Chủ nhật, 24/11/2024, 09:18[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

Thứ 5, 09/11/2017 | 17:32:28
904 lượt xem
Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên họp. Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đã có 17 đại biểu phát biểu tại hội trường và có 2 đại biểu tranh luận. 

Đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm với chính sách ưu việt này và đóng góp nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, góp phần đưa các quy định của luật vào cuộc sống. 

Việc thực hiện bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ phụ nữ được tham gia hoạt động chính trị ngày càng cao. Các đại biểu cũng chỉ rõ việc thực hiện Luật bình đẳng giới còn một số tồn tại, hạn chế như: Vấn đề bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, phá thai ở trẻ vị thành niên, mất cân bằng giới tính có chiều hướng gia tăng; lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, về lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm; việc phụ nữ tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra về bình đẳng giới, tại nhiều địa phương còn chưa được chú trọng; sự tham gia ủng hộ của nam giới đối với các hoạt động thực hiện bình đẳng giới tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng thực tế hiệu quả còn khiêm tốn.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).Các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật để phù hợp với yêu cầu thực tiễn khi tình trạng tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về việc kê khai tài sản; cơ chếBảo vệ người tố cáo tham nhũng và nguồn tin báo chí; thành lập Tòa án trẻ vị thành niên…

Mạnh Huân

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày