Chủ nhật, 23/06/2024, 09:22[GMT+7]

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

Thứ 6, 04/05/2018 | 08:25:55
665 lượt xem
Xa trung tâm huyện, Dân Chủ (Hưng Hà) là xã thuần nông, đời sống người dân, trong đó có hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã còn nhiều khó khăn. Để góp phần giải bài toán an sinh cho họ, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương đã và đang chủ động liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho lao động nữ.

Cơ sở mây tre đan của chị Đinh Thị Nhưng tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.

Nhờ có cơ sở mây tre đan của chị Đinh Thị Nhưng nên gần 1 năm qua chị Nguyễn Thị Chuyên (thôn Trung) không phải đi làm ăn xa. Có việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định nên chị rất phấn khởi. Chị cho biết: Trước khi làm ở đây tôi đã có mấy năm làm việc trên thành phố. Công việc bấp bênh mà thu nhập không đáng là bao. Từ khi vào làm tại cơ sở mây tre đan này tôi có thu nhập ổn định, có thời gian chăm sóc con cái, không phải xa nhà.

Bà Nguyễn Thị Tam (thôn Đan Hội) bị liệt nửa chân, đi lại khó khăn. Biết cơ sở mây tre đan của chị Nhưng, bà đã tham gia học và làm nghề. Bà Tam cho biết: Nghề đan lát như chiếc phao cứu sinh của tôi bởi bản thân bị khuyết tật, không thể xin vào làm tại một công ty nào. Công việc này rất phù hợp với những người như tôi bởi chỉ ngồi một chỗ vẫn có thể làm được.

Được sự hỗ trợ, vận động, tuyên truyền của Hội LHPN xã, đến nay, cơ sở mây tre đan của chị Đinh Thị Nhưng đã thu hút hơn 100 phụ nữ tại 4 thôn trong xã đến làm, trong đó trên 50 người đã có tay nghề thành thạo. Một ngày một người làm được từ 10 - 20 sản phẩm, bảo đảm mức thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, trên địa bàn xã Dân Chủ có 2 xưởng may và 1 cơ sở mây tre đan do phụ nữ làm chủ: cơ sở mây tre đan của chị Đinh Thị Nhưng (thôn Trung); xưởng may Quân Hà của chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Phú Hội); xưởng may của chị Lê Thị Bích Ngọc (thôn Hòa Tiến), giải quyết việc làm cho gần 200 lao động nữ với mức thu nhập tương đối ổn định. Từ khi 3 cơ sở sản xuất trên đi vào hoạt động, số lao động nữ không có việc làm của xã giảm từ 20% xuống còn 7%. Dự kiến trong thời gian tới Hội LHPN xã sẽ vận động chủ 3 cơ sở tiếp tục đa dạng nghề nhằm thu hút đông đảo chị em tham gia, phấn đấu giải quyết dứt điểm tình trạng phụ nữ địa phương không có việc làm.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thuận lợi, hiện nay, công tác dạy nghề cho phụ nữ ở xã Dân Chủ còn gặp một số khó khăn trong đó cơ bản nhất là nhận thức của chị em còn hạn chế. Nhiều người có tư tưởng kiếm tiền tại các thành phố lớn, một bộ phận chị em “an phận” sống phụ thuộc vào chồng. Thêm vào đó, cơ sở vật chất của những cơ sở sản xuất trong xã chưa đồng bộ, cần được đầu tư nhiều hơn nữa.

Chị Trần Thị Nhài, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Chủ cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN xã cùng chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền để chị em yên tâm tham gia làm nghề phụ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có những hình thức khen thưởng các cá nhân để khích lệ, động viên, từ đó nhân lên nhiều mô hình hay, cách làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

Thu Trang