và nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; dân chủ thảo luận, bầu người đủ đức, đủ tài đảm nhận các trọng trách trong HĐND, UBND nhiệm kỳ mới; sôi nổi thảo luận, cho ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND, báo cáo của thường trực HĐND, các ban HĐND và các ngành khối nội chính; tham gia vào việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm của địa phương. Nhiều đại biểu thông qua hoạt động chuyên môn, hoạt động giám sát, thẩm tra đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, chất vấn thủ trưởng các ngành liên quan hoặc kiến nghị với thường trực HĐND, các ban HĐND để tổ chức các đoàn giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục. Trước kỳ họp, các đại biểu cũng đã tham gia vào các đoàn giám sát, thẩm tra của các ban HĐND để chuẩn bị nội dung, góp phần vào thành công của kỳ họp.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: "Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước…". Do vậy, tại kỳ họp thường kỳ tháng 8 của Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị: Khi tiến hành giám sát, thẩm tra, thành viên các ban HĐND tỉnh tuyệt đối không phát biểu dựa theo nội dung báo cáo, tờ trình, dự án của UBND tỉnh trình mà phải thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề, nhất là những số liệu tổng hợp, nếu cần phải tổ chức đi thực tế; sau khi thẩm tra phải đưa ra kết luận, kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết, khắc phục hạn chế, khuyết điểm nếu có. Nếu vấn đề chưa bức thiết hoặc còn vướng mắc thì thông báo để UBND tỉnh và các ngành liên quan hoàn thiện báo cáo, đề án, tờ trình để trình kỳ họp HĐND tỉnh lần sau.

Để khẳng định được vai trò, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đại biểu HĐND, đại biểu HĐND cũng cần có khả năng thu nhận và xử lý thông tin liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội một cách nhanh chóng và có hiệu quả cụ thể, thiết thực. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với nhân dân cũng như hoạt động chuyên môn của mình, đại biểu HĐND nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phải biết được những gì nhân dân đang quan tâm, đang cần được giải quyết. Ông Vũ Văn Phiên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kiến Xương đặt yêu cầu: Đại biểu HĐND là người trực tiếp gần dân, do vậy cần phải bám sát thực tế, nắm chắc tình hình địa phương, cơ sở, đối thoại dân chủ, cởi mở với nhân dân, gần dân, tin dân, chuyển tải và gửi gắm những vấn đề nhân dân quan tâm đến HĐND và các ban, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Các quyết định do HĐND đưa ra có tính khả thi cao trong thực tế hay không phụ thuộc vào khả năng đánh giá tình hình địa phương và khả năng đưa ra quyết định mang tính chất quyết đoán nhưng khách quan, khoa học của từng đại biểu. Đồng chí Bùi Văn Huân, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Hưng cho rằng: Đại biểu HĐND phải có khả năng kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND để kịp thời phát hiện những vấn đề chưa hợp lý, vấn đề mới phát sinh, kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa để các quyết định của HĐND sớm đi vào cuộc sống, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, các đại biểu cũng phải xây dựng cho mình phong cách làm việc khoa học, tích cực tham gia thảo luận, phát biểu, chất vấn những vấn đề nhân dân quan tâm, vấn đề lớn của tỉnh, của địa phương tại kỳ họp.

Phần lớn đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách, trình độ khác nhau, điều kiện tham gia vào hoạt động của đại biểu HĐND cũng không giống nhau, đòi hỏi các đại biểu HĐND phải thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là các kỹ năng: tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, thu thập, xử lý, phân tích thông tin, đánh giá, tổng hợp vấn đề.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày