Thứ 2, 25/11/2024, 15:33[GMT+7]

Bộ trưởng Nội vụ: Nguồn nhân lực ngành lưu trữ sẽ theo phương châm “ít nhưng tinh thông”

Thứ 6, 24/05/2024 | 17:43:40
2,272 lượt xem
Về nguồn nhân lực cho lưu trữ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vẫn phải thực hiện theo quy định của Chính phủ, nhưng sẽ theo phương châm “ít nhưng tinh thông”, đáp ứng được nhu cầu phát triển và sử dụng đội ngũ lưu trữ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 24/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Cân nhắc kỹ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) nêu quan điểm đối với khoản 1 Điều 2: “Lưu trữ là hoạt động lưu giữ tài liệu nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân”.

Theo đại biểu, khái niệm này cần bổ sung thêm “bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xã hội”. Việc bổ sung này cũng phù hợp với nguyên tắc lưu trữ số 3 tại Điều 4 của dự thảo Luật (bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật).

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần sửa đổi quy định tại Điều 61 nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Lưu trữ và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, việc xác định những ai được tiếp cận với nguồn tài liệu điện tử đó cũng cần được quan tâm và xác định chi tiết.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) phát biểu ý kiến. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Ngoài ra, việc lưu trữ tài liệu điện tử để có thể phát huy hiệu quả trên thực tế, cần có sự tích hợp giữa nguồn tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính.

“Những tài liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thì cần mở rộng quyền tiếp cận đến tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội để họ xác định đúng quyền và nghĩa vụ của họ trong quan hệ pháp luật hành chính cụ thể và thông qua đó nhiều thủ tục hành chính rườm rà được cắt giảm, hiệu quả quản lý nhà nước nâng lên đáng kể”, đại biểu Đông kiến nghị.

Còn đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị nên đánh giá kỹ sự cần thiết, không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

“Việc xác định các ngành nghề trên là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được cân nhắc, xem xét, đối chiếu với nội dung quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 của dự thảo luật. Việc ràng buộc điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ dường như đi ngược lại với chính sách này.

Mặt khác, không nhận thấy lợi ích từ cộng đồng nào phải bị ảnh hưởng tác động nếu không kiểm soát điều kiện của tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ lưu trữ tài liệu. Đây là yếu tố quan trọng để xác định có cần thiết phải áp dụng điều kiện kinh doanh hay không”, bà Lam nói.

Khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa cho hoạt động lưu trữ

Giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu rất quan trọng, xác đáng, đóng góp vào việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng bám sát quan điểm, mục tiêu sửa đổi, nhất là tập trung sửa đổi việc quản lý, bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phù hợp với thời kỳ mới, góp phần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp và xây dựng xã hội hiện đại.

Về nghiệp vụ lưu trữ điện tử, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung các quy định đặc thù của hoạt động lưu trữ điện tử, làm rõ quá trình pháp lý của lưu trữ tài liệu số hóa và có giá trị; cụ thể hơn về kho lưu trữ và các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho công tác lưu trữ.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

"Đặc biệt, chúng ta thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số thì phải quan tâm đến vấn đề kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu khi thực hiện việc số hóa và lưu trữ điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số hiện nay. Chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề cần thiết và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm theo quy định, vừa bảo đảm an toàn thông tin, vừa đáp ứng yêu cầu về lưu trữ đặc biệt, hay những yêu cầu về quốc phòng, an ninh", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Liên quan đến hoạt động dịch vụ lưu trữ, một số ý kiến băn khoăn về việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tại Điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo Bộ trưởng, lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ - là tài liệu lịch sử chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, do đó cần phải được bảo đảm an ninh thông tin và quản lý chặt chẽ.

Nội dung quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ được thiết kế theo các cấp độ khác nhau để phù hợp với thực tế, khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa cho hoạt động lưu trữ.

Về nguồn nhân lực cho lưu trữ, những chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác lưu trữ..., Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vẫn phải thực hiện theo quy định của Chính phủ, nhưng sẽ theo phương châm “ít nhưng tinh thông”, đáp ứng được nhu cầu phát triển và sử dụng đội ngũ lưu trữ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày